Cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011 được trình tại Đại hội Đảng XI khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư phát triển KHCN
Để đạt được mục tiêu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vấn đề phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) trong các lĩnh vực của nền kinh tế đất nước có ý nghĩa rất quan trọng. Những công nghệ sản xuất mới và hiện đại sẽ tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao với giá trị gia tăng lớn hơn, thúc đẩy ngày càng nhanh quá trình CNH-HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tiến sĩ Mai Hà, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KHCN (Bộ KHCN) cho rằng, thực tế trên thế giới chưa tồn tại một nước tiên tiến có trình độ phát triển cao và bền vững mà lại không có một nền KHCN phát triển ở mức cao và có chiều sâu. Bởi vì KHCN là lực lượng sản xuất trực tiếp. Ông Mai Hà cho biết: “Đảng - Nhà nước ta rất coi trọng phát triển KHCN. Tôi tin rằng, thời gian tới và nhất là trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sẽ có những cơ chế chính sách phù hợp hơn để phát triển KHCN - một công cụ sắc bén nhất để giúp Việt Nam có thể rút ngắn khoảng cách, phát triển nhanh nhưng bền vững”.
Được xác định là “quốc sách hàng đầu”, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, đầu tư và tăng cường tiềm lực cho KHCN đạt mức 2% tổng chi ngân sách hàng năm, tương đương với gần 0,5% GDP. Cùng với đó, hệ thống thể chế pháp lý và các cơ chế, chính sách đã hoàn thiện hơn như: Luật Bảo vệ Môi trường (1993), Luật Khoa học và Công nghệ (2000), Luật Sở hữu trí tuệ (2005), Luật Chuyển giao công nghệ (2006), Luật Công nghệ cao (2008)…
Hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách này đã có tác động tích cực đến những thành tựu của KHCN và ngày càng đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước. Chỉ riêng ngành nông nghiệp, các tiến bộ KHCN đã đưa giá trị gia tăng lên 30%, góp phần đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực triền miên trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Ngành cơ khí cũng khẳng định mình với việc tự nghiên cứu, thiết kế và chế tạo được nhiều thiết bị cơ khí siêu trường, siêu trọng và có giá trị rất lớn, như việc chế tạo thành công cổng trục 700 tấn phục vụ Nhà máy đóng tàu Dung Quất, cẩu 1.200 tấn và hệ thống xy lanh thủy lực xây dựng thuỷ điện Sơn La thay thế hàng ngoại và rút ngắn thời gian thi công... Các sản phẩm cơ khí này đã giúp nước ta giảm hàng trăm triệu USD để nhập khẩu thiết bị.
Theo Tiến sĩ Trần Công Toại, Viện trưởng Viện Công nghệ và Quản trị TP HCM, chủ trương “KHCN là quốc sách hàng đầu” đã được cụ thể hóa trong mọi đường lối, mọi hành động của các cấp, ngành và địa phương, để hoạt động KHCN ngày càng đạt được hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và cuộc sống hàng ngày của nhân dân. Tiến sĩ Trần Công Toại nêu: “Hiện nay, hệ thống pháp luật và các văn bản quản lý Nhà nước về KHCN được hoàn thiện, tạo điều kiện cho các hoạt động KHCN ngày càng thuận lợi. Tiêu chí đánh giá hoạt động KHCN ngày càng rõ ràng, tiến dần tới các chuẩn mực quốc tế. Nhiều giải thưởng khoa học danh giá cũng là động lực để mọi người phấn đấu nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, nhiều trường đào tạo về KHCN cũng được thành lập, tạo ra nguồn lực cho KHCN”.
“KHCN giữ vai trò then chốt trong việc nâng cao trình độ lãnh đạo - quản lý đất nước, phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Dự thảo Cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011 được trình tại Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư phát triển KHCN “nhằm mục tiêu đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, phát triển kinh tế tri thức, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới”./.