Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Tiềm lực KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 12:15 am
Cập nhật : 06/01/2017 , 14:01(GMT +7)
Khoa học và công nghệ giúp tăng năng suất và chất lượng nông sản Việt
KH&CN góp phần quan trọng phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam
Vượt lên nhiều khó khăn thách thức, trong thời gian qua ngành nông nghiệp đã đạt nhiều kết quả ấn tượng. Trong năm 2016, ngành nông nghiệp tăng trưởng đạt GDP 1,2% đã thể hiện sự cố gắng rất nhiều của ngành nông nghiệp, trong đó có sự đóng góp lớn của khoa học và công nghệ (KH&CN).

Tăng năng suất và chất lượng nông sản Việt

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian qua, KH&CN đã tham gia vào hầu hết các công đoạn sản xuất nông nghiệp góp phần không nhỏ việc tăng năng xuất và chất lượng nông sản Việt Nam.

Năm 2016, ngành nông nghiệp đã góp phần ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân và phát triển đất nước. Cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp với định hướng tái cơ cấu và thích ứng với biến đổi khí hậu; sản xuất được duy trì trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt; xuất khẩu tăng cao, tăng trưởng ngành được phục hồi. GDP toàn ngành đã tăng 1,2% so với năm 2015; giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) tăng 1,44%, trong đó: Trồng trọt giảm 0,9%, chăn nuôi tăng 5,4%; lâm nghiệp tăng 6,17%; thuỷ sản tăng 2,91%,…

Báo cáo tại hội nghị trực tuyến ngành KH&CN vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cũng cho biết, trong thời gian qua,  lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, KH&CN là động lực giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tăng trưởng. Tỷ lệ áp dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp có mức gia tăng 1-2% so với năm 2015. Các tiến bộ KH&CN đã đóng góp khoảng 30%-40% vào tăng trưởng nông nghiệp. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,3 tỷ USD, lần đầu tiên vượt kim ngạch xuất khẩu gạo (đạt 2,1 tỷ USD).

Các kết quả KH&CN đã được ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp từ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Trong đó, quan trọng nhất là khâu chọn tạo giống mới cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng thay thế giống nhập ngoại (từ chỗ nhập khẩu 70% giống cây trồng, vật nuôi, hiện nay chỉ còn nhập dưới 30%). Các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu chọn, tạo được trên 100 giống cây trồng mới. Các kết quả KH&CN được ứng dụng trong nông nghiệp đã giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo đã đạt kết quả vượt trội. Trong 5 năm qua, năng suất lúa liên tục tăng từ 55,4 tạ/ha (năm 2011) lên 57,7 tạ/ha (năm 2015), đưa Việt Nam thành nước có năng suất đứng đầu khu vực. Tới nay, nông dân gieo trồng trên 90% diện tích bằng các giống lúa mới hoặc được cải tiến. Trên 90% diện tích ngô trồng bằng giống ngô lai, trong đó ngô lai của Việt Nam chiếm khoảng trên 35% diện tích cũng như thị phần cung ứng giống với giá giống chỉ bằng khoảng 60% so với giống nước ngoài, giúp tiết kiệm khoảng trên 10 triệu USD mỗi năm cho việc nhập khẩu giống ngô.

Nhiều tiến bộ KH&CN đã được áp dụng có hiệu quả trong sản xuất rau, hoa như nhân giống hoa bằng nuôi cấy mô; trồng trong nhà lưới, nhà kính; sản xuất rau, hoa, quả theo qui trình GAP, công nghệ cao. Chọn tạo giống đột biến bằng ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ đã có bước tiến đáng kể bằng việc tạo ra, đưa vào sản xuất nhiều loại giống cây trồng. Nhiều loại trái cây đặc sản đã được xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý, được xuất khẩu sang các nước trên thế giới, trong đó có những thị trường lớn, có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng như Mỹ, châu Âu.

Bên cạnh đó, cây công nghiệp lâu năm, cây lâm nghiệp, chế biến thủy sản và chăn nuôi cũng được tăng cường ứng dụng KH&CN làm tăng rõ rệt năng suất và chât lượng góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tập trung ứng dụng công nghệ cao

Để phát triển ngành nông nghiệp trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành nông nghiệp và PTNT đẩy mạnh thực hiện nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng đến giá trị xuất khẩu hơn là lượng xuất khẩu thô và chú ý đến vấn đề xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng cường liên kết sản xuất trong nông nghiệp, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, tiếp tục đầu tư hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Đi liền với đó là tổ chức sản xuất phù hợp hơn với đa loại hình doanh nghiệp theo mô hình liên kết, tham gia vào các chuỗi giá trị trong nông nghiệp. Phát triển mạnh nông nghiệp chế biến tinh, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Cùng với đó là tiếp tục khai thác hội nhập quốc tế mạnh mẽ hơn.

Bày bỏ mong muốn trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, ngành KH&CN nên tập trung vào những mũi nhọn, khu vực có dư địa phát triển với tác dụng lan tỏa nhanh, kết quả tức thì như nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ… Nhất là, hướng vào các ngành hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ KH&CN quan tâm phối hợp thực hiện là công tác sở hữu trí tuệ, đây là lĩnh vực mà ngành nông nghiệp có tiềm năng rất lớn.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cũng khẳng định, năm 2017 là năm bản lề để triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2021 trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức.

Để góp phần phát triển ngành nông nghiệp cần tăng cường ứng dụng tiến bộ KH&CN vào việc nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong nước theo chuỗi giá trị. Đưa KH&CN vào phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các mặt hàng chủ lực xuất khẩu; nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung hoàn thiện công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu nông sản, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đẩy nhanh phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng KH&CN, có tỉ trọng giá trị gia tăng cao; có lợi thế cạnh tranh để tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Bài, ảnh: Hoàng Anh


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner