Khoa học vật liệu (KHVL) ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng trong cuộc sống. Tuy nhiên, so với nhu cầu trong nước cũng như để có khả năng tiếp cận trình độ KHVL của các nước tiên tiến thì vấn đề nhân lực được coi là bài toán then chốt chưa có lời giải.
Không ít thành tựu
Theo TS Nguyễn Quang Liêm, Viện trưởng Viện KHVL (Viện Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam), thời gian qua nước ta đã có những thành tựu nhất định trong phát triển KHVL, đặc biệt là vật liệu mới. Đến nay, chúng ta xác lập được các chương trình nghiên cứu KHCN vật liệu tiên tiến, vật liệu đón đầu, đã đào tạo được đội ngũ cán bộ trình độ cao có thể nắm bắt vấn đề, tổ chức những nghiên cứu cần thiết trong nước... Thông qua hợp tác quốc tế, cán bộ khoa học Việt Nam đã có một số kết quả nghiên cứu KHCN. Đó là những công bố khoa học trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế; tiếp cận được những lĩnh vực KHVL mới như vật liệu nano, vật liệu chức năng có định hướng ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao, trong khoa học sự sống, sinh học và trong chẩn đoán sớm các bệnh hiểm nghèo cũng như điều trị hiệu quả cao trong y tế hoặc các vật liệu có tính năng đặc biệt (chịu nhiệt độ cao, chịu mài mòn…) cho những ứng dụng đặc biệt.
Chỉ tính riêng Chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng vật liệu giai đoạn 2006-2010, các nhà khoa học đã hoàn thành 247 sản phẩm, trong đó có 112 loại vật liệu. Nhiều sản phẩm trong đó đã bắt đầu được thương mại hóa như: vật liệu polyme siêu hấp thụ nước, túi cao su trữ nước, đệm hơi, ống tuột, các loại vật liệu composit, polyme chất lượng cao, vật liệu gốm sứ, lõi neo cáp bê tông ứng lực, gối cầu cao su cốt bản thép, vật liệu fucoidan tinh chế, vật liệu kích thích sinh trưởng, vật liệu ứng dụng trong lĩnh vực chiếu sáng… Một số sản phẩm của chương trình như các cảm biến điện hóa, cảm biến khí, các vật liệu có kích thước nano, vật liệu xúc tác dùng cho việc tăng cường thu hồi dầu… là những sản phẩm tiên tiến, có giá trị gia tăng cao, hữu dụng đối với nhiều doanh nghiệp.
TS Nguyễn Quang Liêm cho biết thêm, những thành công trên mở ra nhiều cơ hội cho ngành KHVL nhưng không phải không có những thách thức. Trong đó, bài toán đầu tiên là cần xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ và những tập thể KHCN mạnh để có thể tiếp thu tinh hoa của nhân loại, đồng thời có được sáng chế đạt trình độ thế giới.
Nhân lực, thách thức hàng đầu
Khoảng 10 năm trở lại đây, Nhà nước đã chú trọng đầu tư nguồn nhân lực, trang thiết bị như: xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm, một số chương trình KHCN trọng điểm... Ngoài ra, Chính phủ cũng có Chiến lược phát triển ngành KHVL đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, trong đó xác định hướng KHCN cần thiết, phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là những điều kiện cần để ngành KHVL phát triển. Tuy nhiên, phải thấy rằng lực lượng cán bộ KHVL hiện còn quá mỏng, lĩnh vực hoạt động phân tán, cuộc sống thường nhật khó khăn... nên hiệu quả hoạt động không cao.
Mặc dù việc đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này được triển khai ở hầu hết các trường trên cả nước như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh… Song trên thực tế, số sinh viên tốt nghiệp có thể làm tốt trong lĩnh vực này rất ít. Vì vậy, nguồn nhân lực vẫn rơi vào tình trạng "cung không đủ cầu". Theo TS Lê Thị Thanh Mai (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), chỉ riêng trong lĩnh vực vật liệu xây dựng thì nhu cầu nhân lực cần được đào tạo và cung cấp cho ngành này từ nay đến năm 2020 đã là 5.369 người, trong đó có 270 kỹ sư, 430 cán bộ trung cấp kỹ thuật và 4.669 công nhân kỹ thuật.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Long, Trung tâm Khoa học Vật liệu (ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) - một trong những đơn vị xây dựng thành công nhóm nghiên cứu mạnh về KHVL cho rằng, để có thể tận dụng được tối đa về nguồn lực con người thì cần có "cơ chế mở" về mặt nhân sự. TS Nguyễn Ngọc Long lấy ví dụ tại đơn vị mình: có rất nhiều cách để tạo ra nguồn cộng tác viên cũng như kết hợp được họ với nhóm. Đó là phải vận động, khuyến khích cán bộ ngoài trung tâm tham gia các đề tài khoa học do đơn vị chủ trì; tổ chức thường xuyên các tọa đàm, hội thảo khoa học với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành và có thể mời chuyên gia nước ngoài đến giảng bài. Bên cạnh đó, trung tâm khuyến khích các thành viên tham gia hợp tác khoa học với các đơn vị khác để nâng cao trình độ bản thân…
Ngành KHVL có liên quan trực tiếp tới sự phát triển công nghiệp sản xuất cả hàng tiêu dùng và sản phẩm công nghệ cao, vì vậy xây dựng và phát triển lực lượng là thách thức hàng đầu. Do đó, về lâu dài Nhà nước cần có chính sách bảo đảm cuộc sống cho chính những người đang làm công tác nghiên cứu KHCN nói chung và KHVL nói riêng. Đây sẽ là chìa khóa để ngành KHVL nước ta sớm tiếp cận được trình độ quốc tế.
Diệu Huyền