Theo kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 của UBND TP.HCM, Thành phố đặt mục tiêu phát triển 150 hợp tác xã (HTX), 2 liên hiệp HTX; tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực kinh tế tập thể đạt 7%/năm. Một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu này là ứng dụng khoa học công nghệ.
Ba hiệu quả của ứng dụng khoa học công nghệ
Các nhà khoa học đã nêu nhiều ý nghĩa, vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển, đặc biệt là trong khu vực các cơ sở kinh tế hợp tác và HTX.
Nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng: Khu vực kinh tế HTX vốn có nhiều hạn chế trong quản lý, điều hành và tổ chức sản xuất. Ngoài những nguyên nhân về tài chính, một nguyên nhân quan trọng kìm hãm sự phát triển liên quan đến trình độ của thành viên là khả năng tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng đổi mới công nghệ.
Đẩy mạnh công tác hỗ trợ đào tạo, tập huấn, kèm theo đó là hoạt động hỗ trợ xây dựng các mô hình HTX hiệu quả, điển hình trong ứng dụng công nghệ, kỹ thuật sản xuất mới để làm cơ sở trình diễn, học tập. Đây là giải pháp cơ bản để thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất, giúp nâng cao năng lực sản xuất cả chiều rộng và chiều sâu. Với vai trò này, khoa học và công nghệ là phương tiện để chuyển nền kinh tế nông nghiệp thuần túy sang nền kinh tế tri thức, trong đó phát triển nhanh các ứng dụng công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động trí tuệ là đặc điểm nổi bật.
Tăng sức cạnh tranh sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế: HTX là cầu nối chuyển giao tiến bộ công nghệ, kỹ thuật. Từ các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm đến với người nông dân đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng giá trị sản xuất, đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cà phê, hạt tiêu, điều, cao su.
Việc áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh của các cơ sở kinh tế hợp tác, HTX đã mang lại những tác động to lớn. Đây là đòn bẩy nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế.
Bảo vệ môi trường sinh thái: Ứng dụng tiến bộ và đổi mới công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất là tạo ra một môi trường sản xuất sạch hơn, giảm thiểu phát thải ô nhiễm. Phong trào HTX dịch vụ môi trường phát triển trên cả nước, có HTX phát triển quy mô lớn, thực hiện nhiều dịch vụ hàm lượng khoa học công nghệ cao.
Trong thời gian qua, nhiều HTX đã thực hiện việc vệ sinh môi trường, thu gom, tái chế rác thải. Chất thải được thu gom và sản xuất thành các dạng sản phẩm hữu ích, như khí sinh học, sản xuất điện, gạch không nung… Nhiều công nghệ sinh học đã được ứng dụng để xử lý mùi hôi từ hoạt động chăn nuôi, nhằm góp phần đảm bảo môi trường sinh thái trong lành. Ngoài ra, hình thành nhiều mô hình HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa các loại hình sản xuất, như chất thải chăn nuôi được sử dụng triệt để làm phân bón hữu cơ, vừa giúp cải tạo đất trồng, vừa nâng cao sức đề kháng của cây trồng, vừa giảm thiểu sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, cũng như nâng cao giá trị nông sản.
Khoa học công nghệ hỗ trợ HTX phát triển
Mới đây, Trung tâm thông tin và thống kê khoa học và công nghệ (CESTI) TP.HCM đã tổ chức giới thiệu hệ sinh thái FMAN. Trong đó, 3 phần mềm liên kết với nhau để giải quyết toàn diện các vấn đề về quản lý trang trại, quản lý chất lượng thực phẩm và bán hàng thông minh, tạo ra những giá trị khác biệt và thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp.
FMAN đang xây dựng nền tảng kết nối 6 nhóm thực thể, gồm: trang trại - nhà máy chế biến, sơ chế - người dùng cuối (nhà hàng, siêu thị, khách hàng) - đầu vào của ngành nông nghiệp (phân bón, thiết bị, máy móc) - dịch vụ vận chuyển - các chính sách, hợp tác Chính phủ, viện, trường, chuyên gia.
Dựa trên sự kết nối này, FMAN giải quyết các vấn đề quản lý trang trại bằng thiết bị có kiểm soát; số hóa, phổ biến và chia sẻ dữ liệu ngành nông nghiệp; giám sát thực hiện nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững; cải tiến cách bán hàng và hành vi bán hàng nông sản.
Phần mềm này cũng đáp ứng 3 tiêu chí hiệu quả, năng suất và bền vững thông qua việc quản lý đơn giản, nhanh chóng; dữ liệu được sắp xếp; thông tin chi tiết từng vụ, từng ao, giúp các trang trại đưa ra các quyết định kinh doanh; giảm chi phí vận hành và tăng năng suất mùa vụ; trao quyền cho nông dân, cung cấp thông tin, tư vấn và cảnh báo…
Trước đó, CESTI cũng đã giới thiệu “Giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp: Phần mềm nhật ký sản xuất (FaceFarm) và ứng dụng kế toán dành cho HTX (WACA)”. Đây là công cụ hỗ trợ dựa trên nền tảng Google Map, dễ dàng đánh giá nông trại một cách trực quan, chính xác. FaceFarm có thể hỗ trợ theo dõi nông trại mọi lúc mọi nơi, nhanh chóng, ghi lại nhật ký bằng các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính…
Theo mô hình vận hành của FaceFarm, toàn bộ dữ liệu về vùng nuôi trồng cũng như dữ liệu mùa vụ (gọi chung là nhật ký sản xuất) sẽ được thu thập và truyền về trung tâm dữ liệu. Trên cơ sở này, chủ nông trại hoặc HTX có thể nắm bắt chi tiết thông tin một cách trực quan, có thể kiểm tra nông trại theo các hạng mục khác nhau, đánh giá sự phát triển của nông trại thông qua dữ liệu đã lưu để từ đó lập kế hoạch sản xuất phù hợp, hoặc tìm giải pháp làm tăng năng suất canh tác. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, có thể dùng FaceFarm để thống kê và phân bố vùng canh tác, sẵn sàng bố trí đội ngũ cán bộ kỹ thuật hỗ trợ gần nhất cũng như dễ sắp xếp các buổi tư vấn kết nối cung - cầu theo mặt hàng nông sản.
Nguồn: khoahocphothong.com.vn