Ngày 10/11/2020, Trung tâm Thông tin năng lượng nguyên tử (ICONE), trường Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST) phối hợp với Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) tổ chức Lễ hội khoa học hạt nhân trực tuyến lần đầu tiên tại Việt Nam được phát trực tiếp trên nền tảng Facebook.
Với sự tham gia của đại diện Viện Vật lý kỹ thuật, trường Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST), các nhà khoa học từ Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) cùng những chuyên gia trong các lĩnh vực có ứng dụng của khoa học hạt nhân, chuỗi các sự kiện sẽ kéo dài trong tháng 11/2020 nhằm giới thiệu và tổ chức các hoạt động hướng nghiệp tới học sinh, sinh viên về các hoạt động đào tạo và nghiên cứu về ứng dụng phi năng lượng của công nghệ hạt nhân, về phát triển năng lượng bền vững đối với sự thay đổi của môi trường và biến đổi khí hậu.
Chuỗi sự kiện bao gồm các hoạt động chính được thiết kế cho nhiều nhóm đối tượng và nhiều nhóm tuổi như sau:
Ngày 10/11, cuộc thi “Đố vui toàn cầu về Thế giới nguyên tử” – Sự kiện trực tuyến nhân “Ngày Khoa học thế giới vì hòa bình và phát triển” (ngày 10/11 thường niên). Cuộc thi được tổ chức sẽ mở màn cho toàn bộ chuỗi sự kiện. Những người đam mê khoa học trên toàn cầu sẽ cùng tham gia, giải đáp 25 câu hỏi trực tuyến và thử thách độ hiểu biết của bản thân về kiến thức khoa học hạt nhân. Cuộc thi được thực hiện trong vòng 24h từ 0h ngày 10/11 đến 23h59 ngày 10/11 trên website http://quiz.myfuture.energy/ (với 11 phiên bản ngôn ngữ).
Ngày 14/11, tọa đàm “Ứng dụng năng lượng hạt nhân trong đời sống” diễn ra nhằm cung cấp những khái niệm về năng lượng hạt nhân và những lĩnh vực mà khoa học hạt nhân có thể và đang được ứng dụng tại Việt Nam, những ứng dụng cụ thể và tiêu biểu của khoa học hạt nhân trong hai lĩnh vực nổi bật hiện nay: Nông nghiệp, y khoa và những xu hướng toàn cầu về sự phát triển của ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân trong tương lai. Diễn giả sẽ chia sẻ về lĩnh vực ứng dụng năng lượng hạt nhân trong y học và nông nghiệp gồm có PGS.TS. Trần Đình Hà, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai và TS. Trần Minh Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.
Cũng trong ngày 14/11, chương trình “Học sinh với nhà khoa học: Những câu hỏi vì sao?” sẽ được phát sóng với sự tham gia của các em học sinh đóng vai trò là những người trẻ tò mò, quan tâm tới những kiến thức khoa học, có những câu hỏi ngây thơ, thú vị cần người lớn giải đáp (Ví dụ: Vì sao mặt trăng luôn đi theo chúng ta?, Quả trứng có trước hay con gà có trước?,…). Những câu hỏi trên sẽ được các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực giải đáp một cách dễ hiểu và thông minh.
Ngày 18/11, cuộc thi “Đố vui – Khoa học muôn màu” diễn ra trên trang Facebook của ICONE sẽ là cơ hội để các bạn học sinh, sinh viên tham gia, củng cố lại những kiến thức đã được tiếp thu trên trường lớp và giành lấy cơ hội nhận được những phần thưởng hấp dẫn từ chương trình.
Ngày 21/11, tọa đàm “Những thành tựu khoa học và triển vọng nghề nghiệp ngành khoa học hạt nhân tại Việt Nam” sẽ được tổ chức. Dự kiến, nội dung tọa đàm sẽ bao hàm những câu hỏi và chủ đề như: Những thành tựu (nghiên cứu, phát minh) nổi bật trong ngành Khoa học Hạt nhân tại Việt Nam; Những ứng dụng của khoa học hạt nhân và cơ hội nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên trong lĩnh vực (y khoa, công nghiệp, công nghiệp, môi trường, v.v); Nhu cầu phát triển và yêu cầu đào tạo nhân lực có kỹ năng và kiến thức về khoa học hạt nhân; Dự báo về những nghề nghiệp phổ biến trong tương lai, Những thay đổi của các cơ quan đào tạo để đáp ứng nhu cầu của thời cuộc;… Tọa đàm với sự tham gia của các diễn giả: TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam; TS. Đặng Thanh Lương, Nguyên Phó Cục Trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.
Ngày 25/11, thí nghiệm khoa học vui – “Những thí nghiệm với điện năng” được trực tiếp cùng một bạn trẻ vô cùng thông minh, tài năng. Hà Việt Hoàng là người đã trưởng thành từ cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia và rất quen thuộc với khán giả cả nước với thành tích xuất sắc trong cuộc thi Siêu trí tuệ. Bạn trẻ này sẽ thực hiện những thí nghiệm trực quan thú vị, giúp người xem biết tới, tìm hiểu để thực hiện lại các thí nghiệm từ đó tăng sự thích thú đối với vật lý thực nghiệm.
Ngày 28/11, tọa đàm “Những điều chân thật” sẽ có sự tham gia của các bạn học sinh cùng đặt ra những câu hỏi thú vị nhằm “thử thách” hiểu biết của người lớn. Khi đó, một diễn giả với vốn hiểu biết sâu rộng và cách truyền đạt hóm hỉnh, dễ hiểu sẽ là người giải đáp cho các em.
Thông qua những hoạt động bổ ích, ý nghĩa và đa dạng trên, lễ hội mong muốn nâng cao sự quan tâm và hứng thú của học sinh, sinh viên đối với khoa học nói chung và khoa học hạt nhân nói riêng, đồng thời, tăng cường nhận thức của công chúng rằng nguyên tử – hạt nhân không chỉ phục vụ mục tiêu cung cấp năng lượng (điện năng) cho con người, mà còn được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống vì mục đích hòa bình trong nhiều lĩnh vực như y tế, nông nghiệp và công nghiệp.
Đây cũng là cơ hội rất tốt cho sinh viên Việt Nam được trao đổi văn hoá nói chung và Khoa học Hạt nhân nói riêng với Liên bang Nga, và cũng là dịp để xây dựng và vun đắp mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga.
Tin, ảnh: Bảo Chi