Lần đầu tiên các đề tài thuộc chương trình KC.09 có thể tự chủ nghiên cứu biển sâu, khảo sát khoáng sản trên biển mà không cần sự hỗ trợ của nước ngoài. Đây là một trong những thành công nổi bật nhất của chương trình giai đoạn 2016-2020, tạo tiền đề cho các nghiên cứu về tìm kiếm khoáng sản ở Biển Đông trong thời gian tới.
Nhiều sản phẩm có giá trị ứng dụng cao, được thương mại hóa
Chương trình KC.09 được triển khai từ năm 2016 với mục tiêu hoàn thiện các luận cứ khoa học về điều kiện tự nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật về biển, chính xác hóa ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam; nghiên cứu khai thác hợp lý các nguồn lợi, tài nguyên vùng biển và hải đảo; xây dựng các mô hình quy hoạch không gian đới bờ và vùng biển- đảo xa bờ phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển và bảo vệ môi trường; nghiên cứu các trường địa động lực nội sinh và ngoại sinh, các dạng tai biến thiên nhiên trong mối quan hệ với bối cảnh biến đổi khí hậu cực đoan ở vùng biển Việt Nam.
GS.TSKH Phạm Hoàng Hải cho biết, sau 5 năm thực hiện, Chương trình đã có 36/41 đề tài được nghiệm thu, trong đó có 7 đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá xếp loại xuất sắc. Nhìn chung, 41 đề tài của Chương trình bước đầu khẳng định sự hiện diện của lực lượng khoa học công nghệ trên Biển Đông”. Nhiều giải pháp, mô hình vào ứng dụng trong thực tiễn đem lại hiệu quả cao trong hoạt động khai thác sử dụng, phục hồi nguồn lợi, tài nguyên vùng biển và hải đảo; Phát triển các mô hình quy hoạch, quản lý, sử dụng không gian đới bờ, vùng biển và hải đảo xa bờ; Ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong dự báo, cảnh báo tai biến tự nhiên phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển và bảo vệ môi trường và nhiều nội dung quan trọng khác.
Bên cạnh đó, Chương trình còn góp phần hoàn thiện các luận cứ khoa học về điều kiện tự nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật về biển, chính xác hóa ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam theo công ước luật biển của Liên Hiệp Quốc 1982 góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền vùng biển và hải đảo của Việt Nam.
Có thể kể đến một số đề tài tiêu biểu như nhiệm vụ "Dự báo sự hình thành, phát triển, di chuyển của xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng đến sóng và thời tiết các khu vực biển Việt Nam hạn 3 ngày" do GS. TS Trần Tân Tiến, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, chủ nhiệm đề tài là một trong số nhiệm vụ điển hình. GS. TS Trần Tân Tiến cho biết, từ nghiên cứu này, các nhà khoa học đã xây dựng được các mô hình dự báo. Mô hình động lực 4 công nghệ dự báo số lượng và vùng hoạt động của bão, thời tiết và sóng biển trên Biển Đông và khu vực ven biển, làm cơ sở để cảnh báo sớm sóng, khí tượng thủy văn, sử dụng làm dự báo và phát báo độc lập, tai biến tự nhiên.
Mô hình này chi tiết hơn những dự báo hiện có, từ quỹ đạo, cường độ và dự báo thời tiết... Nhóm cũng xây dựng phương trình dự báo nhiệt độ tối cao, độ ẩm tương đối, lượng mưa ở 15 trạm khí tượng ven biển. "Mô hình hoạt động ổn định trên cơ sở điều hành dự báo đúng việc hình thành và hướng phát triển của xoáy thuận nhiệt đới để đưa ra cảnh báo đúng, sớm nhằm giảm nhẹ thiên tai", GS. TS Trần Tân Tiến cho biết.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị tổng kết
Ứng dụng mô hình vào thực tế, nhóm nghiên cứu đã cài đặt và thử nghiệm tại bốn trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn cho mùa bão năm 2020, thực hiện dự báo cho 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Kết quả cho thấy các cơn áp thấp được dự báo hầu hết đều sớm hơn thực tế. Theo GS. TS Trần Tân Tiến, việc giảm bớt sai số trong dự báo cũng giúp đưa công nghệ dự báo tiệm cận với công nghệ trong khu vực, phục vụ thực tế dự báo thời tiết, sóng.
Ở nhiệm vụ nghiên cứu phát triển, ứng dụng các công nghệ tiên tiến để tạo chuỗi sản phẩm có giá trị cao từ nguồn lợi hải sản do TS Trần Quốc Toàn, Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, làm chủ nhiệm đã đưa ra công nghệ tận dụng được nguyên liệu từ vỏ và ruột hàu thành các sản phẩm ứng dụng trong điều trị kháng viêm, chữa vảy nến hay bột nano canxi, phụ gia dược phẩm.
TS Trần Quốc Toàn cho biết, nhiệm vụ đã thành công khi xây dựng được quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị tích hợp trên cơ sở các kỹ thuật hiện đại (công nghệ enzyme, kỹ thuật siêu âm công suất cao ...) chế biến toàn diện để tạo chuỗi các sản phẩm, hạn chế tối đa chất thải từ đó giúp nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và thân thiện với môi trường. Đề tài tạo ra được chủng loại các sản phẩm phong phú, có giá trị thực tiễn cao với tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của EU, Mỹ, Nhật Bản ...
Ở nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, ổn định dân cư, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội bền vững trên các đảo Việt Nam do PGS.TS Trần Vi Dân, Học viện Chính trị Công an nhân dân, Bộ Công an, làm chủ nhiệm đã góp phần bổ sung, phát triển lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội tại một địa bàn cụ thể, đặc thù là các huyện đảo ven bờ Việt Nam; tổng kết thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn các huyện đảo ven bờ Việt Nam gắn với vai trò nòng cốt, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân, trực tiếp là lực lượng Công an cơ sở tại các huyện đảo ven bờ.
Từ thực trạng và những dự báo có cơ sở khoa học, nhất là về một số tình huống tác động đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn các huyện đảo ven bờ, nhiệm vụ đã đề xuất 05 nhóm giải pháp trọng tâm, đột phá có tính hệ thống, toàn diện, khả thi cao nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn các huyện đảo ven bờ Việt Nam trong thời gian tới.
Phát triển KH&CN biển là giải pháp đột phá.
Phó chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Trần Tuấn Anh khẳng định, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với quan điểm lấy khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực cao là nhân tố đột phá cho phát triển kinh tế biển, xem phát triển KH&CN biển là giải pháp đột phá.
“Chương trình KC.09 trong nhiều năm là chương trình vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế biển, phát triển đội ngũ các nhà khoa học, các hướng nghiên cứu và đề xuất các giải pháp phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển với vai trò liên ngành và đa ngành, hướng nghiên cứu biển luôn đóng vai trò quan trọng”.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đánh giá KC.09 đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị ứng dụng cao, được thương mại hóa, mô hình công nghệ được ứng dụng thực tế. Kết quả từ các đề tài góp phần giải quyết nhiều vấn đề nhiệm vụ cấp bách, trong đó nổi bật khai thác sử dụng tài nguyên biển, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, bảo đảm quốc phòng an ninh. "Những kết quả ứng dụng mang tính dự báo rất quan trọng, việc đưa ra kiến nghị đề xuất về chính sách là tiếng nói giúp trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành".
Đánh giá cao kết quả của Chương trình nhưng Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cũng lưu ý đến tính kết nối với khối doanh nghiệp, vì thời gian qua “sự phối hợp giữa các đề tài và doanh nghiệp vẫn còn có phần hạn chế”. Dù các nghiên cứu đã bắt đầu đi vào đời sống, nhưng “giai đoạn tới, ban quản lý đề tài sẽ cần tập trung vào việc kết nối với doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường, phương án sản xuất kinh doanh, khi đó Chương trình sẽ thực sự đi vào thực tiễn đời sống chứ không chỉ dừng lại là những nghiên cứu, thử nghiệm”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu về biển, Thứ trưởng cho biết phía Bộ cam kết quan tâm và đầu tư, tiến hành tái cơ cấu khung chương trình, xây dựng chiến lược tầm nhìn trên cơ sở xem xét tổng thể các lĩnh vực, ngành, địa phương.
Bài, ảnh: PV