Chương trình Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phục vụ xây dựng nông thôn mới chính là sự tập hợp lực lượng KH&CN cả nước để giải quyết các vấn đề theo định hướng của Nghị quyết 26-NQ/TW khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn: phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản, trong đó nông dân là chủ thể của quá trình phát triển.
GS. Nguyễn Tuấn Anh - Chủ nhiệm Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới đã chia sẻ về vấn đề này.
PV: Xin Giáo sư cho biết, trong giai đoạn 2011-2016, Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới đã thu nhận được những kết quả gì?
- GS. Nguyễn Tuấn Anh: Chương trình đã triển khai được 69 nhiệm vụ (trong đó 47 đề tài và 22 dự án), đã bám sát Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chuyển giao được 147 công nghệ và quy trình kỹ thuật; xây dựng được 185 mô hình chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất, 26 sổ tay hướng dẫn nông dân làm khoa học, 5000 hộ nông dân trên 100 xã được hưởng lợi, đào tạo được 11.000 lượt người tiếp nhận kiến thức khoa học và sản xuất theo chuỗi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới.
Đặc biệt, Chương trình cũng xuất bản một ấn phẩm đặc biệt mang tên “Khoa học với sự nghiệp nông thôn mới”. Ấn phẩm được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá là kết quả về cơ sở lý luận và ứng dụng thực tiễn trong lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học công nghệ.
Tại Hội nghị tổng Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2017 ngày 6/8/2018 tại Vĩnh Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận Chương trình “ đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ phục vụ trực tiếp cho việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào hoạt động sản xuất ở nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới. Đây là giai đoạn bản lề quan trong trong phong trào xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn quốc, đồng thời hướng đến 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”…. “Chương trình đã góp phần thiết kế được hệ thống khung khổ, thể chế, chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; thu được kết quả về cơ sở lý luận và ứng dụng thực tiễn trong lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học công nghệ; các giải pháp có tính liên ngành và các mô hình liên kết trình diễn cụ thể trong sản xuất; thu hút đông đảo lực lượng khoa học, công nghệ cả nước, có nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã tham gia.
PV: Giáo sư có thể nêu một số mô hình về liên kết chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất nông, lâm, thủy sản, có tính lan tỏa rộng, hiệu quả cao.
- Những mô hình về liên kết chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất nông, lâm, thủy sản, có tính lan tỏa rộng như mô hình liên kết tổ chức sản xuất tái canh cây cà phê ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon tum với diện tích là 100 ha nay đã phát triển thành 2500 ha; mô hình tổ chức sản xuất ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho cây cam sành và bưởi da xanh ở Tiền Giang, Bến Tre từ 20 ha đã phát triển ra 100 ha; mô hình ốc hương kết hợp tôm sú, hải sâm ở Phú Yên từ 20ha đã phát triển nên 120 ha; mô hình về chuyển đổi sản xuất từ lúa sang rau củ quả ở Gia Khánh, Ninh Bình từ 10 ha phát triển nên 150 ha; mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao do Tổng công ty Giống cây trồng TW triển khai 300 ha tại Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa nay phát triển nên 4500 ha …
Các mô hình trên đều có giá trị kinh tế thu từ 100- 450 triệu/ha (so với trồng lúa đạt 40-50 triệu/ha), hầu hết các mô hình trên đã tăng thu nhập cho người dân từ 20-30%.
PV: Có ý kiến cho rằng, Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới đặt ra với mục tiêu đưa những thành tựu KH&CN ứng dụng vào thực tế sản xuất để xây dựng nông thôn mới, vậy đâu là thước đo để đánh giá mức độ đạt chuẩn nông thôn mới với sự tác động từ KH&CN nói riêng tại các địa phương?
- Thước đo để đánh giá mức độ đạt chuẩn nông thôn mới với sự tác động từ KH&CN tại các địa phương là những kết quả khoa học góp phần thực hiện nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Chương trình đã được người dân thừa nhận và được lan tỏa, phát triển trên diện rộng, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân bằng cách nâng cao giá trị, năng suất, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp mà để có được điều đó thì rất cần thiết ứng dụng KH&CN.
Đáp ứng tiêu chí về cơ sở hạ tầng nông thôn như thủy lợi thì có sự vào cuộc của Bộ KH&CN trong việc hướng dẫn nông dân tưới tiêu, sử dụng hệ thống thủy lợi...
Về tiêu chí xử lý môi trường nông thôn như xử lý rác thải, xử lý rác thải từ làng nghề thì cũng phải có sự hướng dẫn về công nghệ, ứng dụng thành tựu KH&CN, tổ chức quản lý để thực hiện tại địa phương...
PV: Trước thực trạng hiện nay, nhiều độc giả băn khoăn muốn biết liệu rằng việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua tại địa phương diễn ra còn chậm so với mục tiêu. Ý kiến của Giáo sư về vấn đề này ra sao?
- Mục tiêu đặt ra của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 20%, giai đoạn 2016 -2020 là 50%. Kết quả giai đoạn 1 đạt trên 17,15 % (chậm so với chỉ tiêu kế hoạch). Nhưng giai đoạn 2 tại thời điểm này đã đạt 41%, phấn đấu đến 2019 sẽ đạt là 49- 50%. Nếu đạt được chỉ tiêu này, sẽ vượt kế hoạch 1 năm.
Tuy nhiên mức độ các xã đạt chuẩn nông thôn mới không đồng đều, từng vùng, từng miền, từng tỉnh khác nhau. Giữa các địa phương như ở Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Đồng Nai, Bình Dương… đến nay đã đạt 80-95%. Ngược lại một số tỉnh khó khăn ở miền núi, vùng sâu vùng xa khó có thể đạt được như kế hoạch.
Trong những vấn đề lớn của xây dựng nông thôn mới đặt ra cho KH&CN có những vấn đề đã và đang được nhiều đề tài, dự án tiến hành nghiên cứu trong các chương trình KH&CN khác nhau (Trong ảnh: Mô hình sản xuất khoai tây giống sạch bệnh bằng công nghệ khí canh tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam)
PV: Xin Giáo sư cho biết thông tin khái quát về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới?
- Những vấn đề của xây dựng nông thôn mới rất rộng lớn, đa lĩnh vực có quan hệ chặt chẽ với nhau, là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội và công nghệ, từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng, từ làm rõ các cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện thể chế, chính sách, đến tạo ra và chuyển giao các giải pháp khoa học và công nghệ, xây dựng mô hình trình diễn trong nhiều lĩnh vực, cho nhiều đối tượng khác nhau của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Ngày 16/8/2016, Chính Phủ có Quyết định số 1600/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu của Chương trình là đến năm 2020 số xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 50% tổng số xã xây dựng nông thôn mới, cả nước đạt 15 tiêu chí/xã. Đồng thời, Chương trình hướng tới là giảm hộ nghèo: 6%, thu nhập tăng 1,8 lần so với năm 2015.
Sau gần 1 năm Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thì đến ngày 12/1/2017, Chính phủ phê duyệt Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới. Mục đích của chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới là nhằm phục vụ cho chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Mục tiêu của chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới là:
Thứ nhất, nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ sở lý luận của mô hình nông thôn mới để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
Thứ hai, nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, giải pháp khoa học và công nghệ xây dựng nông thôn mới để áp dụng cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
Thứ ba, xây dựng một số mô hình nông thôn mới trên cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, từ đó đánh giá hiệu quả để tổ chức nhân rộng trên phạm vi cả nước trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Thứ tư, nâng cao nhận thức và trình độ ứng dụng khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, người dân và các tổ chức kinh tế trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
PV: Trong giai đoạn 2016-2020, Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới sẽ tập trung thực hiện những nội dung gì?
- Trong giai đoạn 2016-2020, Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới sẽ tập trung thực hiện những nội dung: tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm tại Quyết định 45/QĐ-TTg ngày 12/1/2017 và Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị Tổng kết của chương trình KHCN phục vụ chương trình nông thôn mới và những nhiệm vụ cấp bách theo yêu cầu đặt hàng của Chính phủ và các địa phương,
Cụ thể là phát huy kết quả đạt được trong giai đoạn 1, tập trung vào các nhiệm vụ gắn với những vấn đề cấp thiết, xuất phát từ thực tiễn, phát huy vai trò chủ thể của người nông dân và cộng đồng. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách thực hiện Chương trình, nhất là cơ chế chính sách hỗ trợ các vùng khó khăn (thôn, bản) nâng cao vai trò của người dân để phấn đấu vươn lên, cải thiện môi trường nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, an ninh trật tự nông thôn, phát huy nguồn lực; đánh giá bước đầu những kết quả đạt được giai đoạn 2016-2020, để đề xuất mô hình xây dựng nông thôn mới sau năm 2020.
Chương trình trong giai đoạn tới cần ưu tiên tập trung chỉ đạo triển khai các mô hình, dự án chuyển đổi sản xuất gắn với thực tiễn, chuyển giao ứng dụng, phát huy lợi thế của từng vùng, miền để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa… Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các dự án, mô hình phục vụ triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Khẩn trương hoàn thiện, bổ sung các văn bản pháp quy để kịp thời triển khai thực hiện Chương trình. Cần hoàn thiện quy trình để đẩy nhanh tiến độ tuyển chọn, giao trực tiếp các nhiệm vụ phù hợp với đặc thù của Chương trình, nhất là đối với các nhiệm vụ đột xuất, theo đặt hàng của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, các Bộ, ngành và địa phương. Cần xác định rõ tiêu chí lựa chọn đề tài, dự án để đảm bảo sự chặt chẽ trong quá trình tuyển chọn, tránh dàn trải, tập trung được các nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Đối với những đề xuất có quy mô nhỏ của các địa phương nên lồng ghép thành những nhiệm vụ lớn, giải quyết những vấn đề có tính liên ngành, liên vùng.
Bài, ảnh: Bảo Chi