Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ hai, 25/11/2024 , 07:14 am
Cập nhật : 01/09/2016 , 16:09(GMT +7)
Khơi gợi và nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong giới trẻ
Một tiết học tương tác tại Trường hè Khoa học 2016 (Ảnh: Quốc Toản - VNU Media).
TS. Ngô Đức Thế và TS. Lưu Quang Hưng, hai nhà nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài, đã chia sẻ với Tạp chí Tia Sáng những suy nghĩ và mục tiêu mà họ hướng đến khi thành lập Trường hè Khoa học, một khóa học diễn ra vỏn vẹn vài ngày mỗi năm nhưng bước đầu đã thực hiện được điều họ mong đợi: góp phần khơi gợi và nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong các bạn trẻ.

Những ngày đầu gian nan

Khi còn cùng làm việc tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), ba nhà khoa học trẻ Ngô Đức Thế, Lưu Quang Hưng và Giáp Văn Dương luôn băn khoăn về sự thờ ơ của giới trẻ với khoa học và nghề nghiên cứu. Những câu hỏi ấy vẫn luôn được gợi lên trong những cuộc thảo luận về khoa học của họ với nhóm các đồng nghiệp người Việt ở NUS. Làm gì để cổ vũ giới trẻ có thêm dũng khí theo đuổi con đường nghiên cứu đầy chông gai mà chính bản thân họ cũng đang phải đối mặt?

Khi chia tay nhau ở Hà Nội để chuẩn bị mỗi người tới một phương trời mới, cả ba cùng tìm thấy câu trả lời cho băn khoăn này, đó là tổ chức một lớp học dành cho những sinh viên yêu thích khoa học nhằm trang bị những kỹ năng và hành trang cơ bản từ những trải của những người đi trước. Xa hơn, trường hè còn có thể truyền thêm nhiệt huyết và nuôi dưỡng tình yêu dành cho khoa học của các bạn trẻ. Trường hè Khoa học Việt Nam (Vietnam Summer School of Science, VSSS) đã ra đời vào tháng 8 năm 2013 trong hoàn cảnh đó.

Trong quá trình chuẩn bị tổ chức, hàng loạt những vấn đề đã lần lượt nảy sinh: để thu hút các em quan tâm hơn đến khoa học thì cần những nội dung bài giảng gì; thời lượng bao nhiêu là phù hợp cho khóa học; lấy ở đâu ra kinh phí (dự kiến hàng chục triệu) để mở lớp khi chẳng ai sẵn lòng tài trợ cho ý tưởng họ chưa nhìn thấy, thậm chí là lĩnh vực chẳng mang lại tác dụng quảng bá gì với doanh nghiệp; liệu các bạn trẻ sẽ đón nhận ra nó sao, có sinh viên nào thật sự quan tâm đến lớp học như vậy không khi luôn có hàng trăm hoạt động khác hấp dẫn hơn? Tìm đâu ra sinh viên chỉ trong vòng có vài tuần trong bối cảnh các em đang đều về quê nghỉ hè? Rất nhiều những câu hỏi khác những người tổ chức phải tự đặt ra cho mình và loay hoay tìm giải pháp.

Thật may, ý tưởng của nhóm đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của lãnh đạo trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, đặc biệt là của TS. Trịnh Thị Thúy Giang. TS. Giang là người đã giúp kết nối với lãnh đạo nhà trường nhằm hỗ trợ cơ sở vật chất, đồng thời bảo lãnh về nội dung để Trường hè có thể đi vào hoạt động từ con số 0 tròn trĩnh.

Trường hè khoa học đầu tiên đã diễn ra trong hai ngày, mùng 5 và 6 tháng 8 năm 2013. Một lớp học ấm cúng với 80 học viên ưu tú nhất được chọn từ hơn 180 hồ sơ nộp trực tuyến. Sáu giảng viên trẻ (nhóm ba người đầu tiên cùng với ba giảng viên đại học trẻ khác, PGS.TS. Ngô Đức Thành, TS. Phạm Thái Sơn và ThS. Hồ Huyền) thay nhau giảng 6 bài. Số lượng các bạn trẻ đăng ký học vượt xa mong đợi ban đầu của họ, góp phần tạo nên một không khí lớp học sôi nổi chưa từng có. Suốt hai ngày liên tiếp, các bài giảng diễn ra từ 8h sáng tới 7h tối nhưng không học viên nào bỏ về giữa chừng, thậm chí đa phần còn nán lại với nhiều câu hỏi và thảo luận cùng các giảng viên.

Nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong giới trẻ

Luôn coi trường hè là nơi những nhà khoa học trẻ đi trước thể hiện trách nhiệm dìu dắt những thế hệ tiếp theo, VSSS đã tập hợp được một bộ khung chương trình giảng dạy với sự tham gia của những nhà khoa học trẻ có chuyên môn tốt và giàu nhiệt huyết. Lối giảng dạy tươi mới, cởi mở, đa chiều và phong phú về nội dung là những ưu điểm của Trường hè và may mắn luôn được các học viên đón nhận. Điều bất ngờ là các giảng viên đều tham gia tự nguyện tham gia, không đòi hỏi bất kỳ một khoản thù lao nào, chỉ với một mục đích là nỗ lực nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong các bạn trẻ.

Thành công ở lần tổ chức đầu tiên đã thắp lên niềm tin cho nhóm sáng lập tiếp tục duy trì và phát triển Trường hè. Ngay sau khi chương trình kết thúc, Ban tổ chức đã nhận được những phản hồi tích cực của cộng đồng bạn trẻ yêu thích nghiên cứu về mục tiêu, nội dung cũng như phương pháp giảng dạy. Với sự ủng hộ nhiệt thành này, các kỳ trường hè tiếp theo chứng kiến sự mở rộng quy mô học viên và sự ủng hộ của nhiều nhà khoa học trẻ đang làm việc trong nước bằng việc cùng tham gia tổ chức giảng dạy như TS. Nguyễn Đức Dũng (Đại học Bách khoa Hà Nội), TS. Đặng Văn Sơn (Đại học Quốc gia Hà Nội)... Các kết quả tích cực giúp Trường hè nhận được sự ủng hộ của một số tổ chức khác như Viện VEPR (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung tâm DEPOCEN, Công ty Trung Nguyên, Công ty AlphaSchool, Công ty AlphaBooks.

Cho đến năm 2016, Trường hè Khoa học đã qua bốn kỳ tổ chức liên tiếp. Số lượng sinh viên quan tâm các chương trình học của Trường hè ngày một tăng. Mặc dù quy mô lớp học mỗi năm đã được tăng lên gần gấp ba (trên 200 người) nhưng số lượng hồ sơ nộp hàng năm luôn ở mức trên dưới 500. Đồng thời, Ban tổ chức cũng nhận được những phàn hồi rất tích cực từ các bạn học viên về sự thú vị và những điều bất ngờ mà chương trình mang lại.

Vì vậy từ chỗ chỉ gói gọn trong các nội dung về khoa học tự nhiên và kỹ thuật, các bài giảng của Trường hè đã được mở rộng ra nhiều nội dung về khoa học xã hội, kinh tế, nghệ thuật nhờ sự tham gia tích cực của nhiều giảng viên mới ở các lĩnh vực này như TS. Nguyễn Ngọc Anh (DEPOCEN), TS. Nguyễn Tô Lan, TS. Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), TS. Nguyễn Đức Thành, TS. Phạm Sỹ Thành (Viện nghiên cứu kinh tế VEPR, đại học Quốc gia HN),.. và nhiều nhiều nhà khoa học khác đang làm việc tại Việt Nam.

Ảnh hưởng của trường hè

Qua bốn lần tổ chức, nội dung khung của trường hè đã được định hình rõ nét. Nội dung chính bao gồm các bài giảng về: phương pháp luận khoa học, tư duy phản biện, tư duy nghiên cứu, kỹ năng công bố công trình khoa học, đạo đức của người làm khoa học và cách trích dẫn, các kinh nghiệm hữu ích nhằm chuẩn bị theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ xin việc trong lĩnh vực học thuật, cách tìm kiếm học bổng du học. Bên cạnh dàn bài khung đó, mỗi năm sẽ có những bài giảng “mềm” mới về khoa học ứng dụng và nghệ thuật.

Kể từ trường hè lần thứ ba (2015), một nội dung mới được đưa vào là tương tác, nhằm rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm và các tình huống khoa học giả định, bất ngờ trở thành nội dung sôi nổi nhất của kỳ trường hè các năm sau đó. Qua khảo sát sau chương trình, hơn 80% học viên đã đánh giá các bài tập nhóm và tương tác ở mức độ “rất hữu ích”.

Sau bốn kỳ tổ chức, VSSS đã bắt đầu cho thấy những tác động tích cực của nó lên giới trẻ qua những phản hồi của các cựu học viên. Gần 80% cựu học viên trả lời rằng tình yêu của họ đối với khoa học và nghiên cứu khoa học tăng lên rõ rệt, trong đó có gần 25% người đã thể hiện quyết tâm chuyển sang theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học lâu dài sau khi học Trường hè. Ở góc nhìn khác, bài giảng chia sẻ kinh nghiệm xin học bổng và du học nước ngoài giúp các bạn có thêm cơ hội du học ở nước ngoài. Qua khảo sát chưa đầy đủ, ít nhất 10% cựu học viên phản hồi rằng họ đã kiếm được học bổng du học nước ngoài sau khi tham gia học trường hè. Hơn 60% trong số này khẳng định học bổng họ nhận được có đóng góp đáng kể từ các bài học thực tế tại trường hè. Như vậy, đến nay, trường hè đã giúp ít nhất 50 bạn theo đuổi ước mơ du học của mình.

Trường cũng thay đổi góc nhìn khác của các em về mặt đạo đức khoa học. Một ví dụ vui gần đây được dùng như một minh chứng cho sự thay đổi rõ rệt về tư duy của học viên về vấn đề đạo văn. Rất nhiều học viên sau khi tham dự trường hè viết kèm các trích dẫn nguồn cẩn thận khi viết các vấn đề xã hội trên facebook của họ. Tất nhiên đây chỉ là một thông tin vui, có thể nói, tư duy phản biện của các em sau trường hè trở nên rõ nét. Có em đã chia sẻ về quyết tâm theo đuổi con đường khoa học "Trước khi tới với trường hè, định hướng cho tương lai của mình còn khá đơn giản, mình định tìm 1 công việc thu nhập cao, có tiền phụ giúp gia đình và đi đây đi đó. Mình từng là người yêu khoa học, yêu nghiên cứu nhưng không định hướng đó là hướng đi cho mình sau khi ra trường. Đến trường hè, khi ở giữa môi trường xung quanh toàn người giỏi, toàn con người của khoa học, tình yêu nghiên cứu chưa bao giờ trỗi dậy trong lòng mình mạnh đến thế. Trước kia mình chưa bao giờ nghĩ đến việc này, nhưng hôm nay mình đã có thể nói nó ra, cố gắng phấn đấu vì nó, mình muốn theo đuổi niềm đam mê trong lĩnh vực của mình”. Có bạn còn tâm sự: "Ba ngày ở đây, nghe những điều chưa-từng-được-nghe, thấy những điều chưa-từng-được-thấy và học những điều chưa-bao-giờ-học. Ba ngày ở đây là ba ngày được thỏa mãn khát khao tìm hiểu, được đặt ra những câu hỏi, nhận những câu trả lời và ôm về một mớ khác nhiều hơn... Đi học Trường hè thực sự là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất của đời sinh viên. Không chỉ là khai sáng tri thức, mở mang đầu óc và nhìn thế giới bằng những góc nhìn khác nhau, Trường hè còn là nơi cho tôi thấy những người trẻ đã và đang sống như thế nào.” Đọc hàng trăm những cảm  nhận tích cực khác của các em về trường hè không khiến giảng viên bồi hồi xúc động, như "Có thể em chưa thấm được 100% các bài giảng nhưng cái em thấy em nhận được là năng lượng tích cực lan tỏa từ những trái tim các thầy cô. Trong khoảnh khắc bế mạc, các thầy cô đứng trên sân khấu, em lại có thêm được quyết tâm rằng 7 năm nữa, em sẽ là người đứng trên đó, nối tiếp con đường của các thầy cô”.

Trường hè đi về đâu?

Dù mang trong mình rất nhiều nhiệt huyết của những bạn trẻ với khát khao nuôi dưỡng tình yêu khoa học cho thế hệ sau, trường hè phải đối mặt với rất nhiều thách thức nan giản. Có thể nói, tài chính vẫn luôn là vấn đề đau đầu với những người tổ chức ngay từ ngày đầu thành lập. Là một sự kiện tự phát từ những cá nhân, Trường hè được bắt đầu từ con số 0 với những đóng góp cá nhân của chính những người tổ chức. Sự phát triển về quy mô của Trường hè cũng đi kèm với đòi hỏi sự tiêu tốn thêm nhiều nguồn tài chính khác đề hỗ trợ các bạn học viên. Dù đã được Đại học Quốc gia Hà Nội hỗ trợ nhưng các thành viên ban tổ chức Trường hè cũng đã phải tự nỗ lực rất nhiều để duy trì trường hè suốt 4 năm qua.

Một tin vui đáng khích lệ cũng đến với Trường hè. Năm 2016, lần đầu tiên Quỹ Rencontres du Vietnam mà đại diện là GS. Jean Trần Thanh Vân tài trợ một khoản tài chính đáng kể (30.000.000 đồng), cùng với đó là sự đóng góp của nhiều trí thức người Việt đang sống và làm việc ở nước ngoài như GS. Trần Văn Thọ (Nhật Bản), GS. Phạm Xuân Yêm (Pháp), PGS. Vũ Minh Khương (Singapore) cũng giúp san sẻ bớt gánh nặng tài chính, qua đó giúp cho nhiều học viên ở xa Hà Nội (chủ yếu là ở các tỉnh miền Trung và miền Nam) được hỗ trợ một phần chi phí đi lại, đồng thời đem lại phần thưởng nho nhỏ cho cuộc thi nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ trường hè.

Qua 4 lần tổ chức, Trường hè đã ghi nhận những tác động tích cực tới lòng yêu khoa học và quyết tâm theo đuổi con đường nghiên cứu của giới trẻ. Tuy nhiên xét về hiệu quả thì con số 700 học viên đã tham dự trường hè vẫn còn quá khiêm tốn. Vì vậy để phát huy được những mặt tích cực của nó, trong những năm tiếp theo, mô hình Trường hè Khoa học vẫn cần được hoàn thiện và cần có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ xã hội.


 

Nguồn tin: Tạp chí Tia sáng

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner