Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ hai, 25/11/2024 , 11:43 pm
Cập nhật : 18/08/2014 , 16:08(GMT +7)
Khoa học và công nghệ là động lực phát triển kinh tế - xã hội: Muốn trở thành một nước phát triển theo hướng hiện đại cần có viện V-KIST
Có lẽ chưa bao giờ việc đổi mới khoa học và công nghệ (KH&CN) nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri như hiện nay; đặc biệt là Đề án thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST).

Hầu hết các nhà khoa học cho rằng, nếu mô hình V-KIST thành công cùng với những cơ chế đặc thù sẽ là địa chỉ thu hút những tài năng khoa học không chỉ trong nước mà cả ngoài nước cống hiến cho đất nước, và với mô hình chuyên môn sâu như V-KIST thì viện này phải do Bộ chuyên ngành chủ quản. Để hiểu rõ hơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã có cuộc trao đổi với PV ĐBND về Đề án thành lập Viện KIST ở Việt Nam và cơ chế hoạt động.

- Thưa Bộ trưởng, sau một thời gian nghiên cứu rất kỹ và lấy ý kiến rộng rãi từ nhiều tầng lớp nhân dân. Xin Bộ trưởng chia sẻ một số nội dung quan trọng về Đề án V-KIST?

- Bộ trưởng Nguyễn Quân: Đây là đề xuất của Bộ KH và CN trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2012. Thủ tướng và Tổng thống Hàn Quốc đã thỏa thuận, Hàn Quốc giúp Việt Nam xây dựng một viện KH-CN theo mô hình của V-KIST(*) với sự hỗ trợ không hoàn lại là 35 triệu USD. Vì đây là mô hình rất thành công, do đó chúng tôi sẽ mời Ban lãnh đạo viện KIST Hàn Quốc tư vấn giúp Việt Nam từ xây dựng viện, thiết kế, tổ chức phòng thí nghiệm, cho đến các bộ phận quản lý liên quan… đặc biệt trong thời gian khởi nghiệp.

Một trong những nội dung trọng tâm trình Thủ tướng phê duyệt là giao cho Bộ KH và CN xây dựng trình Quốc hội ban hành một đạo luật dành riêng cho những viện tương tự như viện KIST ở Việt Nam. Ban đầu chúng tôi muốn xây dựng một đạo luật dành riêng cho viện V-KIST nhưng các Ủy ban của Quốc hội cũng như một số bộ, ngành đề nghị xây dựng Nghị quyết có phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng rộng hơn, đó là cho một loại hình cơ sở nghiên cứu khoa học theo mô hình tiên tiến thế giới. Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án sẽ là căn cứ pháp lý để trình Quốc hội thông qua đạo luật này.

Nội dung thứ hai là Chính phủ cũng sẽ phê duyệt mục tiêu định hướng chủ yếu của viện V-KIST để trong tương lai không xa sẽ trở thành một viện nghiên cứu có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam cũng như đạt được trình độ quốc tế, có đóng góp quan trọng cho phát triển KT-XH tương tự như Viện KIST của Hàn Quốc ở những thập kỷ 70 của thế kỷ trước.

Thứ ba, chúng tôi cũng đề xuất Thủ tướng phê duyệt giao cho các bộ, ngành liên quan phối hợp trong quá trình xây dựng và tổ chức hoạt động của V-KIST, trước mắt bố trí vốn đối ứng cho dự án sau đó phối hợp để xây dựng cơ chế chính sách cũng như quản lý đội ngũ cán bộ và hoạt động của V-KIST trong tương lai.

- Thưa Bộ trưởng, tại sao Việt Nam chọn Hàn Quốc và Viện KIST làm mô hình để tham khảo học tập mà không phải là viện nghiên cứu của một quốc gia tiên tiến khác?

- Bộ trưởng Nguyễn Quân: Đây là câu hỏi mà rất nhiều người hỏi khi chúng tôi xây dựng như mô hình của Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước Tây âu, Bắc âu… Tuy nhiên có 3 lý do để chọn mô hình của Hàn Quốc, đó là trình độ phát triển của Hàn Quốc so với Việt Nam có khoảng cách không quá lớn, Hàn Quốc cũng chỉ phát triển trong khoảng hơn 60 năm kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên. Hiện nay họ đã được xếp vào top 10 quốc gia công nghiệp của thế giới nhưng trình độ phát triển của họ còn khá gần với chúng ta.

Thứ hai là hoàn cảnh, văn hóa, tập quán của Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, họ cũng là quốc gia phải trải qua những cuộc chiến tranh rất ác liệt. Như vậy chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của họ thay vì học tập kinh nghiệm của các nước châu âu hoặc Bắc Mỹ - những  nước có hoàn cảnh KT -XH, văn hóa rất khác so với Việt Nam.

Cuối cùng là quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc đang trong giai đoạn tốt đẹp, nhất là sau chuyến thăm của Thủ tướng chính phủ tới Hàn Quốc năm 2012, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thống nhất nâng tầm hợp tác giữa hai nước lên đối tác chiến lược. Và với sự quan tâm của giới doanh nghiệp, giới khoa học Hàn Quốc đối với Việt Nam, chúng tôi tin sự hợp tác này sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với việc hợp tác với các quốc gia khác. Ngoài ra, thêm một điều quan trọng nữa là mô hình của viện KIST rất phù hợp với các viện nghiên cứu của Việt Nam, từ xuất phát điểm cho đến phương thức tổ chức hoạt động, đóng góp phát triển KT - XH…

- Thưa Bộ trưởng, đâu là yếu tố tạo nên thành công của của Viện KIST Hàn Quốc. Nếu như áp dụng tại Việt Nam thì có hội đủ của các yếu tố đó không?

- Bộ trưởng Nguyễn Quân: Có 3 yếu tố dẫn đến thành công của Viện KIST, đó là Tổng thống Hàn Quốc trực tiếp đỡ đầu, có một đạo luật riêng và có một đội ngũ khoa học chủ yếu từ các quốc gia phát triển trở về. Chúng ta cũng nên học tập họ, tuy nhiên hoàn cảnh Việt Nam có những điểm khác biệt rất đặc thù nên việc học tập cũng không thể copy một cách máy móc và nguyên bản. Về vấn đề này Bộ KH và CN cũng đã báo cáo Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc đỡ đầu cho viện V-KIST thông qua chỉ đạo trực tiếp. Nếu như sau này có thành lập một ban chỉ đạo thì Thủ tướng sẽ nhận lời làm Trưởng ban chỉ đạo.

Về việc cần có một đạo luật riêng, Bộ KH và CN cũng đã báo cáo với Thủ tướng và Quốc hội. Đến thời điểm này Quốc hội cũng đã đồng ý về mặt nguyên tắc là có một đạo luật dưới dạng Nghị quyết nhưng với phạm vi mở rộng hơn không chỉ cho viện V-KIST mà áp dụng cho các viện nghiên cứu cần có cơ chế chính sách đặc biệt. Tuy nhiên chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm đó là cần một đạo luật, nếu không áp dụng riêng cho viện V-KIST thì cũng áp dụng cho một số viện nghiên cứu theo mô hình tiên tiến của thế giới và cần những cơ chế chính sách đặc biệt. Chúng tôi hy vọng sẽ được Quốc hội thông qua Nghị quyết trong Kỳ họp thứ Tám vào cuối năm nay.

Yếu tố thứ ba là V-KIST phải có một đội ngũ khoa học có trình độ cao và chủ yếu từ các nước phát triển, chúng tôi đã thông báo cho các cơ quan đại diện của Bộ KH và CN ở nước ngoài tìm kiếm và thiết lập một cơ sở dữ liệu về các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài có những vị trí quan trọng và có những đóng góp cho các nước sở tại, cũng như lập danh mục một số nhà khoa học ở nước ngoài có thiện cảm với Việt Nam sẵn sàng đóng góp cho Việt Nam. Khi viện V-KIST được thành lập chính thức chúng tôi sẽ có thư mời các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, kể cả thế hệ trẻ và thế hệ đã có kinh nghiệm, cũng như mời một số nhà khoa học nước ngoài giúp cho viện V-KIST trong thời gian đầu. Từ đó vai trò của các nhà khoa học trong nước sẽ được tăng cường và dần dần nhiều nhà khoa học giỏi trong nước sẽ tham gia vào hoạt động của viện V-KIST. Hy vọng trong tương lai, tỷ lệ các nhà khoa học ở trong nước và các nhà khoa học ở nước ngoài làm việc ở V-KIST sẽ là 50-50.

- Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, một trong những điều kiện quan trọng bảo đảm cho thành công của V-KIST trong tương lai là Nhà nước cần trao quyền tự chủ cao nhất cho Viện trong hoạt động, quản lý tài chính-tài sản và bộ máy-nhân lực. Bộ trưởng nhận định như thế nào về ý kiến này?

- Bộ trưởng Nguyễn Quân: Đây là câu hỏi rất hay và chúng tôi luôn quan tâm trăn trở, bởi nếu không có cơ chế đặc biệt ưu đãi, giao quyền tự chủ cao nhất cho tổ chức KH-CN thì chắc chắn các tổ chức không thể phát triển tốt và thành công. Chính vì thế cách đây hơn 10 năm Bộ KH và CN đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định 115/2005/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH-CN công lập với những cơ chế rất thông thoáng và ưu đãi. Tuy nhiên sau gần 10 năm thực hiện Nghị định 115 vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống bởi còn rất nhiều rào cản từ hệ thống cơ chế chính sách không đồng bộ, cũng như tâm lý bao cấp vẫn còn nặng trong đội ngũ cán bộ quản lý của các tổ chức KH-CN.

Đối với viện V-KIST, việc giao quyền tự chủ cao nhất cùng những chính sách ưu đãi là cần thiết nhưng không phải là vấn đề quá quan trọng. Bộ KH và CN cho rằng, viện V-KIST chính là địa chỉ để thí điểm những cơ chế chính sách mới, những cơ chế chính sách ưu đãi và khi những cơ chế này phát huy tác dụng dẫn đến thành công của viện V-KIST, chúng tôi sẽ đề xuất với Quốc hội và Chính phủ biến những cơ chế đặc thù, cơ chế ưu đãi đặc biệt trở thành những cơ chế chung mang tính đại trà. Như vậy, không chỉ viện V-KIST được hưởng mà toàn bộ các tổ chức KH-CN của Việt Nam sẽ được hưởng những cơ chế chính sách như thế để có thể phát huy tối đa hiệu quả hoạt động KH-CN cũng như đóng góp những thành tựu cho phát triển KT - XH. Nếu thực sự thành công, cơ chế này sẽ được nhân rộng trở thành chính sách chung của Chính phủ.

- Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng có thể dự báo sự ra đời của V-KIST sẽ có tác động tích cực như thế nào đối với nền KH -CN Việt Nam và sự nghiệp CNH-HĐH đất nước?

- Bộ trưởng Nguyễn Quân: dự báo tương lai của một tổ chức KH-CN chưa được hình thành quả thực rất khó. Tuy nhiên nếu chúng ta nhìn vào Viện KIST Hàn Quốc có thể thấy, năm 1966 Viện bắt đầu thành lập từ con số không nhưng chỉ sau 35 năm (năm 2001) nó đã trở thành một trong 10 viện nghiên cứu hàng đầu thế giới và đến nay, sau hơn 45 năm thành lập Viện KIST vẫn giữ vững là một viện nghiên cứu hàng đầu thế giới. Những sản phẩm của Viện đã đóng góp to lớn cho nền kinh tế Hàn Quốc, giúp Hàn Quốc trở thành con rồng châu Á trong một thời gian rất ngắn, với tốc độ tăng trưởng GDP trong vòng 50 năm tăng lên hơn 300 lần. Đây là một kỷ lục mà không phải quốc gia nào cũng đạt được.

Nếu chúng ta có được một viện nghiên cứu như Viện KIST thì quả thực tác động của nó đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ rất to lớn. Tuy nhiên chúng tôi cũng lường trước được bối cảnh KT-XH của nước ta hiện nay cũng như với những đặc thù của Việt Nam thì một viện nghiên cứu rất khó đạt được tầm như Viện KIST. Nhưng có thể khẳng định nếu mô hình V-KIST thành công với những cơ chế đặc biệt được Chính phủ và Quốc hội cho phép chắc chắn nó sẽ có những đóng góp rất quan trọng không chỉ phát triển KH-CN mà còn phát triển KT-XH của Việt Nam trong thập kỷ tới. Và nếu nước ta muốn trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại sau năm 2020, chúng ta phải có hệ thống tổ chức KH-CN mạnh, trong đó phải có những viện nghiên cứu khoa học tầm cỡ quốc tế, có những sản phẩm khoa học đóng góp cho nền kinh tế mang tính đột phá và trở thành sản phẩm chủ lực của Việt Nam. Viện V-KIST của Việt Nam sẽ phải đóng vai trò này.

- Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!
____________

* KIST (viết tắt của Korea Institute of Science and Technology) được thành lập năm 1966 với nhiệm vụ giải quyết những vấn đề bức xúc về kỹ thuật cho sản xuất, hướng Hàn Quốc tới một xã hội phát triển trên nền tảng của các công nghệ hiện đại.

Nguồn tin: Đại biểu nhân dân

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner