Mặc dù đạt được những thành tựu nhất đinh trong hoạt động nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Biển nhưng để khai thác bền vững và đảm bảo KH&CN là nền tảng phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng vững mạnh trên biển đảo, các nhà khoa học cho rằng, thời gian tới, KHCN biển cần có nghiên cứu chiều sâu- cộng hưởng đa ngành.
Ghi nhận nhiều thành tựu mới
Theo đánh giá của GS.TS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Khoa học công nghệ Việt Nam tại Hội nghị Khoa học và Công nghệ biển lần thứ V được tổ chức từ 20- 21/10/2011, hơn 10 năm qua, kể từ Hội nghị KHCN toàn quốc lần thứ IV năm 1998, kết quả các công trình nghiên cứu khoa học về biển đã ghi nhận nhiều thành tựu mới, đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp phát triển kinh tế cũng như quản lý tài nguyên môi trường biển như: Mở rộng, bổ sung, điều tra khái quát tài nguyên, môi trường biển Việt Nam, hoàn thiện điều tra khái quát vùng biển ven bờ và bước đầu mở rộng ra vùng biển xa bờ.
Báo cáo đánh giá kết quả nghiên cứu về KH&CN biển cho thấy, so với thời gian trước, giai đoạn 1995 – 2010 đã có nhiều chuyển biến, đổi mới về tư duy, phạm vi nghiên cứu và đạt được nhiều kết quả khả quan.
Cụ thể là, trong lĩnh vực khí tượng, thủy văn và động lực học biển, chúng ta đã xây dựng được quy trình công nghệ dự báo hạn ngắn đảm bảo an toàn cho các hoạt động kinh tế, quốc phòng trên biển, ứng dụng và hoàn thiện quy trình công nghệ dự báo ngư trường phục vụ khai thác hải sản xa bờ, dự báo các quá trình thủy thạch động lực ở vùng biển ven bờ Việt Nam, đánh giá biến động của mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu toàn cầu…
Trong lĩnh vực địa chất và địa vật lý biển cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các công trình nghiên cứu về các bồn trầm tích Đệ Tam đã khái quát hóa một cách khoa học, logic về lịch sử địa chất để từ đó phục vụ đắc lực cho tìm kiếm thăm dò dầu khí.
Đặc biệt, đề tài “Nghiên cứu cấu trúc địa chất và đánh giá tiềm năng dầu khí các khu vực Trường Sa và Tư Chính – Vũng Mây” năm 2008 – 2010 lần đầu tiên đã xác định được những đặc điểm cơ bản về cấu trúc, kiến tạo, địa chất dầu khí bồn trầm tích của các khu vực này.
Các hoạt động điều tra về đa dạng sinh học biển cũng được chú trọng, mở rộng nghiên cứu sinh vật biển ra vùng xa bờ, vùng nước sâu. Ngoài việc đánh giá tiềm năng nguồn lợi truyền thống, còn có các hoạt động nghiên cứu, phát hiện, triển khai công nghệ khai thác tiềm năng các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng, dược liệu, nguyên liệu công nghiệp từ sinh vật biển.
Riêng lĩnh vực nghiên cứu năng lượng, kỹ thuật công trình và công nghệ biển có ý nghĩ rất quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.
Nhiều công trình nghiên cứu các trạm phát điện tổng hợp gồm điện mặt trời và điện gió đã được nghiên cứu và áp dụng tại cù lao Chàm, tính toán khai thác năng lượng gió cho một số vùng biển, hải đảo Quan Lạn, Cô Tô.
Cùng với sự phát triển mạnh của công nghệ biển trên thế giới, Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu về lĩnh vực này như công nghệ dự báo biển, công nghệ khai thác tài nguyên biển cùng với công nghệ tách chiết các hợp chất thiên nhiên trên biển phục vụ kinh tế và xã hội.
Toàn cảnh hội nghị KH&CN Biển lần thứ V
Đã có số liệu đánh giá tương đối hoàn chỉnh tiềm năng nguồn lợi hải sản, khoáng sản, dầu khí trên toàn vùng biển Việt Nam, bao gồm cả vùng biển gần bờ và xa bờ. Đã xuất bản được bộ chuyên khảo “Biển Đông” gồm 4 tập và bộ “Atlas biển Việt Nam và kế cận” gồm 60 tờ bản đồ tỷ lệ 1:1.000.000 – 2.000.000, tuyển 8 tập các kết quả chủ yếu của Chương trình Khoa học công nghệ biển, được coi như kết quả hoạt động điều tra khảo sát khái quát vùng biển đầu tiên của nước ta từ trước đến nay. Đã đánh giá đầy đủ hơn đa dạng sinh học biển Việt Nam và tiềm năng tài nguyên thiên nhiên biển Việt Nam; đánh giá tình trạng môi trường, bước đầu thực hiện dự báo tài nguyên môi trường biển; Mở rộng và nâng cao nghiên cứu phục vụ xây dựng công trình và quản lý biển; Phát triển được lực lượng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, xây dựng cơ sở hạ tầng, quan hệ quốc tế được mở rộng.
Cần có nghiên cứu chiều sâu- cộng hưởng đa ngành
GS.TSKH Dương Ngọc Hải, phó Viện trưởng Viện KH-CN Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Hội nghị KH&CN Biển lần V cũng thẳng thắn, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam cũng còn thiếu một chiến lược tổng quát về khoáng sản năng lượng biển, chưa xây dựng được một bản đồ về tiềm năng khoáng sản năng lượng cho toàn vùng biển một cách chính xác. Chiến lược tìm kiếm dầu khí chưa thật sự rõ ràng, còn phụ thuộc nhiều vào các công ty nước ngoài. Nghiên cứu sinh vật, sinh thái vùng biển sâu và đảo xa bờ còn chậm và lúng túng, thậm chí bất lực trước yêu cầu ngăn chặn sự suy thoái nguồn lợi, các hệ sinh thái.
Không những vậy, việc ô nhiễm dầu do các hoạt động đánh bắt thủy hải sản trên biển bằng các máy móc, thiết bị cũ kỹ, lạc hậu cũng rất đáng cảnh báo. Theo thống kê trong 20 năm từ 1989- 2009 cả nước có trên 100 vụ tràn dầu do tai nạn tàu thì có đến 50% là do hoạt động trên gây ra.
Thứ trưởng Lê Đình Tiến phát biểu tại hội nghị
Theo ông Lê Đình Tiến, Thứ trưởng Bộ KH&CN cũng đồng tình cho rằng, hiện công tác phát triển khoa học công nghệ biển còn không ít những hạn chế, bất cập trong kết quả nghiên cứu cũng như sự chú trọng đầu tư cho lĩnh vực này.
Ông đề xuất, trong giai đoạn hiện nay, nghiên cứu và ứng dụng KHCN biển không chỉ dừng lại ở ngành KHCN biển mà đòi hỏi sự cộng hưởng đa ngành khoa học, liên vùng kinh tế để giải quyết các vấn đề tại biển Đông. Chính vì vậy, công tác nghiên cứu khoa học về biển Đông trong thời gian tới phải mang tính hệ thống và kế thừa rất cao, cần đặt ra kế hoạch tổng thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm, hoạch định quy mô, phạm vi cho từng giai đoạn thực hiện bởi hiện nay chúng ta chưa có khả năng, phương tiện và điều kiện để làm một cách tổng thể.
Hội nghị Khoa học và Công nghệ biển toàn quốc lần thứ V do Viện Khoa học công nghệ Việt Nam chủ trì, với sự phối hợp của các cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương; Văn phòng Chính Phủ; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Ngoại giao; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Đại học Quốc Gia Hà Nội; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam… Hội nghị diễn ra trong 2 ngày (20 - 21/10) sẽ tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại làm nền tảng phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng vững mạnh trên biển đảo.
Tại Hội nghị, hơn 300 nhà quản lý, nhà khoa học đã chia thành 5 tiểu ban để cùng thảo luận và đưa ra các định hướng nghiên cứu về khoa học, công nghệ biển trong giai đoạn 2015-2020. Các Chủ đề chính của Hội nghị: Khí tượng, thủy văn và động lực học Biển; Địa lý, Địa chất và Địa vật lý biển; Sinh học và nguồn lợi sinh vật biển; Sinh thái, Môi trường và quản lý biển; Năng lượng, kỹ thuật công trình, vận tải và công nghệ biển; Xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ biển; Trưng bày, triển lãm các thành tựu khoa học và công nghệ biển trong những năm qua; Các vấn đề liên quan khác.
|
Minh Châu
|