Nguồn gen là tài nguyên sống còn của mỗi Quốc gia và của toàn nhân loại. Vì vậy cần phải thu lập, lưu giữ, đánh giá và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên này. Nắm bắt được vai trò của nguồn gen, đặc biệt là nguồn gen cây lúa từ những năm 2001 nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nguồn gen cây trồng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã tiến hành thu thập, lưu giữ, đánh giá và khai thác nguồn gen lúa.
Thu thập, đánh giá nguồn gen lúa
Việt Nam nổi tiếng về sự phong phú và đa dạng các loài sinh vật và được coi là cái nôi của nhiều loài cây lương thực quan trọng. Với sự đa dạng cao về điều kiện tự nhiên, khí hậu, địa hình và tập quán canh tác của các vùng sinh thái đã chứa và lưu giữ trong tự nhiên hàng trăm giống và loài cây trồng quý hiếm, góp phần quan trọng vào sự đa dạng của các loài thực vật Việt Nam trong đó có nguồn gen lúa.
Song do nhiêu nguyên nhân mà dẫn đến nguồn gen các giống lúa bản địa ngày một mất đi nếu chúng ta không có chiến lược thu thập, lưu giữ và bảo tồn. Mặt khác do tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh, công nghiệp, du lịch, và dịch vụ đã dẫn đến đất dành cho nông nghiệp ngày càng giảm cũng là nguyên nhân làm nguồn gen bị xói mòn,…
Đó chính là những lý do khiến các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nguồn gen cây trồng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã tiến hành thu thập, lưu giữ, đánh giá và khai thác nguồn gen lúa từ 2001 đến nay.
Mục tiêu chung của công tác này là thu thập, lưu giữ, đánh giá và khai thác nguồn gen các giống lúa địa phương Việt Nam. Theo đó, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội đã tiến hành điều tra, thu thập và lưu giữ các giống lúa địa phương Việt Nam, tập trung thu thập ở các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người; đánh giá đặc tính nông sinh học và các tính trạng đặc biệt của nguồn gen thu thập. Và sử dụng và khai thác nguồn gen các giống lúa thu thập. Qua hơn 10 năm miệt mài thu nhập, nghiên cứu đánh giá các nhà khoa học đã thu được nhiều kết quả tốt.
Ông Phan Hữu Tôn - Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nguồn gen cây trồng - Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho biết, từ năm 2001-2011 chúng tôi đã thu thập và lưu giữ được 1.090 mẫu giống lúa địa phương Việt Nam, kết quả tổng hợp ở bảng 1. Tỉnh thu thập được nhiều mẫu nhất là Lào Cai (254 mẫu giống) và Sơn La (232 mẫu giống lúa). Trong quá trình thu thập chúng tôi nhận thấy càng vùng cao, có nhiều dân tộc sinh sống thì mẫu giống thu thập được càng nhiều và đa dạng. Tất cả các mẫu giống thu thập được đã được mã hóa, xây dựng hồ sơ và lưu giữ phục vụ cho đánh giá và khai thác có hiệu quả nguồn gen lúa quý này.
Qua nghiên cứu, đánh giá 32 đặc tính nông sinh học khác nhau các nhà khoa học nhận thấy các mẫu giống lúa rất đa dạng và phong phú. Khi đánh giá các nhà khoa học đã phân loại thành các dạng khác nhau. Phân loại theo nhóm nếp-tẻ thì có 459 mẫu giống lúa nếp, 631 mẫu giống lúa tẻ. Phân loại theo loài phụ thì có 496 mẫu giống lúa thuộc loài phụ Japonica, 543 mẫu giống lúa thuộc loài phụ Indica và 51 mẫu giống thuộc loài phụ Javanica.
Phân loại theo thời gian sinh trưởng thì 1090 mẫu giống lúa được chia làm 3 nhóm, nhóm TGST ngắn có 443 mẫu, nhóm TGST trung bình 512 mẫu và nhóm TGST dài 145 mẫu. Ngoài các đặc tính nông sinh học được đánh giá chúng tôi còn sử dụng chỉ thị phân tử DNA phát hiện một số tính trạng đặc biệt để khai thác chúng hiệu quả hơn…
Xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn gen các giống lúa Việt Nam
Ông Tống Văn Hải thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, trên cơ sở các đặc điểm nông sinh học đã được đánh giá và nghiên cứu chúng tôi đã sử dụng nguồn gen trên làm vật liệu để lai và chọn tạo ra những giống lúa mới năng suất cao, chất lượng tốt chống chịu với các điều kiện bất thuận. Kết quả đã chọn tạo thành công một số giống lúa mới năng suất, chất lượng, kháng bệnh bạc lá, đạo ôn và rầy nâu như giống lúa nếp NV1, lúa nếp NV2 và lúa nếp NV3 các giống này có nhiều đặc điểm tốt, thời gian sinh trưởng ngắn hơn TK90, cấy được cả 2 vụ ở đồng bằng Bắc bộ, khả năng chống đổ khá, chất lượng gạo tốt, cơm thơm, mềm và dẻo lâu… Qua khảo nghiệm và trình diễn ở một số nơi như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa… diện tích gieo cấy đã lên đến vài trăm ha và đều cho năng suất cao, ổn định, chất lượng gạo tốt, kháng bệnh bạc lá, đạo ôn và rầy nâu tốt.
Hiện nay, ở một số địa phương người nông dân, đặc biệt đồng bào các dân tộc ít người vẫn còn duy trì và trồng các giống lúa đặc sản, các giống này chiếm diện tích khá lớn, do chúng có những ưu điểm mà nhiều giống lúa mới khác không thể thay thế được. Do trình độ canh tác, kỹ thuật giữ giống chưa tốt nên các giống này ngày bị thoái hóa, bị mất nhiều đặc tính tốt, chính vì vậy cần thiết phải tách lọc và phục tráng giống lại.
Trong quá trình điều tra, thu thập và đánh giá nhóm mnghiên cứu nhận thấy giống lúa Nếp Đèo đàng - Tuyên Quang, giống lúa Pude - Tuần Giáo, Điện Biên, giống lúa Ble châu và Khẩu dao - Sơn La là những giống đặc sản của địa phương nhưng đã bị lẫn tạp và thoái hóa. Chính vì vậy chúng tôi xây dựng nhiệm vụ “Khai thác và phát triển nguồn gen 4 giống lúa Đèo đàng, Pu đe, Ble châu và Khẩu dao cho các tỉnh miền núi phía Bắc” nhằm phục tráng và phát triển nguồn gen 4 giống lúa trên đem lại lợi ích kinh tế cho người nông dân.
Kết quả, sau hơn 10 năm nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học đã thu thập, lưu giữ được 1090 mẫu giống lúa địa phương Việt Nam. Đánh giá đặc điểm nông sinh học và phát hiện một số gen đặc biệt bằng chỉ thị phân tử DNA thấy rằng nguồn gen lúa vô cùng đa dạng và phong phú với nhiều đặc điểm quý khác nhau. Sử dụng nguồn gen làm vật liệu lai tạo giống đã chọn tạo thành công 03 giống lúa nếp, năng suất, chất lượng, kháng sâu bệnh. Phục tráng 4 giống lúa đặc sản Đèo đàng, Ble châu, Pu đe và Khẩu dao cho các tỉnh miền núi phía Bắc đem lại lợi ích kinh tế cho người nông dân.
Với những kết quả đã đạt được ở trên chúng tôi định hướng công tác công tác bảo tồn nguồn gen lúa đến năm 2020 như tiếp tục thu thập các giống lúa bản địa ở tất cả các địa phương, từ đó thành lập ngân hàng nguồn gen các giống lúa Việt Nam. Tiếp tục đánh giá các đặc tính nông sinh học của nguồn gen thu thập được, đặc biệt là sử dụng chỉ thị phân tử DNA đánh giá và phát hiện các gen quý từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn gen các giống lúa Việt Nam. Khai thác các đặc tính quý từ nguồn gen, phục tráng và phát triển các giống lúa bản địa, xây dựng thương hiệu giống đặc sản cho từng đem lại lợi ích cho nông dân, ông Nguyễn Văn Hùng thuộc nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Bài ảnh: H.A