Công trình “Khái luận văn tự học chữ Nôm” của GS.TSKH. Nguyễn Quang Hồng là công trình đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu chữ Nôm từ góc độ của lĩnh vực văn tự học, một lĩnh vực nghiên cứu đi song song với ngôn ngữ học và cùng với ngôn ngữ học làm thành hai nội dung nòng cốt cho khoa học ngữ văn.
Công trình này vừa được Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN) đợt V.
Giá trị cao về KH&CN
Chữ Nôm Việt và các văn tự theo hình mẫu chữ Hán khác ở Việt Nam đã được nhiều học giả trong nước và thế giới quan tâm nghiên cứu từ lâu. Thế nhưng, với công trình “Khái luận văn tự học chữ Nôm”, lần đầu tiên có một chuyên luận nghiên cứu văn tự học một cách toàn diên, có hệ thống và đủ sâu sắc về chữ Nôm của người Việt.
Với công trình này, lần đầu tiên tác giả đưa ra minh chứng về khởi nguồn và thời điểm hình thành của hệ thống chữ Nôm tiếng Việt, dựa trên bối cảnh ngữ văn chung của khu vực và căn cứ vào tư liệu của sách “Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh”. Quan điểm mới của tác giả đã nhanh chóng nhận được sự đồng thuận từ các học giả khác.
Công trình “Khái luận văn tự học chữ Nôm” mang tính hàn lâm khoa học cao. Công trình này đã xác lập được một khung lý thuyết mới về nghiên cứu chữ Nôm, khắc phục được những nhược điểm của các nghiên cứu trước đây.
Bên cạnh đó, nghiên cứu về cấu trúc của chữ Nôm, tác giả đề xuất sự phân biệt cần thiết về “cấu trúc chức năng và cấu trúc hình thể”, “cấu trúc bề mặt và cấu trúc chiều sâu” trong cấu tạo và nhận diện chữ Nôm. Tác giả cung cấp được một bảng phân loại cấu trúc chữ Nôm Việt có tính bao quát và sát với tư liệu thực tế hơn những gì đã có trước. Ví như, trong công trình này có 3 tiểu loại: hội âm đẳng lập, hội ý chính phụ và chữ đơn giảm nét chưa được phản ánh trong các nghiên cứu của những người đi trước.
So sánh với chữ Hán, tác giả không chỉ nêu rõ chỗ tương đồng, mà đồng thời cũng chỉ ra những chỗ khác biệt giữa chữ Nôm và chữ Hán: Trong chữ Hán không hề có một chữ “hội âm” nào và văn tự học chữ Hán cũng chưa hề có khái niệm “hội âm”. Như vậy, chữ Nôm không chỉ mô phỏng chữ Hán mà cũng có những nét sáng tạo riêng.
GS.TSKH. Nguyễn Quang Hồng cho biết, về diễn biến của chữ Nôm qua thời gian, nhận thấy cần xác lập 2 cấp độ nghiên cứu: Một là cấp độ đơn vị - một ngữ tố nào đó của tiếng Việt có thể được ghi bằng nhiều dị thể hoặc biến thể chữ Nôm theo thời gian. Hai là cấp độ hệ thống văn tự, tỷ lệ các loại chữ có thể biến đổi qua thời gian, chẳng hạn tỷ lệ chữ ghi “âm+ý” tăng dần về sau. Ngược lại, tỷ lệ chữ “thuần âm” ngày càng giảm thiểu trong các văn bản.
Trong sách này tác giả dành hẳn một chương để trình bày về vai trò hành chức của chữ Nôm trong xã hội. Vai trò của chữ Nôm trong xã hội được tác giả xem xét trong các môi trường hành chức khác nhau với: văn hóa dân gian, tín ngưỡng và văn hóa, khoa học và giáo dục, chính trị và hành chính quốc gia, văn học và nghệ thuât, cuộc sống hiện đại.
Cuốn sách Khái luận văn tự học chữ Nôm
Đây cũng là lần đầu tiên vấn đề chữ Nôm hội nhập với khu vực và thế giới được đề cập và giới thiệu. GS.TSKH. Nguyễn Quang Hồng là người chủ chốt và trực tiếp thực hiện công việc này trong 12 năm cùng với các đồng nghiêp trong nước và quốc tế. Việc xác lập các mã Unicode cho chữ Nôm trong khuôn khổ ISO là tiền đề đưa chữ Nôm lên bàn phím máy tính, khai thông giao lưu quốc tế và kéo chữ Nôm xích gần lại với thế hệ trẻ.
