“So với các dự thảo trước, dự thảo lần này có chuyển biến tích cực đã bổ sung nhiều nội dung đặc biệt liên quan đến khuyến khích chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN) trong nước gắn với phát triển các tổ chức KH&CN và gắn với phát triển doanh nghiệp”.
Ông Lê Quân – Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cho biết như trên khi góp ý kiến về Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).
Đại biểu Lê Quân đã bày tỏ sự ủng hộ cao với dự thảo luật và kính đề nghị Quốc hội thông qua cùng với Luật khoa học, công nghệ đã được Quốc hội khóa XIII thông qua.
“Kỳ họp lần này chúng ta tiếp tục thảo luận Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó hỗ trợ đổi mới, sáng tạo về khởi nghiệp và Luật chuyển giao công nghệ. Đây là những dự thảo luật rất có ý nghĩa để đẩy mạnh việc chuyển giao KH&CN và phát triển các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo cũng như tháo gỡ cho việc hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường, các viện nghiên cứu và các đơn vị chuyển giao”, đại biểu Lê Quân cho hay.
Để hoàn thiện các điều khoản, trong đó tập trung vào việc chuyển giao KH&CN trong nước, đại biểu Lê Quân đã đưa ra một số ý kiến. Cụ thể, đây là Luật chuyển giao công nghệ, do đó chúng ta nên tập trung vào những vấn đề chuyển giao công nghệ.
Do vậy, dự thảo luật hiện nay ngay Chương II quy định về thẩm định, công nghệ dự án đầu tư, đại biểu Lê Quân đề nghị đổi vị trí Chương II tập trung vào hợp đồng chuyển giao công nghệ và Chương IV thì thẩm định về công nghệ đầu tư. Như vậy, dự thảo luật sẽ nghiêng về vấn đề chuyển giao hơn là vấn đề thẩm định thủ tục. Cùng với đó, Luật nên đơn giản hóa các thủ tục để tránh lãng phí và tránh chi phí cho doanh nghiệp.
Điều 17 khi quy định về nội dung công nghệ trong dự án đã quy định rõ, trong dự án phải nêu rõ những nội dung gì. Khi trình những dự án phải thẩm định thì họ sẽ trình những nội dung cần thẩm định về mặt công nghệ. Nội dung thẩm định dự án trong Điều 17 và Điều 19, đại biểu Quân đề nghị nên lược giản hóa.
Tại Khoản 1, Điều 19 quy định rất nhiều tài liệu và những hồ sơ doanh nghiệp phải nộp khi thẩm định. Theo đại biểu Lê Quân, đối với những dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì chúng ta nên lược bỏ một số các nội dung thuộc nghĩa vụ tự thân của doanh nghiệp phải quan tâm, khi họ đầu tư thì chúng ta không nhất thiết phải báo cáo. Ví dụ, Điểm a khi yêu cầu phải báo là sự phù hợp của phương án công nghệ được lựa chọn với mục tiêu, quy mô công suất của dự án đầu tư. Những vấn đề này về mặt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tự cân nhắc những vấn đề đó. Thẩm định của chúng ta tập trung chủ yếu những vấn đề chúng ta quan tâm trong mục tiêu phải thẩm định đặt ra.
Để khuyến khích chuyển giao công nghệ trong nước, đại biểu Lê Quân đề nghị bổ sung một điều trong chương 4 về vai trò của các tổ chức KH&CN và nhà khoa học. “Hiện nay, thực tế tại Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi cũng đang rất khuyến khích chuyển giao khoa học công nghệ, và khuyến khích để làm sao hợp tác với trường học, nhà trường đầu tư để chuyển giao, nhưng có một số nội dung vướng mắc. Tôi đề nghị bổ sung để cho phép tổ chức KH&CN được sử dụng nguồn thu sự nghiệp của mình để góp vốn cùng doanh nghiệp để sản xuất thử nghiệm”, đại biểu Lê Quân đề xuất.
Bảo Chi (lược ghi)