Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 12:21 pm
Cập nhật : 21/11/2012 , 12:11(GMT +7)
Khoa học - công nghệ: Phải cách mạng như "khoán 10"
“Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ khoa học thế giới?”. ĐBQH Phạm Trọng Nhân
Gần như tất cả các phát biểu tại nghị trường ngày 20.11 trong phiên thảo luận dự án Luật Khoa -công nghệ sửa đổi đều đã nhắc đến điểm nghẽn “cơ chế tài chính” cho khoa học- công nghệ.

Tố khổ từ một nền khoa học "trũng nhất thế giới"

ĐB Phạm Xuân Thanh đặt câu hỏi “Vì sao 10 năm qua đầu tư không ít, các đề tài càng nhiều nhưng chất lượng còn thấp, hiệu quả chưa tương xứng với đầu tư, thiếu công trình tầm cỡ, bằng sáng chế?”. Và câu hỏi lớn nhất là của ĐBQH Phạm Trọng Nhân ''Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ khoa học thế giới?''.

Không ai biết, và sự yếu kém, thiếu hiệu quả được phân tích với nguyên nhân lớn nhất là cơ chế tài chính.

ĐBQH Huỳnh Minh Hoàng thì bình luận, đó là cơ chế “bao cấp, kiểu bốc thuốc”.

Ủy viên Ủy ban KHCNMT của QH Hoàng Thị Tố Nga thống kê: "Phải mất 9 - 15 tháng từ khi đề xuất đến lúc có kinh phí”. Trong khi “Dự toán lạc hậu so với thực tế. Thanh quyết toán rườm rà. Chưa kịp triển khai đã phải làm quyết toán”. Bà nói, đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám từ Nhà nước sang doanh nghiệp, từ trong nước ra nước ngoài”.

Cơ chế tài chính đó đang làm nên những nhà khoa học ngay cả ''giật gấu vá vai'' cũng chưa đủ. Dẫn câu chuyện Bác Hồ mời GS Hoàng Xuân Nhị về nước với “mức lương ngang thứ trưởng, trọng dụng như bộ trưởng”, mà chỉ cần “viết sách đã đủ mua 1 cái nhà ở phố Huế”- ĐBQH Bùi Thị An nói đến một thực tế “50.000 đồng cho một trang (nghiên cứu) của một vị giáo sư”. Bà đặt câu hỏi “Liệu có ai sống được?”.

Mọi nguyên nhân, mọi câu trả lời cho “hiện trạng” của nền KHCN dường như đều cho đó là vì điểm nghẽn: Cơ chế tài chính. Thô thiển là tiền, cách chi tiền và cách sử dụng tiền.

Chính tài chính và cơ chế tài chính đó đang khiến nền KHCN nước nhà không những không theo kịp thế giới, mà còn là ''vùng trũng'' ngay trong chính khu vực- vốn đã là ''vùng trũng'' của thế giới.

Còn nhiều điểm nghẽn

ĐBQH Trương Minh Hoàng nêu hiện tượng: Nguồn lực đã ít, nhưng sử dụng không  đúng mục đích, không đảm bảo. Thậm chí, có địa phương chỉ sử dụng 30% nguồn kinh phí. “Ít mà dùng cũng không hết” - ông Hoàng bình luận. Đó là một nền khoa học- theo GĐ Sở KHCNMT Bạc Liêu Huỳnh Minh Hoàng- có tới 1.600 tổ chức nghiên cứu, 2 viện lớn, 400 trung tâm của bộ, ngành, 40 trung tâm của các hội. Quá lớn, nhưng chưa thấy (tạo được ra) sản phẩm nào có sức cạnh tranh cao. Đó là tình trạng- nói như ĐBQH Phùng Đức Tiến: “Kết quả nghiên cứu nghiệm thu xong để trong tủ”.

TS Ngô Đức Mạnh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học của QH - thẳng thừng phê phán về tính tự chủ, về sự chủ động trong sáng tạo của các nhà khoa học Việt Nam: “Từ năm 2000 - 2007, KH Việt Nam chỉ có 19 sáng chế; tới năm 2011 không còn có cái nào được đăng ký ở Mỹ. Trong khi đó, với số dân 5 triệu người, Singapore có 647 bằng sáng chế”. TS Mạnh tiếp: “Cốt lõi và xuyên suốt là tính trung thực và đạo đức nghề nghiệp trong khoa học công nghệ”, khi mà “chúng ta có hội đồng nhưng rất dễ dãi, chạy theo phong trào”.

Một phiên thảo luận có quá nhiều chữ "không" cho một nền KHCN mà như ĐBQH - GS-TS Bùi Thị An nhận xét: “Nhiều bất cập mà cả người cấp tiền là Nhà nước và nhân dân, cả người quản lý, cả người làm khoa học, cả người ứng dụng đều không hài lòng”.

Có lẽ không ngẫu nhiên, ĐBQH Trần Văn Minh dùng từ “trầm lắng” để nói về không khí của nền KHCN nước nhà.

Phải cách mạng như "khoán 10"

Ủy viên Ủy ban KHCNMT của QH Tôn Thị Ngọc Hạnh nhận xét: Nếu chỉ “giữ chi 2% NSNN- tương đương 0,5 - 0,6% GDP sẽ rất khó để đảm bảo KHCN là quốc sách. Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nhưng đột phá ở chỗ nào với toàn những “khuyến khích”, “có cơ chế”?

ĐBQH Đoàn Nguyễn Thùy Trang hiến kế: Nhà nước phải nghiêng về trọng cầu chứ không trọng cung như đã làm lâu nay. Cần cơ chế đặt hàng khoa học. Cần ưu tiên tuyển và cấp đề tài do DN chủ trì, chỉ cần họ có vốn đối ứng.

Có 2 vị đại biểu thậm chí còn “đếm” được đến 13.500 tỉ đồng nếu “yêu cầu” 600.000 doanh nghiệp cả nước trích lập quỹ 10% cho phát triển KHCN.

Phát biểu với tư cách một người “đã 36 năm tham gia nghiên cứu KH”, ĐBQH Trần Du Lịch cảnh báo “nếu không muốn rơi vào bẫy thu nhập trung bình thì KHCN và giáo dục phải là trọng tâm”. Bởi còn trì trệ trong luật thì chúng ta còn “triền miên suốt 20 năm ở giai đoạn một của 4 giai đoạn: Nhập và nhập”. Ông kêu gọi, dự thảo luật cần phải sửa chữa, bổ sung để “tạo là động lực như "khoán 10", như Luật DN năm 2000...”, chứ không chỉ là việc “bàn cách chia 2% NSNN”.

Ông Lịch đề nghị phải thay đổi phương thức, không để NN tài trợ qua các quỹ để bộ ngành, địa phương chia nhau, mà phải là “tài trợ chứ không bao cấp”, để “làm sao 70% nguồn lực cho KHCN là từ xã hội và 30% từ Nhà nước”- chứ không phải ngược lại như hiện nay- thì KHCN mới thành công.



“50.000 đồng cho 1 trang nghiên cứu của một vị giáo sư. Liệu có ai sống được?”. ĐBQH Bùi Thị An


"Cần ưu tiên tuyển và cấp đề tài do doanh nghiệp chủ trì, chỉ cần họ có vốn đối ứng" -

ĐB Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang hiến kế. Ảnh: G.Huy

"Năm 2011, Việt Nam không còn có cái nào được đăng ký ở Mỹ, trong khi đó, với số dân 5 triệu người, Singapore có 647 bằng sáng chế". ĐBQH Ngô Đức Mạnh

"1.600 tổ chức nghiên cứu, 2 viện lớn, 400 trung tâm của bộ, ngành, 40 trung tâm của các hội. Quá lớn, nhưng chưa thấy sản phẩm nào có sức cạnh tranh cao". ĐBQH Huỳnh Minh Hoàng
Nguồn tin: Báo Lao động

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner