Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 05:27 pm
Cập nhật : 22/08/2011 , 09:08(GMT +7)
“Khoán 10” đã và đang đi vào cuộc sống
TS Nguyễn Quân - Bộ trưởng KH&CN.
Từ nhiều năm nay, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã được coi như “Khoán 10” trong khoa học, đã “cởi trói” cho chất xám bởi theo cơ chế này nhà khoa học được trao hàng loạt quyền, trong đó có quyền nhận thu nhập ở mức không hạn chế. TS Nguyễn Quân - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã trả lời phỏng vấn về những kết quả đạt được và quá trình tháo gỡ các nút mắc khi thực hiện Nghị định 115.

Trên 60% tổ chức KH&CN chuyển đổi thành công

Nghị định 115/2005/NĐ-CP (NĐ 115) của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập đã trải qua 6 năm triển khai thực hiện. Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật?

- Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân: NĐ 115 đã được giới khoa học và các tổ chức KH&CN đón nhận rất tích cực. Về cơ bản, tất cả các tổ chức KH&CN công lập của Việt Nam đã hoạt động theo một cơ chế mới - cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thực chất là hoạt động theo cơ chế của doanh nghiệp. Bởi trong các loại hình tổ chức thì doanh nghiệp là loại hình có khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao nhất. Đến nay, trên 60% tổ chức KH&CN đã được phê duyệt đề án chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm hoặc phê duyệt đề án hoàn thiện cơ cấu tổ chức để thực hiện tự chủ. Từ nay đến hết tháng 12/2013, việc phê duyệt Đề án chuyển đổi sẽ hoàn tất. Các tổ chức KH&CN công lập chưa được phê duyệt Đề án chuyển đổi sẽ tiếp tục xây dựng và trình Đề án để chuyển đổi theo một trong 2 hình thức: tổ chức KH&CN tự trang trải kinh phí và doanh nghiệp KH&CN hoặc sẽ bị sáp nhập, giải thể.

Trong quá trình thực hiện NĐ 115 và Nghị định 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN có một vài vướng mắc trong sự phối hợp giữa các bộ, ngành, sự đồng bộ của các văn bản hướng dẫn, một vài vấn đề liên quan đến thủ tục cần có thời gian giải quyết, nên trong quá trình tổ chức thực hiện chúng tôi đã đề nghị kéo dài thời gian đến năm 2013 để các tổ chức KH&CN có đủ thời gian chuẩn bị chuyển sang cơ chế mới. Nói như thế để khẳng định lại là NĐ 115 trong 6 năm thực hiện về cơ bản đã thành công. Có thể ví dụ đi đầu trong việc thực hiện cơ chế này ở khối bộ, ngành là Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh... Một số địa phương thực hiện tốt như Nghệ An, Đồng Nai… 

Nhiều tổ chức KH&CN sau khi chuyển sang cơ chế tự chủ đã cho rằng đây là “cơ hội vàng” để phát triển. Theo bộ trưởng, những yếu tố nào tạo nên thành công của những đơn vị này?

- Yếu tố đầu tiên cần nói đến là những người đứng đầu bộ, ngành, địa phương và các tổ chức KH&CN đã hiểu rõ tinh thần của NĐ 115 và chỉ đạo thực hiện rất quyết liệt. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ KH&CN, Tài chính và Nội vụ cũng đã giải quyết kịp thời rất nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện. Hơn nữa, chính các tổ chức KH&CN cũng đã có đủ năng lực, điều kiện và đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu để thực hiện cơ chế tự chủ. Họ có sản phẩm của các đề tài nghiên cứu và thị trường để ứng dụng kết quả nghiên cứu vào cuộc sống, đồng thời, họ hiểu và nắm được các quyền trong NĐ 115 cho phép và đã đấu tranh, thuyết phục cơ quan chủ quản và các ban, ngành liên quan để thực hiện được những quyền đó.

Tổ chức KH&CN năng động có thể sẽ được hỗ trợ nhiều hơn trước

Việc thực hiện NĐ 115 về cơ bản đã thành công. Tuy nhiên, một số tổ chức KH&CN còn băn khoăn về cơ chế khoán, lo sợ mất “bầu sữa ngân sách”, muốn được cổ phần hoá,… Bộ trưởng có thể cho biết rõ hơn về điều này?

- Vấn đề lo sợ mất “bầu sữa ngân sách” là cách hiểu rất sai lầm do không nghiên cứu kỹ NĐ 115. Theo quy định, những đơn vị làm nghiên cứu cơ bản, chiến lược chính sách vẫn được hỗ trợ, ít nhất là như trước đây và cho được hưởng phương thức khoán chi thường xuyên. Còn các đơn vị nghiên cứu ứng dụng triển khai, các đơn vị sự nghiệp có thu, Nhà nước chỉ thay đổi phương thức cấp kinh phí chi thường xuyên từ kiểu cấp theo biên chế như trước đây chuyển sang cấp theo nhiệm vụ. Nhiệm vụ này đã được chúng tôi làm rõ trong NĐ 96/2010/NĐ-CP.

Cụ thể, có 2 loại nhiệm vụ của tổ chức KH&CN: nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, là nhiệm vụ được quy định rõ trong điều lệ hay quyết định thành lập tổ chức ấy; thứ hai là nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ tức là các đề tài, dự án nghiên cứu hoặc ứng dụng KH&CN. Nhà nước sẽ bố trí kinh phí thường xuyên nằm trong 2 loại nhiệm vụ này. Tất cả các kinh phí khác như đầu tư phát triển, đầu tư phòng thí nghiệm, xây dựng cơ sở vật chất… Nhà nước vẫn giao bình thường như trước đây.

Vì vậy, các tổ chức KH&CN khi chuyển sang cơ chế tự chủ hoàn toàn yên tâm là “bầu sữa ngân sách” về mặt khối lượng ít nhất vẫn như trước đây, nhưng cần nhấn mạnh là nếu tổ chức KH&CN khẳng định được sự năng động, tích cực của mình thì có thể được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn, nói khác đi dung tích của “bình sữa” ấy có thể còn lớn hơn trước.

Với vấn đề cổ phần hóa, đến nay Nhà nước chưa có chủ trương cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp ở cả lĩnh vực y tế, giáo dục và khoa học. NĐ 115 cho phép các tổ chức KH&CN được sản xuất kinh doanh nhưng không đặt vấn đề cổ phần hóa. Tổ chức KH&CN có thể tách một phần đất đai, tài sản được giao để đưa vào sản xuất kinh doanh và được cấp đăng ký kinh doanh như doanh nghiệp nhưng vẫn là đơn vị sự nghiệp của Nhà nước. Nếu một bộ phận của tổ chức KH&CN có đủ điều kiện (theo NĐ 80), họ được thành lập doanh nghiệp KH&CN. Doanh nghiệp KH&CN là một bộ phận, một đơn vị của tổ chức KH&CN nhưng vẫn có tư cách pháp nhân, hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối độc lập trên cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu của tổ chức KH&CN để sản xuất kinh doanh chứ không phải là cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp.

Đẩy mạnh công tác truyền thông về NĐ 115

Bộ KH&CN đã và sẽ có những giải pháp cụ thể nào thúc đẩy việc triển khai NĐ 115 đúng thời hạn và để các đơn vị có thể tự chủ hoàn toàn về tài chính, tài sản, con người, thưa Bộ trưởng?

- Bộ KH&CN đã và đang rà soát, phát hiện tất cả những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện NĐ 115 và NĐ 80 để tháo gỡ. NĐ 96 ra đời là một bước tháo gỡ tất cả những khó khăn, vướng mắc đã được phát hiện trong quá trình thực hiện. Ví dụ, với vấn đề giao đất, NĐ 115 mới chỉ nói chung chung khi chuyển sang cơ chế mới sẽ được giao đất nhưng trong NĐ 96 đã phải quy định rất rõ có 4 hình thức giao đất: giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất có thu tiền và cho thuê đất miễn tiền thuê đất.

Các vấn đề khác NĐ 96 cũng đã tháo gỡ như bổ sung loại hình các tổ chức, việc hồi tố công nhận đối với các doanh nghiệp KH&CN, về con dấu, tư cách pháp nhân của tổ chức sự nghiệp. NĐ 96 đã khẳng định, các đơn vị chuyển sang cơ chế tự chủ tuy có sản xuất kinh doanh vẫn là đơn vị sự nghiệp của Nhà nước chứ không phải doanh nghiệp, cán bộ công chức ở đơn vị sự nghiệp này vẫn là viên chức của Nhà nước. Còn nếu đã chuyển sang doanh nghiệp KH&CN thì cán bộ viên chức sẽ hoàn toàn theo chế độ của doanh nghiệp nhưng được bảo lưu chế độ của đơn vị sự nghiệp trong một thời gian nhất định. Hay vấn đề con dấu, nhiều đơn vị quan niệm khi chuyển đổi sẽ phải thay đổi con dấu nhưng chúng tôi đã giải thích rất rõ trong NĐ 96, các tổ chức KH&CN khi có sản xuất kinh doanh mặc dù được cấp đăng ký kinh doanh như doanh nghiệp nhưng vẫn dùng con dấu của đơn vị sự nghiệp và vẫn sử dụng tên của viện, trung tâm chứ không phải công ty.

Bộ sẽ xây dựng những mô hình điển hình, mô hình mẫu các đơn vị thành công và nhân rộng để các đơn vị khác học tập. Bộ cũng đang xây dựng một chương trình quốc gia và sẽ trình Thủ tướng phê duyệt để hỗ trợ các tổ chức KH&CN chuyển sang cơ chế tự chủ và phát triển doanh nghiệp KH&CN.

Nhiều đơn vị còn gặp khó khăn khi chuyển đổi cơ chế, ngoài những nguyên nhân như cơ chế chưa đồng bộ, các đơn vị chưa tìm hiểu kỹ… một phần cũng do công tác tuyên truyền chưa sâu rộng. Bộ KH&CN đã và sẽ có kế hoạch cho công tác tuyên truyền về NĐ 115 thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Trong quá trình rà soát, phát hiện các vướng mắc khi thực hiện NĐ 115, NĐ 80 chúng tôi thấy những vướng mắc hiện nay một phần liên quan đến viện, trường nhưng một phần lớn lại nằm ở các cơ quan liên quan trực tiếp đến hoạt động của các viện, trường như cơ quan thuế, sở kế hoạch đầu tư, sở nội vụ, ủy ban nhân dân… Nhiều cơ quan thuế thắc mắc tại sao các tổ chức KH&CN lại được miễn thuế, một số Sở Nội vụ cắt biên chế cho các đơn vị đã được phê duyệt Đề án tự chủ, Sở Tài chính cắt kinh phí chi thường xuyên và đầu tư phát triển do quan niệm đã tự chủ sẽ không được Nhà nước bao cấp nữa…

Từ trước đến nay, Bộ KH&CN cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo về NĐ 115. Thành phần tham dự chủ yếu là các viện, trường là đối tượng của NĐ 115 và NĐ 80. Tuy nhiên, thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, giới thiệu về chính sách, cơ chế, nội dung của các NĐ, thông tư; tập huấn cho đội ngũ lãnh đạo của các viện, trường, nhà khoa học, Bộ KH&CN sẽ mở rộng đối tượng tham gia các hội thảo, hội nghị tập huấn về NĐ 115, NĐ 80 và NĐ 96. Công tác tuyên truyền sắp tới sẽ tập trung vào khối quản lý của các sở, ngành, địa phương cũng như các đơn vị của bộ, ngành trung ương - những cơ quan hỗ trợ trực tiếp cho việc triển khai các NĐ nói trên để họ hiểu rõ hơn về cơ chế này, từ đó sửa đổi quy trình, thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức KH&CN nhanh chóng chuyển sang cơ chế mới.

Vâng, xin cảm ơn Bộ trưởng!
 

Nguyễn Hạnh thực hiện

Nguồn tin: Lao động cuối tuần

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner