Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ hai, 25/11/2024 , 06:32 am
Cập nhật : 06/10/2016 , 22:10(GMT +7)
Không chỉ tự chủ về tiền
Các nhà nghiên cứu của Viện KH&CN tiên tiến AIST, ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Hoàng Minh.
Trong buổi lễ trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 19/7/2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam một lần nữa lại nhắc đến quyền tự chủ đại học. Phó Thủ tướng nói: “Tự chủ đại học không chỉ là tự chủ về tiền”, và ông nhấn mạnh: “Tự chủ đại học quan trọng hơn cả là tự chủ về khoa học, học thuật…”

Từ khi nước ta bước vào đổi mới, vấn đề quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, trường học, khoa học, v.v... nổi lên sôi động. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng quan tâm tới việc hoạch định chính sách về tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các loại hình tổ chức sản xuất, nghiên cứu, đào tạo, v.v... trong toàn xã hội: Khu vực sản xuất – kinh doanh có Luật Doanh nghiệp; khoa học và công nghệ (KH&CN) có Nghị định 115/2005/NĐ-CP và 80/2006/NĐ-CP, gần đây được thay thế bằng Nghị định 16/2015/NĐ-CP và Nghị định 54/2016/NĐ-CP (sau đây lần lượt gọi tắt là Nghị định 115, Nghị định 80, Nghị định 43, Nghị định 16 và Nghị định 54).

Cần đánh giá, đây thực sự là một xu thế hết sức tích cực. 

Tuy nhiên, đã trên mười năm, các chính sách về tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động KH&CN vẫn chưa đi vào cuộc sống, thậm chí, người ta chưa thiết tha với quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm được quy định trong các chính sách. 

Vậy vấn đề do đâu? Chúng tôi có hai bài phân tích nguyên nhân, đăng trên Tạp chí Tia Sáng, cho rằng “Nghị định 115 thiếu nhất quán giữa mục tiêu và phương tiện”2 và “Nghị định 115: Cần thay đổi quan điểm của cấp vĩ mô”3.

Trong bài này, chúng tôi chọn một vài cách tiếp cận để thảo luận cụ thể hơn, mong muốn góp một tiếng nói tiếp tục hoàn thiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các tổ chức KH&CN của nước ta.

Quan niệm từ triết lý tài chính

Bản chất của Nghị định 16 (2015) và Nghị định 54 (2016) là “Anh càng tự chủ được về tài chính bao nhiêu, tôi càng cho anh được quyền tự chủ bấy nhiêu”. Từ đó, nghị định này chia tổ chức KH&CN công lập thành bốn loại: 1) Tổ chức KH&CN tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 2) Tổ chức KH&CN tự bảo đảm chi thường xuyên; 3) Tổ chức KH&CN tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 4) Tổ chức KH&CN do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Căn cứ vào mức độ đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư theo các loại trên đây, Nhà nước sẽ trao quyền tự chủ cho tổ chức KH&CN.

Theo triết lý này thì các viện Loại 1 được trao quyền tự chủ lớn nhất; ngược lại các viện thuộc Loại 4 được tự chủ kém nhất, nghĩa là các viện được nhà nước xếp vào loại nghiên cứu cơ bản, là những viện được nhà nước đảm bảo chi thường xuyên, thì hoàn toàn không được tự chủ (!)

Theo chúng tôi, tiếp cận tài chính có thể là rất đúng đắn, nhưng chưa đụng đến một vấn đề lớn về bản chất của nghiên cứu khoa học, là thỏa mãn nhu cầu nhận thức của nhân loại. Vì vậy, chúng tôi nhận ra, ý kiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rất đáng để các nhà làm chính sách suy nghĩ. Trong phần sau, chúng tôi xin làm rõ điều này.

Quan niệm triết lý tổ chức khoa học 

Tất cả các đồng nghiệp Việt Nam (trong đó có bản thân tác giả bài viết này), những người từng tìm kiếm các dự án tài trợ bởi các quỹ chính phủ, như DAAD (Đức), SIDA/SAREC (Thụy Điển), IDRC (Canada), v.v..., đều biết rất rõ rằng, các quỹ này có nguồn từ ngân sách nhà nước, nhưng họ không hề xem những dự án đó là các “Đề tài cấp nhà nước” của các quốc gia đó. Hơn nữa, họ cũng không hề can thiệp vào quyền “tự chủ, tự chịu trách nhiệm” của các chủ dự án do họ tài trợ. Khi họ thuê các chuyên gia đánh giá các dự án (chứ không “nghiệm thu”), họ chỉ đòi hỏi thuyết minh các tác động Output, Outcome và Impact của các dự án trên đất nước sở tại.

Trên thế giới, người ta gọi đó là “Quyền tự trị” (Autonomy) của khoa học.

Từ sau khi công bố Luật KH&CN (2000), chúng ta bắt đầu làm quen với các quỹ do Luật chế định. Tuy nhiên, chúng ta không được hưởng quyền “tự chủ, tự chịu trách nhiệm” như khi thực hiện các dự án xin tài trợ từ các quỹ của nước ngoài, như DAAD, SIDA/SAREC, IDRC, v.v...

Trên thực tế, đã có một bộ phận các nhà nghiên cứu Việt Nam được hưởng quyền tự trị khi họ tìm kiếm tài trợ từ các quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước ở nước ngoài. Thực tế này rất đáng được tham khảo để tìm con đường xác lập quyền “tự chủ, tự chịu trách nhiệm”, tức thiết chế tự trị cho các tổ chức KH&CN nước ta.

Con đường tất yếu

Chúng tôi đã nhiều lần đề cập trong các bài viết, trên thế giới có bốn loại triết lý về tổ chức KH&CN:

1. Nhà nước không quan tâm tổ chức hoạt động KH&CN. Đó là mối quan tâm tư nhân của các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp.

2. Nhà nước quan tâm tổ chức hoạt động KH&CN một cách bình đẳng với các thành phần khác nhau trong xã hội.

3. Nhà nước giành về mình quyền duy nhất tổ chức hoạt động KH&CN. Mọi hoạt động KH&CN tư nhân đều là phi pháp. Đó là cách thức tổ chức KH&CN tại tất cả các nước XHCN.

4. Nhà nước trả lại quyền tự trị tổ chức hoạt động KH&CN cho mọi thành phần trong xã hội. Nhà nước chỉ giữ lại chức năng và sứ mệnh quản lý vĩ mô về KH&CN.

Công cuộc cải cách ở Việt Nam, dù trải qua những chặng đường lúc tiến lúc thoái, nhưng về cơ bản đang đi theo lộ trình từ Triết lý 3 sang Triết lý 4, nghĩa là, bản chất việc xác lập quyền “tự chủ, tự chịu trách nhiệm” ở nước ta, nói vắn tắt là từ bỏ Triết lý 3 và thực hiện Triết lý 4 trong hoạt động KH&CN. Đường đi từ đây (Triết lý 3) đến đó (Triết lý 4) còn nhiều gian nan, nhưng có thể mô tả tóm tắt như sau: 

1. Từ nghiên cứu hoạt động của các quỹ chính phủ ở nước ngoài, mở rộng hoạt động của các quỹ hiện có, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản hoặc khoa học cơ bản.

2. Khuyến khích hình thành các quỹ tư nhân, bao gồm các quỹ của doanh nghiệp, kiểu như Volswagen Foundation, Ford Foundation, Toyota Foundation, …

3. Các tổ chức KH&CN (công lập và ngoài công lập) được tự chủ xây dựng kế hoạch nghiên cứu và xin tài trợ của các quỹ chính phủ và tư nhân.

4. Hạn chế đến tối thiểu các “nhiệm vụ nhà nước” chỉ trong phạm vi các nhiệm vụ thực sự phục vụ công việc của nhà nước. Nhân đây, xóa bỏ việc đánh giá giá trị công trình khoa học theo “cấp nhà nước”, “cấp bộ” và “cấp cơ sở”, như trong quy chế công nhận chức danh PGS/GS hiện nay.

5. Thực sự chuyển sang một hệ thống kinh tế thị trường hoàn hảo, xóa bỏ sự bao cấp của nhà nước, các doanh nghiệp phải đối mặt với cạnh tranh trên thị trường, buộc doanh nghiệp phải ký hợp đồng với các tổ chức KH&CN để đổi mới công nghệ.

6. Các trường đại học, các viện, các doanh nghiệp được “tự chủ, tự chịu trách nhiệm” hình thành các spin-off, spin-in, spin-out để thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ, như đã từng nở rộ trong thập niên 1990 (đặc biệt là ở Viện KHVN, tất nhiên, khó tránh khỏi tình trạng, một số đơn vị được lập ra không với tư cách là những spin-off) sau khi Hội đồng Bộ trưởng có Nghị định 51/HĐBT năm 1987, và hầu như đã bị dẹp bỏ vào những thập niên đầu tiên của thế kỷ này do nhiều cơ quan chức năng không nắm được đặc điểm này của các tổ chức KH&CN. 

Kết luận

Từ nghiên cứu công cuộc cải cách KH&CN Việt Nam trong thời gian vừa qua, chúng tôi tạm ghi nhận như sau:

- Trả lại quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức KH&CN là một đòi hỏi tất yếu. Nghị định 115 phải được xem là một trong những mốc đánh dấu quan trọng, nhưng có một số mặt bất cập mà chúng tôi đã phân tích trong một vài bài trên Tạp chí Tia Sáng.

- Nghị định 16 và Nghị định 54 cũng cần được xem là một mốc quan trọng, nhưng hai nghị định này đã khẳng định triết lý tự chủ chỉ từ tiếp cận tài chính. Điều này có thể đúng với nhiều tổ chức sự nghiệp công lập, trong đó có tổ chức KH&CN, nhưng mới chỉ là tự chủ về tài chính.

- Tuy nhiên, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh, “Tự chủ không chỉ là tự chủ về tài chính”, chúng ta có thể hiểu, đi theo tiếp cận tài chính chưa hoàn toàn phù hợp với đặc điểm của hoạt động KH&CN, là một hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu tri thức của toàn xã hội, mà mọi nhà nước đều luôn đóng vai bà đỡ hào hiệp nhất.

Đó là những điều còn cần tiếp tục nghiên cứu, mà chúng tôi xin được bàn tiếp trên các diễn đàn của cộng đồng KH&CN.

 

Nguồn tin: Tạp chí Tia sáng

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner