Xã hội càng phát triển càng chứng minh một điều rằng: Khoa học và công nghệ (KH&CN) có vai trò ngày càng sâu sắc, tác động lớn đến nhịp độ tăng trưởng kinh tế ở nhiều quốc gia. Những năm gần đây, thành quả của KH&CN, đặc biệt là sự đổi mới công nghệ đã đem đến cho kinh tế, xã hội (KTXH) Việt Nam một diện mạo mới.
Tăng khoảng 5 lần thu nhập bình quân đầu người
Theo phân tích gần đây của Ngân hàng thế giới ở 38 quốc gia và khu vực, tiến bộ công nghệ đóng góp 50% vào tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển, hơn 30% ở các nước đang phát triển. Tại Hàn Quốc, đột phá trong KH&CN giúp KTXH nước này tăng trưởng mạnh, mức thu nhập bình quân đầu người tăng cao từ 1.040 USD (1977) lên 3.360 USD sau 10 năm. Đầu tư cho KH&CN của nước này tăng nhanh từ 378 triệu USD lên 5 tỷ USD, tăng 13 lần. Với Trung Quốc, đầu tư cho KH&CN tăng mạnh từ 0,6% GDP (2001) lên 1,43% GDP (2007) đã tạo đòn bẩy đưa GDP bình quân đầu người tăng từ 1.047 USD lên 2.604 USD.
Theo tài liệu của TS Cù Chí Lợi, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Khoa học - Xã hội Việt Nam): Ở nước ta, trong thời kỳ 1998-2002, tỷ trọng đóng góp của yếu tố KH&CN vào tăng trưởng GDP chiếm gần 23%, kéo mức thu nhập bình quân đầu người từ vài trăm USD đạt ngưỡng 1.000 USD. Trong khi dân số không ngừng tăng (từ hơn 50 triệu người năm 1979 lên hơn 85 triệu người năm 2009), diện tích đất canh tác bị thu hẹp nhưng nhờ áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, ngành nông nghiệp vẫn đóng góp hơn 65% vào tăng trưởng kinh tế nước nhà.
Đưa kim ngạch xuất khẩu tăng hàng chục lần
Nhiều năm gần đây, những mặt hàng như: lúa gạo, thủy sản, hạt tiêu, cà phê, cao su... luôn đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho Việt Nam. Có kết quả này là nhờ những đóng góp quan trọng của hoạt động KH&CN. Hàng nghìn giống, quy trình sản xuất mới từ phòng thí nghiệm đã đến với người dân, được ứng dụng rộng rãi, đã và đang trở thành đòn bẩy thúc đẩy phát triển KTXH.
Trong nông nghiệp, KH&CN đóng vai trò lớn trong lai tạo, nhân giống cây trồng mới, tăng năng suất thay thế giống nhập ngoại. Nhiều công nghệ mới được ứng dụng làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng giá trị sản xuất, đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cà phê, hạt tiêu, điều, cao su. Đến nay, hơn 170 giống lúa được công nhận, trong đó có nhiều giống lúa lai tốt như VL20, TH3-3, TH304, HY83, HYT92, HYT100. 90% diện tích đất được trồng bằng các giống lúa cải tiến. Năng suất lúa bình quân năm 2007 đạt 49,5 tạ/ha, gấp 2,4 lần năm 1980 và Việt Nam từ chỗ thiếu lương thực triền miên đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới.
Trong thủy sản, các kết quả nghiên cứu về sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến thủy sản đã đạt trình độ tương đương của thế giới và khu vực; nâng kim ngạch xuất khẩu lên 4,4 tỷ USD (2008), gấp 22 lần năm 1990. Các mặt hàng thủy sản chế biến xuất khẩu của Việt Nam bảo đảm yêu cầu về chất lượng thị trường Nhật Bản, EU và Mỹ.
Với y tế, KH&CN đã nâng trình độ y học của nước ta lên ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới. Đến nay, Việt Nam đã chủ động sản xuất được 9/10 loại vắc-xin phục vụ tiêm chủng mở rộng, giảm tỷ lệ mắc và tử vong của nhiều bệnh như bại liệt, viêm não… Các nhà khoa học cũng làm chủ nhiều quy trình chẩn đoán, điều trị hiệu quả nhiều bệnh mới phát sinh, nguy hiểm như SARS, cúm A/H5N1. Nhiều công nghệ kỹ thuật cao (xử lý tế bào gốc, tạo da để chữa bỏng…), phác đồ điều trị tiên tiến đã được áp dụng trong chuyên khoa tim mạch, sản, ngoại khoa.
Trong công nghiệp, KH&CN giúp cải tiến, đổi mới công nghệ của các ngành, lĩnh vực và đang chứng tỏ hiệu quả trong thời gian qua. Việt Nam đã sản xuất được nhiều thiết bị cơ khí chính xác, siêu trường, siêu trọng; làm chủ công nghệ đóng tàu trọng tải lớn… Từ kết quả nghiên cứu của một số chương trình KH&CN trọng điểm, Việt Nam đã thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp 220 kV - 250 MVA với giá thành thấp hơn giá nhập khẩu (khoảng 2 triệu USD so với giá nhập khẩu 2,4 triệu USD).
Dù còn nhiều khó khăn nhưng không thể phủ nhận một thực tế rằng, KH&CN đã và đang đóng góp thiết thực cho sự phát triển KTXH, xứng đáng là nền tảng cho CNH, HĐH. Đóng góp của KH&CN đã kéo thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam từ vài trăm USD đến ngưỡng 1.000 USD.
Hạnh Nguyên
(Theo HNM)