Nhóm sinh viên Khoa Hóa và Môi trường (Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội) đã nghiên cứu chế tạo thành công màng nhựa nano sinh học từ rơm rạ ứng dụng vào sản xuất khẩu trang. Sáng chế giúp giảm rác thải y tế từ khẩu trang, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Sáng kiến xanh
Mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 50 triệu tấn rơm. Công bố kết quả “Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng” của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho thấy, chỉ tính riêng vụ Đông Xuân năm 2020, tổng lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng ở Hà Nội là 384.505 tấn. Khoảng 20% trong số đó bị đốt, phát sinh 179,08 tấn bụi PM10, 163,3 tấn bụi mịn PM2,5 và 23.000 tấn CO2. Đây đều là những chất gây ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu cũng chỉ ra, việc đốt rơm rạ phát sinh lượng bụi mịn PM2,5 rất lớn. Đây là vấn đề đáng quan ngại khi PM2,5 được coi là sát thủ trong không khí, nguyên nhân của hàng loạt bệnh về hô hấp và tim mạch.
Xuất phát từ mong muốn giải bài toán ô nhiễm và giúp phòng chống dịch Covid-19, nhóm sinh viên Khoa Hóa và Môi trường, Đại học Thủy lợi đã dùng công nghệ tách chiết rơm rạ tạo ra màng nano sinh học. Tấm màng này được dùng trong sản xuất khẩu trang và một số sản phẩm ứng dụng khác trong đời sống. Với những ưu điểm tận dụng được rơm rạ, lại giảm ô nhiễm môi trường, giúp phòng chống Covid-19, đề tài “Chế tạo tấm màng nano sinh học từ rơm rạ, ứng dụng vào sản xuất khẩu trang thông minh B-Mask” là 1 trong 6 đề tài lọt vào vòng chung kết và đạt giải Khuyến khích cuộc thi Sáng tạo Bách khoa 2020 nhóm các trường đại học tháng 3/2021 vừa qua.
Khẩu trang thông minh B-Mask-B-Plastic được nghiên cứu sáng chế bởi nhóm B-Plastic gồm 3 nữ sinh viên Hoàng Bảo Linh, Phạm Tùng Dương và Hoàng Thị Anh Thư - thuộc Khoa Hóa và Môi trường, Đại học Thủy lợi.
Theo sinh viên Hoàng Bảo Linh, Trưởng nhóm B-Plastic, bí quyết của khẩu trang vải B-Mask nằm ở tấm màng lọc bụi nano và kháng vi khuẩn. Từ rơm rạ, nhóm nghiên cứu chiết tách chất cellulose, sau đó tạo thành màng nano, rồi ứng dụng vào việc sản xuất khẩu trang. Lớp màng lọc này cũng có thể lắp cho các máy lọc không khí mini cầm tay hoặc cả những máy công suất lớn như điều hòa. Trong quá trình nghiên cứu, nhóm đã gặp không ít khó khăn, nhất là về chi phí đầu tư cho công nghệ sản xuất, do công nghệ này ở Việt Nam chưa có.
Tấm màng lọc nhựa sinh học B-Plastic có khả năng phân hủy tự nhiên, không gây độc hại cho người sử dụng. Lớp vải bên ngoài sau khi giặt có thể tái sử dụng, giúp giảm rác thải y tế. Các tính năng của khẩu trang như hiệu suất lọc bụi, hàm lượng kim loại nặng, vi sinh đã được kiểm tra theo đúng tiêu chuẩn cho phép. Ngoài ra, B-Mask còn có loại đặc biệt dành cho người khiếm thính, trong suốt để họ có thể nhìn thấy khẩu hình của nhau khi giao tiếp.
Giúp ích môi trường
Theo đánh giá của PGS.TS Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, công nghệ màng nano trên thế giới đã làm nhiều nhưng nhóm nghiên cứu đã vận dụng cải tiến công nghệ phù hợp với tình hình Việt Nam bằng cách tách chiết rơm rạ. Đây là đề tài mang tính sáng tạo, được đánh giá cao về tính ứng dụng thực tiễn cũng như hướng phát triển trong tương lai.
Nói về thành phần của chiếc khẩu trang, ThS Phạm Thị Hồng, giảng viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu cho hay, khẩu trang thông minh B-Mask là loại khẩu trang vải, ở giữa có 1 lớp màng nano diệt khuẩn có thể thay thế. Loại màng lọc này có thể lọc từ 60 - 90% bụi mịn và vi khuẩn. Lớp màng nano ở giữa có thể thu và tái sử dụng lại vì nó là những loại nhựa sinh học. Điểm đặc biệt là sáng chế có thêm phiên bản đặc biệt dành cho người khiếm thính làm bằng nhựa sinh học trong suốt. Khác với nhựa truyền thống, màng nhựa sinh học có thời gian phân hủy nhanh và có thể phân hủy bằng cách cho vi khuẩn ăn toàn bộ trong thời gian ngắn.
Mỗi phút trong ngày, thế giới đang vứt bỏ khoảng 3 triệu chiếc khẩu trang. Rác khẩu trang đang gây ra nhiều hệ lụy độc hại cho môi trường. Với chế tạo khẩu trang thông minh B-Mask, nhóm nghiên cứu giúp giảm rác thải y tế, tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Trưởng nhóm B-Plastic Hoàng Bảo Linh cho biết, sản phẩm đã sản xuất phiên bản hạn chế thành công và đang được nghiên cứu phát triển thêm các dòng sản phẩm mới cũng như cải tiến, hoàn thiện hạ giá thành, tăng tính ứng dụng. Nhóm nghiên cứu mong muốn tìm được nguồn đầu tư để có thể sản xuất hàng loạt và thương mại hóa sản phẩm và tiếp tục nghiên cứu thêm về các giải pháp xanh, giúp ích cho môi trường.
Nguồn: khoahocdoisong.vn