Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 12:02 pm
Cập nhật : 29/10/2021 , 17:10(GMT +7)
Kết nối nguồn lực cho doanh nghiệp chuyển giao khoa học - công nghệ tại các tỉnh miền núi
Ông Đỗ Hoàng Phương – Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu
Khoa học và công nghệ (KH&CN) được nhận định là đòn bẩy tạo sức bật cho phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, nhất là khu vực miền núi. Điều đó đặc biệt đúng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Việc áp dụng tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ sẽ tạo ra nhiều sản phẩm mới, tăng năng suất lao động cũng như khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường… Ông Đỗ Hoàng Phương - Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) - đã có chia sẻ xoay quanh vấn đề này

Là DN đầu tiên ứng dụng KH&CN vào sản xuất tại huyện miền núi Lục Ngạn, xin ông cho biết việc ứng dụng tiến bộ KH&CN có vai trò như thế nào trong nâng cao năng suất và thực tế áp dụng tại DN?

Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu là công ty chuyên chế biến rau củ quả xuất khẩu sang Nhật Bản, Đức, Pháp, Cộng hòa Séc hay một số nước khu vực châu Âu. Toàn bộ sản phẩm của công ty thu mua từ vùng trồng của bà con được cấp mã số, chăm sóc theo quy trình GlobalGAP, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Sau đó, được sơ chế đưa vào xông hơi, khử trùng đóng gói tại dây chuyền của công ty dưới sự giám sát của chuyên gia Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Việc công ty từng bước đàm phán, đưa vải thiều nói riêng và nông sản nói chung sang những thị trường kỹ tính đã mở ra cơ hội mới cho trái vải thiều của bà con nông dân vùng miền núi tỉnh Bắc Giang, góp phần nâng sức cạnh tranh, tăng giá trị sản phẩm cho địa phương cũng như DN.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty hiện đang áp dụng công nghệ màng MAP (công nghệ đóng gói khí cải tiến), làm mát của Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, giúp cho thời gian bảo quản rau quả tươi tới 30 ngày khi xuất sang châu Âu, Nhật Bản mà vẫn không bị thay đổi các chỉ tiêu về chất lượng và giữ được màu sắc, mùi vị. Song song với đó, công nghệ chế biến sâu đông lạnh -18 độ cũng giúp cải tiến chất lượng sản phẩm tốt hơn.

Từ yêu cầu khách hàng cải tiến sản phẩm mới, chúng tôi hiện cũng đang đồng hành cùng Aeon nghiên cứu sản phẩm ngô bắp trong túi giữ được tươi ngon hơn, trong thời gian 1 năm, đảm bảo xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Để có thể tiếp cận khách hàng, chúng tôi đẩy mạnh kết nối qua phần mềm zoom, meeting, kết nối liên minh hợp tác xã, với tham tán các nước, tổ chức DN Việt Nam tại nước ngoài. Cũng từ những phần mềm này chúng tôi kết nối với Sở KH&CN Bắc Giang trực tuyến tiếp cận công nghệ chế biến vải đông lạnh của Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch.

Ngoài ta, chúng tôi cũng tận dụng phần mềm google báo cáo chỉ số sản xuất online, giúp có thể phát hiện lãng phí sớm hơn để điều chỉnh. Và hiện nay, các cánh đồng thu hoạch của chúng tôi cũng đều có máy cơ giới hóa, hướng tới cánh đồng lớn hợp tác xã.

Như ông vừa chia sẻ, rõ ràng đầu tư cho KH&CN mang lại nhiều lợi ích, nhưng thực tế kinh phí cho đầu tư không phải DN nào cũng đáp ứng được. Vậy, DN đã tính toán như thế nào cho hợp lý?

Đúng là đầu tư KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp tương đối khó, lại nhất là ở những vùng miền núi. Ví dụ chúng tôi ứng dụng dây chuyền xử lý quả vải qua công nghệ Isarel chỉ sử dụng được 1-2 tháng, 10 tháng còn lại không sử dụng được bao nhiêu, như vậy sẽ rất lãng phí. Vì vậy, công ty chúng tôi phải tính toán việc đầu tư những máy móc thiết bị có thể dùng nhiều loại, nhiều ứng dụng dùng chung.

Cùng với máy móc thì cũng có một số công đoạn DN vẫn phải áp dụng phương án thủ công. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa, việc áp dụng KH&CN không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn sử dụng hợp lý tiết kiệm nguyên vật liệu.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt tại những thị trường kỹ tính, vấn đề ứng dụng KH&CN thời gian tới tại DN thực hiện ra sao, thưa ông?

Thực tế các giải pháp đã có sẵn công nghệ, chúng ta chỉ ghép lại và tùy mức đầu tư DN triển khai dần từng bước. Về phía công ty chúng tôi, do xuất khẩu chủ yếu sang Nhật Bản hay một số nước châu Âu nên yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất nghiêm ngặt. Do vậy, để đảm bảo an toàn, chúng tôi có kết nối qua điện thoại thông minh nhật ký điện tử, cập nhật tức thời, thời điểm nào phun thuốc, thời điểm nào có thể thu hoạch… Từ đây các hộ, người trồng vải có thể nhìn thấy được để thực hiện đồng bộ phun, tránh nhiễm chéo và giảm thiểu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Bên cạnh đó, công ty còn kết hợp với Học viện Nông nghiệp nâng cao kiến thức cho người trồng, bao gồm việc cải tạo đất, nước, phân vi sinh... Đặc biệt, công ty cam kết thu mua đầu ra với người trồng rau, hoa quả giá tốt khi đạt chất lượng, để người dân yên tâm triển khai theo đúng hướng dẫn của công ty.

Chuyển giao công nghệ đến các địa phương miền núi rất cần sự liên kết giữa ba nhà: Nhà nước, DN, nông dân. Trong đó, DN đóng vai trò quan trọng, vừa có khả năng đầu tư cho dự án vừa là đối tượng thụ hưởng và nhân rộng sản phẩm. Theo ông, Nhà nước cần có chính sách như thế nào để khuyến khích DN?

Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các DN Việt. Nếu DN nào biết tận dụng cơ hội, mạnh dạn đầu tư công nghệ để phục vụ sản xuất thì DN đó sẽ trụ vững. Ngược lại, DN e dè, ngại đầu tư hoặc thờ ơ, không chấp nhận thực tế làn sóng chuyển đổi số đang tác động trực tiếp đến mình thì rất khó tồn tại. Tuy nhiên, để khuyến khích DN thúc đẩy hoạt động KH&CN, nhằm hiện thực hóa yêu cầu cao về vai trò của KH&CN trong giai đoạn mới thì trước hết Nhà nước cần “làm mới” mình và có chính sách mời gọi mọi người đến làm; có chính sách hỗ trợ DN vay vốn ưu đãi để đầu tư máy móc hiện đại theo kịp xu hướng của thế giới. Bên cạnh đó, cần có sự kết nối Nhà nước, nhà khoa học đồng hành cùng nông dân. DN phải đi cùng bao tiêu đầu ra cho nông dân từ trên mỗi cánh đồng.

Trong quá trình đàm phán chuyển giao công nghệ, Nhà nước cũng nên có các hoạt động hỗ trợ DN như tư vấn công nghệ, các vấn đề pháp lý, kết nối nguồn lực tài chính cho DN, đặc biệt tại những DN chuyển giao KH&CN đến các tỉnh miền núi. Vì thực tế, nguồn nhân lực của các DN này hiện không chỉ thiếu mà còn yếu, chưa đáp ứng được việc tiếp nhận những công nghệ mới, hiện đại.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn tin: Báo Công Thương

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner