Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 11:13 pm
Cập nhật : 17/12/2020 , 13:12(GMT +7)
Khoa học Xã hội và Nhân văn – Cơ sở khoa học cho định hướng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Hoàng Giang đã nhấn mạnh như trên tại Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá, con người Việt Nam trong bối cảnh mới và những vấn đề cần đặt ra cho Khoa học – xã hội và Nhân văn (KHXH&NV ) giai đoạn 2021 - 2026” do Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước (Bộ KH&CN) tổ chức ngày 16/12 tại Hà Nội.

Giải quyết nhiều vấn đề của thực tiễn

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho biết, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước luôn đặt phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, gắn công nghiệp hoá với hiện đại hoá, đồng thời xác định vai trò KH&CN là then chốt trong việc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước. Điều này càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn khi đất nước đang hội nhập mạnh mẽ với khu vực và thế giới. 

Theo đó, các hoạt động nghiên cứu KHXH&NV cần tiếp tục mang tính dẫn dắt, định hướng, tạo cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.

Sau gần 5 năm triển khai, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Chương trình như: hơn 40% đề tài đã cung cấp các kết quả nghiên cứu, những luận cứ khoa học – là cơ sở cho việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước; 80% đưa ra nhiều kết quả bao gồm các kiến nghị, giải pháp, mô hình và sản phẩm khoa học,… Điều này đã góp phần giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách ở Bộ, ngành, địa phương.

Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu còn được công bố trên các tạp chí quốc tế, tại các hội thảo khoa học quốc tế, trên các tạp chí và hội nghị trong nước, sách chuyên khảo,… qua đó nâng cao nhận thức cho xã hội, cải thiện nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới.

Bên cạnh đó, Chương trình còn tập trung vào việc tổ chức các hội thảo, toạ đàm theo mảng chuyên môn, đồng thời là trụ cột về mặt chuyên môn cho các cơ quan nghiên cứu về KHXH&NV trong việc cung cấp luận cứ khoa học, đóng góp ý kiến cho Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đại hội đảng bộ các địa phương bằng những kết quả nghiên cứu của Chương trình và các đề tài khác.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được những đóng góp, chia sẻ ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý,.. về những vấn đề nghiên cứu đặt ra cho KHXH&NV trong giai đoạn 2021 – 2026; tư vấn chính sách cho các Bộ, ngành địa phương cũng như giúp Bộ KH&CN có những định hướng phù hợp cho việc tái cơ cấu Chương trình trong giai đoạn tới.

Hướng đến các vấn đề mang tính dài hạn, xuyên suốt 

Toàn cảnh Hội thảo

Báo cáo tại Hội thảo, GS.TS. Trần Thọ Đạt, Chủ nhiệm Chương trình KX.01/16-20 cho biết, Chương trình gồm 52 đề tài bao trùm các lĩnh vực kinh tế và phát triển kinh tế, lĩnh vực xã hội và quản lý xã hội, lĩnh vực con người, văn hóa và phát triển nguồn nhân lực, chính trị. Một số đề tài còn mang tính chất giao thoa giữa kinh tế - xã hội – văn hóa – con người.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của KHXH&NV trong việc nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, con người Việt Nam, Chương trình ra đời nhằm thực hiện mục tiêu như: cung cấp luận cứ khoa học về những vấn đề trọng yếu thuộc lĩnh vực KHXH&NV nhằm đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đề xuất những chính sách và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức, quản lý, phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam; xây dựng cơ sở dữ liệu về KHXH&NV phục vụ công tác hoạch định và thực thi chính sách vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. 

“Thực tiễn triển khai Chương trình đã cho thấy những đóng góp đáng kể của KHXH&NV trong việc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, con người Việt Nam thời gian qua” GS.TS. Trần Thọ Đạt khẳng định.

Bên cạnh việc đạt được những mục tiêu cụ thể, GS.TS. Trần Thọ Đạt còn cho biết thêm, Chương trình đã đưa ra ba trụ cột nghiên cứu gồm: nghiên cứu các vấn đề kinh tế; nghiên cứu về xã hội và quản lý xã hội; nghiên cứu về văn hóa con người và phát triển nguồn nhân lực. Thực tiễn việc triển khai Chương trình cho thấy những đóng góp đáng kể của KHXH&NV trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và con người Việt Nam thời gian qua.

Tuy nhiên, GS.TS. Trần Thọ Đạt cho rằng, thực tế có nhiều vấn đề phát sinh do những biến động của tình hình thế giới, khu vực và Việt Nam trong những năm qua, sự thay đổi các giá trị nhân văn, tác động của đại dịch Covid19,… đã đặt ra những yêu cầu mới về quản trị quốc gia, quản trị vùng, quản trị ngành – lĩnh vực và nhóm xã hội, cá nhân con người nhằm phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và con người Việt Nam.

Theo đó, ngoài một số vấn đề đặt ra cần được nghiên cứu trong giai đoạn tới như: nghiên cứu hoàn thiện thể chế tạo động lực phát triển Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030; nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế chính sách phát triển kinh tế gắn với KHCN và Đổi mới sáng tạo, các chính sách phát triển kinh tế năng lượng, kinh tế biển đảo, các vấn đề quản trị quốc gia, địa phương trong bối cảnh phát triển kinh tế số đảm bảo tăng trưởng nhanh, bền vững;… 

“Chương trình cần được tiếp tục thực hiện và tập trung giải quyết các vấn đề trọng điểm cấp quốc gia trong lĩnh vực KHXH&NV nhằm đề xuất các chủ trương, chính sách, giải pháp thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030. Đồng thời, các nghiên cứu cần hướng đến các vấn đề mang tính dài hạn, xuyên suốt nhằm phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững gắn với khai thác và phát triển các giá trị văn hóa, con người Việt Nam” GS.TS. Trần Thọ Đạt nhấn mạnh.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, một số tham luận đã được các đại biểu trình bày như: những vấn đề nghiên cứu đặt ra cho KHXH&NV phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và con người Việt Nam từ góc độ hội nhập và bối cảnh quốc tế hiện nay; quan điểm chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới và những vấn đề nghiên cứu đặt ra cho KHXH&NV; KHXH&NV phục vụ phát triển kinh tế - xã hội từ góc độ phát triển kinh tế vùng và địa phương,…

Bài, ảnh: Ngũ Hiệp

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner