Hướng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học UNESCO và Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) đồng tổ chức Chương trình Ngày Khoa học và Công nghệ với chủ đề “Đổi mới sáng tạo để kiến tạo tương lai”vào ngày 12/6 với sự tham gia của các nhà khoa học uy tín.
Chương trình được tổ chức tại hội trường Hoàng Tụy, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Để thực hiện nghiêm túc quy định về phòng chống dịch sự kiện không tập trung nhiều khán giả tại Hội trường song vẫn tạo được hiệu ứng rộng rãi bằng hình thức phát trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội qua các kênh: Fanpage của Viện Toán học, Fanpage của Quỹ VINIF, Fanpage của Bản tin Khoa học Công nghệ (Trung tâm Thông tin - Tư liệu)...
Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân cùng với GS. Ngô Bảo Châu (Đại học Chicago và Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán), GS. Vũ Hà Văn (Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn), PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương (Viện Toán học và Quỹ VINIF) và nhà khoa học có uy tín trong và ngoài Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam... cũng nhiều nhà khoa học, tri thức khác tham dự chương trình.
Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân chia sẻ về tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học cơ bản và khẳng định vị thế của đội ngũ nghiên cứu Việt Nam trên bản đồ khoa học của thế giới
Chương trình bao gồm chuỗi 6 bài giảng đại chúng với nội dung ứng dụng KH&CN vào các ngành nghề khác nhau như nông nghiệp, y học, khảo cổ...
PGS. TS. Trần Trọng Dương với bài giảng “Từ khảo cổ đến công nghệ thực tế ảo: Trường hợp Chùa Một Cột thời Lý năm 1105”
PGS.TS. Nguyễn Thế Toàn và bài giảng “Một số bài toán hình học và giản đồ cây trong virus”
TS. BS. Phạm Quang Thái và bài giảng “Công nghệ sản xuất vắc xin COVID-19 - Bối cảnh Việt Nam – Thế giới trong sản xuất vắc xin và những điều cần lưu ý khi tiêm vắc xin COVID–19 tại Việt Nam”
TS. Võ Sỹ Nam với bài giảng “Giải mã gen Việt trong kỷ nguyên Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo”
PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh và bài giảng “Linked Data cho dữ liệu mở trong nông nghiệp nông thôn”
PGS.TS. Hồ Đăng Phúc với bài giảng “Thống kê - Chiếc cầu kết nối Toán học với các Khoa học thực nghiệm”
Chia sẻ tại sự kiện, PGS. TSKH. Phan Thị Hà Dương cho biết, KH&CN ứng dụng vào đời sống đã hiện hữu ở trong các ngành khác nhau. Trước đây nếu như ta nghĩ rằng chỉ có Toán và Lý nhưng bây giờ nó đã ứng dụng vào sinh học, y học, khoa học xã hội và nhân văn, KH&CN ứng dụng trong nông nghiệp mang lại rất nhiều lợi ích trong cuộc sống. Tại sự kiện ta sẽ thấy được 6 bức tranh khác nhau với 6 mảng màu khác nhau để làm nên một cuộc sống phong phú.
GS. Ngô Bảo Châu, Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán cho biết, những năm gần đây chúng ta chứng kiến sự thay đổi của đất nước, thực sự kỷ nguyên công nghiệp hóa của Việt Nam trong đó KH&CN có vai trò quan trọng, một động lực của sự phát triển đó. Vì thế có ngày hội Ngày KH&CN Việt Nam là rất đúng và hợp lý để vinh danh nhứng nhà khoa học, những công trình khoa học có giá trị. Đồng thời cổ vũ cho các bạn trẻ, các nhà khoa học trẻ tham gia kiến tạo đất nước và kiến tạo khoa học.
PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương chia sẻ thêm, sứ mạng của Trung tâm UNESCO là quảng bá và lan truyền niềm say mê khoa học đến với tất cả mọi tầng lớp xã hội. Quỹ đổi mới sáng tạo VINIF muốn hỗ trợ cho tất cả những hoạt động KH&CN đó. Có rất nhiều hoạt động để chúng tôi làm lan tỏa ý nghĩa của KH&CN trong đời sống. Ví dụ như vừa qua chúng tôi đã tổ chức: Ngày Toán học tại Hà Nội sắp tới sẽ tổ chức ở Đà Lạt và nhiều nơi khác. Chúng tôi sẽ tham gia vào triển lãm 60 năm chất độc màu da cam do Binh chủng hóa học, Bộ Quốc phòng cùng với Hội nạn nhân chất độc màu da cam tổ chức ở Bảo tàng Quân đội, cùng với đó sẽ có những hoạt động như thành phố bền vững của Đại sứ quán Pháp và Hội thảo về khoa học trong nông nghiệp, nông nghiệp số.
Với nhiều nội dung phong phú và đa dạng, sự kiện đã mang tới cho những người yêu KH&CN không chỉ những kiến thức mới mẻ, lý thú mà còn rất nhiều câu chuyện vô cùng hấp dẫn và gần gũi với đời sống.
PV