Đó là chia sẻ của ông Trần Trí Dũng, Cán bộ giám sát và đánh giá kết quả Chương trình khởi nghiệp Thụy Sỹ khi chia sẻ về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thách thức đặt ra hiện nay cũng như những điều kiện cần đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp để thúc đẩy hoạt động này tại Việt Nam.
Cần có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ
PV: Dưới góc nhìn của một chuyên gia có kinh nghiệm trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế, ông đánh giá thế nào về thực chất hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay ở Việt Nam?
- Ông Trần Trí Dũng: Các nỗ lực đưa ý tưởng đổi mới sáng tạo thành sản phẩm và dịch vụ trên thị trường tại Việt Nam đang không ngừng gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Dù cũng có không ít lo ngại về "trào lưu khởi nghiệp" nhưng sự phong phú của các ý tưởng mới và đa dạng trong nhiều lĩnh vực ngành nghề là cần thiết để có thể chọn lọc những sản phẩm và dịch vụ có tính thương mại cao nhất. Khi tính cạnh tranh trên thị trường cao lên, các doanh nghiệp khởi nghiệp chịu sức ép đưa ra các giải pháp có hàm lượng công nghệ và sở hữu trí tuệ ngày một nhiều. Điều này đồng nghĩa sức cạnh tranh trong các sản phẩm khởi nghiệp không ngừng được cải thiện.
PV: Theo ông, khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp khởi nghiệp là vốn đầu tư, cơ chế chính sách hay là nguồn nhân lực?
- Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có muôn vàn khó khăn. Để vượt qua, trước tiên và trên hết là tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ trong mỗi nhà sáng lập và đội ngũ của mình. Hajime Hotta - nhà đầu tư Nhật Bản chia sẻ: Việt Nam có rất nhiều kỹ sư giỏi nhưng rất thiếu các nhà sáng lập. Như vậy có thể thấy, thách thức đầu tiên là nguồn nhân lực có tư duy đúng về khởi nghiệp và có năng lực giải quyết các vấn đề, năng lực lãnh đạo.
Vốn tài chính luôn được các doanh nghiệp khởi nghiệp xem như khó khăn đầu tiên. Tuy vậy, cũng không ít than phiền từ các nhà đầu tư rằng họ không tìm được dự án đủ hấp dẫn, đủ tin cậy để bỏ vốn. Thông tin bất đối xứng và khoảng trống trên thị trường luôn tồn tại. Sự chủ động tiến lại gần nhau từ cả phía nhà sáng lập và nhà đầu tư là cần thiết, nhưng trước tiên có lẽ các nhà sáng lập sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn, tập trung nhiều hơn vào nỗ lực phát triển sản phẩm đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của thị trường, cũng như điều chỉnh mô hình kinh doanh có sức cạnh tranh cao hơn. Thực tế là không một dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nào có sự ghi nhận rõ ràng từ thị trường và người tiêu dùng mà lại không nhận được vốn đầu tư.
PV: Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm thành công của hoạt động R&D tại Thụy Sỹ nói riêng và châu Âu nói chung thời gian qua. Việc áp dụng kinh nghiệm của họ tại Việt Nam liệu có phù hợp?
- Năm 2018, chương trình Swiss EP tổ chức tuần làm việc dành cho lãnh đạo các vườn ươm khởi nghiệp và chương trình tăng tốc kinh doanh tại Thụy Sỹ. Trong một tuần làm việc, chúng tôi được thăm quan, tìm hiểu hoạt động tại các trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo. Như Swiss Innovation Park (SIP) được tổ chức giống một doanh nghiệp, trong đó khi bắt đầu thành lập, Chính phủ Thụy Sỹ chiếm phần lớn cổ phần, các doanh nghiệp tư nhân là cổ đông nhỏ. Trong quá trình vận hành, phát triển, phần vốn góp của tư nhân được tăng dần lên. Đây có thể coi là mô hình PPP với sự kết hợp của 3 nhân tố: Chính phủ (đưa vốn mồi, hỗ trợ một phần cơ sở vật chất); Các nhà nghiên cứu và trường đại học (đóng góp các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật); Các doanh nghiệp (đảm nhiệm phần việc về thương mại hóa). SIP đóng vai trò cung cấp cơ sở hạ tầng, biến các ý tưởng, kết quả nghiên cứu thành các sản phẩm mẫu thông qua các mô hình: phòng thí nghiệm; xưởng sáng tạo; các khóa đào tạo về kỹ năng kinh doanh; dịch vụ cố vấn khởi nghiệp; kết nối các nhà sáng lập với cộng đồng kinh doanh và các nhà đầu tư "thiên thần", các quỹ đầu tư mạo hiểm... Những dịch vụ này thường được đóng gói thành các chương trình ươm tạo hoặc tăng tốc tùy theo mức độ phát triển và hoàn thiện của ý tưởng cũng như sản phẩm ban đầu của các nhóm/ công ty khởi nghiệp.
Thực tế ở Việt Nam cũng đã có những mô hình tương tự SIP, ví dụ: BK Holdings thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trung tâm ươm tạo thuộc Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh... Tuy nhiên, cơ chế vận hành của các mô hình tại Việt Nam có một số điểm khác biệt, nổi bật là phần sở hữu nhà nước vẫn chiếm tỉ lệ lớn. Song cũng đã có những nỗ lực từ khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy và hỗ trợ đưa các ý tưởng đổi mới sáng tạo thành sản phẩm và dịch vụ trên thị trường, như Chương trình tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (VIISA) do tập đoàn FPT và Dragon Capital liên doanh triển khai, Sông Hàn Incubator do các nhà đầu tư nhân tại Đà Nẵng thành lập... Thách thức trong việc triển khai mô hình tương tự SIP tại Việt Nam có thể kể đến cơ chế hợp tác công - tư, đặc biệt là về tài chính vẫn cần tiếp tục hoàn thiện, tư duy cởi mở hợp tác giữa các nhà khoa học và các doanh nghiệp mới đang dần hình thành... Bên cạnh đó, các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo luôn cần có thời gian để xây dựng năng lực thương mại bền vững. Đại diện của SIP chia sẻ họ kỳ vọng sẽ đạt tới điểm hòa vốn vào năm hoạt động thứ 8. Nghĩa là nguồn tài trợ vốn từ cả khu vực công và tư cần hết sức kiên nhẫn.
PV: Khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam không phải là từ mới mẻ hiện nay. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam có thể thành công không chỉ ở thị trường trong nước, theo ông cần có những bước cụ thể nào?
- Ở Việt Nam, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không phải là từ mới nhưng tư duy về tinh thần khởi nghiệp và hoạt động đổi mới sáng tạo thì cần được làm rõ.
Thứ nhất, khởi nghiệp nên được hiểu là một dạng năng lượng tinh thần với 3 đặc tính: (1) Khát khao tạo ra giá trị tích cực cho cộng đồng; (2) Năng lực nhận biết cơ hội trên thị trường và cung cấp sản phẩm dịch vụ đáp ứng các nhu cầu đó; (3) Dám chấp nhận những bất trắc trên hành trình đưa ý tưởng đổi mới sáng tạo vào thực tiễn. Theo đó, mỗi người đều có thể xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho mình nhưng không nhất thiết ai cũng phải trở thành doanh nhân.
Thứ hai, với hoạt động đổi mới sáng tạo, bên cạnh tính mới và độc đáo của ý tưởng hay giải pháp thì điều rất quan trọng là khả năng thương mại hóa của sản phẩm/ dịch vụ. Để đi đến thành công trên thị trường dù trong nước hay quốc tế, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đều cần phát triển tinh thần khởi nghiệp và năng lực đổi mới sáng tạo. Cụ thể có thể kể đến:
Mạnh dạn giới thiệu với người sử dụng và khách hàng giải pháp đổi mới sáng tạo càng sớm càng tốt, để ghi nhận phản hồi và tiếp tục hoàn thiện sản phẩm/ dịch vụ. Mọi người bán đều có mong muốn đưa ra thị trường sản phẩm/ dịch vụ hoàn hảo, tuy nhiên phải chấp nhận rằng sẽ không bao giờ có sản phẩm/dịch vụ hoàn hảo cả. Một sản phẩm đủ tốt là sản phẩm được sử dụng và được trả tiền.
Khi hướng ra thị trường quốc tế thì phải giao tiếp được với khách hàng và các đối tác quốc tế. Điều này đồng nghĩa cần có năng lực ngoại ngữ thành thạo, cũng như sự hiểu biết về luật pháp và văn hóa kinh doanh quốc tế...
Có ý thức bảo vệ các tài sản trí tuệ và bí quyết kinh doanh.
Để đổi mới sáng tạo toàn cầu cần có cách làm tương đồng và chung một ngôn ngữ
Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu
PV: Ông có thể chia sẻ về chiến lược, giải pháp hay mô hình nào để Việt Nam có được vị thế tốt hơn trong kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu?
- Để kết nối với mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu cần có cách làm tương đồng và nói cùng một ngôn ngữ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo với cộng đồng quốc tế. Mô hình Triple Helix hiện đang được triển khai và ghi nhận hiệu quả tại nhiều nền kinh tế phát triển. Đây là mô hình kết hợp giữa: (1) Chính phủ: cung cấp nguồn lực hỗ trợ để chia sẻ rủi ro ở giai đoạn đầu của ứng dụng đổi mới sáng tạo, tạo hành lang pháp lý thuận lợi; (2) Khối Viện nghiên cứu, trường đại học: cung cấp các giải pháp công nghệ và thành tựu nghiên cứu; (3) Cộng đồng doanh nghiệp: thực thi khâu cuối cùng, chuyển các giải pháp, kết quả nghiên cứu thành sản phẩm/dịch vụ cụ thể.
Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để áp dụng mô hình này. Kinh tế thế giới đang chuyển dịch từ hoàn thiện môi trường kinh doanh sang xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo. Khái niệm hệ sinh thái được xây dựng với tư duy kiến tạo các điều kiện văn hóa, xã hội, kinh tế thuận lợi để phát huy tinh thần khởi nghiệp và năng lực đổi mới sáng tạo. Hệ sinh thái khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo gắn liền với từng địa phương cụ thể, tỉnh hay thành phố. Xây dựng các đầu tàu kinh tế như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... trở thành điểm hội tụ của các nhà sáng lập, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, không chỉ từ Việt Nam mà cả khu vực và thế giới, sẽ dần từng bước đưa Việt Nam xuất hiện trên bản đồ mạng lưới đổi mới, sáng tạo toàn cầu.
PV: Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đã thành công khi áp dụng đổi mới sáng tạo, KH&CN, có thể kể đến như: gốm Minh Long; Vinamit; Doanh nghiệp cơ khí Bùi Văn Ngọ,… và một số công ty về công nghệ thông tin. Vậy ông có thể cho biết yếu tố quyết định thành công đối với các doanh nghiệp cũng như bài học kinh nghiệm?
- Từ năm 2014, chúng tôi đã có cơ may được phỏng vấn trực tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như gốm Minh Long, Doanh nghiệp cơ khí Bùi Văn Ngọ, vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Vinamit... về hành trình phát triển năng lực đổi mới sáng tạo. Kết quả của các công việc này là Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao bằng khen doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cho nhóm doanh nghiệp kể trên. Bài học đúc kết được từ thực tiễn là: thứ nhất, nhận thức và quyết tâm mạnh mẽ của người đứng đầu doanh nghiệp về vai trò ứng dụng KH&CN và thử nghiệm đổi mới sáng tạo. Thứ hai, đổi mới sáng tạo và ứng dụng KHCN là một quá trình kỷ luật. Ví dụ, gốm Minh Long phải mất hơn 10 năm kể từ lần đầu tham dự Hội chợ quốc tế Frankfurt về đồ nội thất cao cấp cho tới khi có được hợp đồng bán hàng đầu tiên. Ông Lý Ngọc Minh chia sẻ: "Những năm đầu tiên tham dự hội chợ quốc tế rất "cực". Hội chợ diễn ra vào tháng Hai tại Đức, giữa mùa đông châu Âu rất lạnh, lại trùng với dịp Tết Nguyên đán, chi phí thì đắt đỏ. Gian hàng của Minh Long ở vị trí không thuận lợi. Bởi thế, ngay trong đội ngũ của Minh Long cũng không ít người nản lòng và phản đối việc tham dự Hội chợ Frankfurt. Nhưng chúng tôi đến Hội chợ không chỉ để bán hàng mà trước tiên là để học hỏi các nhà cung cấp gốm sứ hàng đầu thế giới họ bán hàng gì, trình bày sản phẩm ra sao và quan trọng hơn cả là làm thế nào để họ tạo ra được những sản phẩm đó. Qua những năm tham dự Hội chợ, Minh Long cũng hiểu rõ hơn những người mua hàng đầu thế giới cần gì".
Thứ ba, quá trình đổi mới sáng tạo không có điểm dừng, bởi các nhà sáng lập không bao giờ thỏa mãn. Ông Nguyễn Lâm Viên đã thành công trong việc đưa trái mít tươi thành sản phẩm sấy đóng gói Vinamit đi khắp toàn cầu. Nhưng năm 2018, người tiêu dùng lại có cơ hội thưởng thức những sản phẩm độc đáo mới như cà phê tươi, nước mía sấy khô..
Bài, ảnh: Phương Nga