Tư liệu tham khảo đặc biệt
Qua phần công phu nghiên cứu của tác giả, có thể khẳng định đây là một chuyên luận vượt hẳn nhiều công trình có trước về quy mô và dung lượng công trình, về tính hệ thống, toàn diện và sâu sắc của nó trong cách tiếp cận khoa học, cũng như trong sử dụng tư liệu phong phú và đa dạng để minh chứng và luận giải các vấn đề đặt ra.
GS.TSKH. Nguyễn Quang Hồng cho biết, do tính chất hàn lâm xác lập một khung lý thuyết mới và một loạt thao tác tiếp cận mới nên công trình được giới nghiên cứu trong và ngoài nước nhiệt liệt đón nhận, sử dụng với tần số lớn trong các chuyên khảo nghiên cứu chữ Nôm, ngữ văn Hán Nôm ở Việt Nam cũng như nước ngoài hiện nay.
Hiện nay, “Khái luận văn tự học chữ Nôm” được các trường đại học trong nước dùng làm tài liệu học tập và tham khảo cho học viên cao học và nghiên cứu sinh. Nhiều luận án thạc sĩ và tiến sĩ đặc biệt thuộc ngành Hán Nôm trích dẫn và vận dụng lý thuyết của tác giả công trình này. Thư viện nhiều trường đại học trong nước và nước ngoài như Hoa Kỳ, Úc, Nhật, Trung Quốc.v.v… có đặt mua sách “Khái luận văn tực học chữ Nôm” để phục vụ bạn đọc. Nhiều học giả trong nước và nước ngoài đã sử dụng sách trong các nghiên cứu của họ.
Cùng với những đóng góp mới về mặt khoa học trong nghiên cứu chữ Nôm Việt và cả Tày, Dao, Ngạn công trình này cũng tích cực góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa cổ truyền của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Sau khi công trình được nghiên cứu và nghiệm thu, Nhà Xuất bản Giáo dục đã tiếp nhận bản thảo và cho xuất bản trong mảng sách tham khảo đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, giảng dạy ở nhà trường Đại học, Cao đẳng và Phổ thông, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, dân trí xã hội trong thời đại mới. Cuốn sách “Khái luận văn tự học chữ Nôm” đi sâu nghiên cứu và trình bày một cách hệ thống những vấn đề cơ bản về chữ Nôm - một loại chữ viết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
Theo GS.TS. Trần Đình Sử, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, “Khái luận văn tự học chữ Nôm” của GS. Nguyễn Quang Hồng không chỉ là một chuyên luận nghiên cứu nhiều mặt về chữ Nôm, mà qua đó còn xây dựng một hệ thống thuật ngữ cùng hệ thống phương pháp tiếp cận đối tượng, tạo thành một bộ khung lý thuyết, gợi mở cho sự phát triển bộ môn văn tự học ở nước ta. Bên cạnh đó, cuốn sách chứa đựng một khối lượng tư liệu phong phú, được lựa chọn công phu, có giá trị tiêu biểu.
PGS.TS. Đinh Khắc Thuận, Viện Nghiên cứu Hán Nôm khẳng định, công trình “Khái luận văn tự học chữ Nôm” là một chuyên luận sâu sắc được tiếp cận từ góc độ cả lý luận lẫn thực tiến. Công trình đã sử dụng phương pháp đối chiếu theo nhiều chiều, nhiều nguồn tư liệu phong phú, đa dạng. Những vấn đề cần được thảo luận, tác giả công trình đã hệ thống đầy đủ, phân tích và đưa ra nhận xét của mình trên cơ sở cứ liệu và lập luận xác thực.
Cuốn sách là một thành tựu nghiên cứu có bề dày và chiều sâu, có nhiều điều mới mẻ dựa trên cơ sở tích lũy và tổng kết tri thức. Cuốn sách khép lại sau 540 trang viết nhưng ẩn hiện đây đó trong từng phần, từng chương mục là những khơi mở cho các hướng nghiên cứu tiếp theo. Cuốn sách xứng đáng trở thành “tập đại thành” trong nghiên cứu chữ Nôm hiện nay.
Bài, ảnh: Ánh Tuyết – Nguyễn Hạnh