Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 06:15 pm
Cập nhật : 22/12/2011 , 09:12(GMT +7)
Khoa học công nghệ: Có “luật chơi” thì phải có “sân chơi”
“Hiện nay hệ thống pháp luật về khoa học công nghệ (KHCN) của Việt Nam về cơ bản tương đối hoàn thiện, chúng ta đã xây dựng được “luật chơi”, vấn đề bây giờ nằm ở “sân chơi” sẽ được tổ chức ra sao và người chơi được chơi như thế nào...” đây là những chia sẻ chân tình cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động KHCN.

Nhìn lại 7 năm đổi mới

Sau 7 năm thực hiện Đề án đổi mới cơ chế quản lý KHCN và Chiến lược phát triển KHCN 2001-2010, hoạt động KHCN nước ta nhìn chung đã có nhiều đổi mới và đóng góp những thành tựu quan trọng trong tất cả các lĩnh vực kinh tế quốc dân, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước. Hàm lượng công nghệ trong nhiều sản phẩm đã làm tăng chất lượng và tạo giá trị gia tăng cho hàng hóa, dịch vụ, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Sự đổi mới đó thể hiện ở năng lực và tiềm lực khoa học được nâng lên. Mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KHCN đã liên tục tăng về giá trị tuyệt đối, trung bình 10% trong giai đoạn 2001-2010. Số lượng các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam đăng tải trên tạp chí khoa học quốc tế cũng tăng lên đáng kể: trung bình 23%/năm. Đội ngũ cán bộ khoa học được tạo điều kiện tốt hơn về hạ tầng và trang thiết bị nghiên cứu thông qua các chương trình đầu tư của nhà nước như đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; triển khai quỹ phát triển KHCN quốc gia, quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; đầu tư thông qua hệ thống các chương trình KHCN trọng điểm quốc gia. Còn hệ thống các tổ chức KHCN với hơn 1.600 tổ chức, đã được hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Số lượng các tổ chức thực hiện cơ chế này đã có sự gia tăng lớn, chiếm hơn 80% các tổ chức, trong đó khoảng 65% các tổ chức có đề án chuyển đổi sang cơ chế mới đã được phê duyệt…

Tuy nhiên, theo đánh giá chung của các chuyên gia cơ chế quản lý cũng như tổ chức hoạt động KHCN vẫn còn một số bất cập, dẫn đến hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư cho KHCN chưa đáp ứng yêu cầu, cũng như năng lực tiếp thu, làm chủ và đổi mới công nghệ chưa cao. Mức chi 2% tổng chi ngân sách cho KHCN đã được coi là “bé” thì lại có tình trạng một số Bộ, ngành, địa phương đã sử dụng không đúng mục đích, hoặc không sử dụng được nguồn này. Tỷ lệ sử dụng trung bình của các địa phương nhiều năm qua chỉ khoảng 30%, có địa phương dưới 10%.

Đáng nói hơn, mặc dù cho đến nay đã có hơn 20 tỉnh và hàng trăm DN thành lập quỹ phát triển KHCN, nhưng đầu tư của các DN cho hoạt động KHCN còn thấp hơn cả đầu tư từ ngân sách nhà nước, chỉ đạt khoảng 350-400 triệu USD so với ngân sách khoảng 600 triệu USD. Nếu tính cụ thể hơn chỉ khoảng 0,1-0,3% doanh thu của DN được đầu tư cho hoạt động này, trong khi đó đầu tư cho đổi mới công nghệ của DN Ấn Độ khoảng 5% và Hàn Quốc là 10% doanh thu của DN. Nguyên nhân của hạn chế này chủ yếu là chưa có cơ chế tài chính đủ mạnh buộc DN và các tổ chức cá nhân đầu tư cho KHCN.

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN Hoàng Văn Phong, nội dung chi cho các hoạt động KHCN hiện còn quá ít, không phản ánh được đặc thù KHCN, bởi đây là hoạt động có nhiều cái mới, nếu nội dung chi hạn hẹp các nhà khoa học khó có thể tổ chức được công việc của mình. Thứ hai, định mức chi hiện nay cũng rất thấp, không chỉ có lương thấp mà mua máy móc, tính công xá, chất xám của các chuyên gia, các nhà khoa học không tạo cho người ta lòng say mê, có tinh thần phục vụ khoa học. Chưa kể, thủ tục hành chính của chúng ta cũng có nhiều bất cập, phải chờ đợi quá lâu, hết phê duyệt để đấu thầu, đấu thầu xong lại phê duyệt…

Tạo “sân chơi” thế nào?

Nguyên Bộ trưởng Hoàng Văn Phong cho rằng, hiện nay hệ thống pháp luật về KHCN của Việt Nam về cơ bản đã hoàn thiện, tức là chúng ta đã xây dựng được “luật chơi” trong một lĩnh vực khi mà thế giới dần chuyển sang hẳn nền kinh tế tri thức. Vấn đề bây giờ là “sân chơi” được tổ chức như thế nào và người chơi được chơi như thế nào, chơi một cách chuyên nghiệp, chơi một cách đẹp, để có thể phục vụ tốt nhất cho xã hội. Những vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện môi trường, nếu chúng ta muốn đá bóng đá đỉnh cao mà chúng ta không có những sân vận động tối thiểu như Mỹ Đình thì không thể chơi được với những đội có đẳng cấp thế giới được.

Trước hết, chúng ta phải thay đổi tư duy, tự bản thân phải cởi mở, cởi trói cho KHCN chứ không phải chỉ riêng nhà khoa học loay hoay tự cởi trói cho mình. Tức là không chỉ Nhà nước mà xã hội đều cần phải thay đổi vì Nhà nước chỉ có 1/5 tài sản mà toàn dân làm ra, còn 4/5 nằm trong người dân và DN, do đó nếu chỉ có Nhà nước đầu tư vào khoa học thì làm sao khoa học phát triển được. Khi có niềm tin vào khoa học sẽ làm cho DN, cho thành phố, cho tỉnh mình phát triển thì khi đó KHCN mới phát triển. Sau khi thay đổi tư duy, thì chúng ta phải rà soát lại toàn bộ hệ thống chính sách và hệ thống tổ chức của chúng ta, không chỉ riêng Bộ KHCN, mà cả hệ thống quản lý nhà nước, từ người ban hành chính sách cho đến người thực hiện chính sách, thực hiện các giải pháp và cho đến các địa phương.

“Chúng ta phải xem cơ chế chính sách của chúng ta đang vướng ở đâu để tháo gỡ, nhằm tạo ra một môi trường hết sức thông thoáng, giống như trong nông nghiệp chúng ta giao đất cho người dân để họ làm ra sản phẩm nhưng nếu chúng ta mà không bỏ các quy định về ngăn sông cấm chợ thì hàng hóa không thể lưu thông, người nông dân không bán được hàng hóa của mình ngoài bán ở thôn xã”, ông Phong nhấn mạnh.

Chẳng hạn, hiện nay chế độ chính sách của chúng ta đối với những người làm công tác khoa học đương thiếu. Để sử dụng tốt nhất đội ngũ nhân lực thì phải có chế độ đãi ngộ, trọng dụng, tôn vinh tương xứng với trình độ, năng lực. Làm khoa học việc đầu tiên là phải có đam mê, không có tình yêu với khoa học thì không có những sáng tạo mới. Nhưng nếu chỉ có sự đam mê không thì chưa đủ mà con người còn cần phải có động lực làm việc. Đam mê cộng với lợi ích mà họ nhìn thấy cho đất nước, nhìn thấy cho bản thân, cho gia đình họ khi đó chắc chắn KHCN sẽ có những “đột phá”.

Theo ông Phong “trong những năm tới từ nay đến năm 2020, dài hơn 2025-2030, chúng ta phải đổi mới một cách cơ bản, đồng bộ và triệt để cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động KHCN. Phấn đấu đến năm 2020, xã hội Việt Nam phải bỏ ra từ 30-50 tỷ USD để đổi mới công nghệ, trong đó Nhà nước bỏ ra 1/5 (10 tỷ), còn 40 tỷ là từ xã hội”./.

Nguồn tin: VEN

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner