Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Chủ nhật, 24/11/2024 , 01:36 pm
Cập nhật : 10/04/2019 , 20:04(GMT +7)
Kết nối hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi Lễ ra mắt
Với sự trợ giúp, hợp tác của Tập đoàn Ericsson và Chính phủ Thụy Điển, Trung tâm Đổi mới sáng tạo về internet vạn vật (IoT Innovation Hub) khi đi vào hoạt động sẽ trở thành điểm kết nối và cung cấp các nền tảng sáng tạo hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo môi trường để hỗ trợ các bạn trẻ có tinh thần “học điều mới lạ”, “đam mê chiến thắng”, học tập, nắm bắt xu hướng mới nhất về IoT để “vượt qua thử thách” triển khai các ý tưởng nghiên cứu, góp phần phát huy tiềm năng của thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh cho biết như trên tại Lễ ra mắt Trung tâm Đổi mới Sáng tạo về Internet vạn vật (IoT Innovation Hub) diễn ra sáng nay 10/4 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội do Bộ Khoa học và Công nghệ và Công ty Ericsson (Thụy Điển) tổ chức. 

Trung tâm Đổi mới Sáng tạo về internet vạn vật chính thức đi vào hoạt động

Trung tâm Đổi mới Sáng Tạo về Internet vạn vật được thành lập dựa trên Biên bản ghi nhớ được ký kết ngày 28/11/2018 giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Công ty Ericsson với ba mục tiêu chính, đó là, hỗ trợ nền tảng sáng tạo cho hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; là nền tảng hỗ trợ học tập và giáo dục; và là nền tảng hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D) tập trung đẩy nhanh tiến độ của Việt Nam về Internet vạn vật trong Cách Mạng Công Nghiệp 4.0. Sự hợp tác này cũng đánh dấu 50 năm quan hệ song phương giữa Thụy Điển và Việt Nam.

Với mục tiêu hướng đến các nhà mạng di động, doanh nghiệp, sinh viên, các nhà nghiên cứu, những doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước, Trung tâm Đổi mới Sáng Tạo về Internet vạn vật sẽ tạo động lực và cho phép người dùng cùng sáng tạo, phát triển và thử nghiệm các ứng dụng IoT cũng như hỗ trợ các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp trong việc thương mại hoá các sản phẩm. Trung tâm sẽ là nền tảng để đẩy nhanh việc áp dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam, giúp nhận diện tiềm năng kinh tế xã hội to lớn thông qua các lợi ích mang tính bền vững của việc số hoá và chuyển đổi các ngành công nghiệp.

Ngài Denis Brunetti, Tổng Giám đốc Công ty Ericsson tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào phát biểu tại buổi Lễ

Trung tâm Đổi mới Sáng tạo về Internet vạn vật được đặt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, khu công nghệ cao đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam. Theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Khu Công nghệ cao có thể trở thành hình mẫu kinh tế thu nhỏ của Việt Nam, phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, việc ra mắt Trung tâm sẽ là một trong những kênh quan trọng, minh chứng rõ nét hơn nữa mục tiêu phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, không chỉ là tập trung thu hút đầu tư các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, mà còn là phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ tại phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung thông qua các hoạt động hỗ trợ ươm tạo, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đây cũng sẽ là nơi kết nối rất tốt giữa các trường đại học, trung tâm nghiên cứu phát triển, các dự án sản xuất công nghệ cao của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, của các tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, FPT, Vingroup, VKIST, Nissan Techno, NIDEC, Hanwha hiện đang và sẽ hoạt động tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Phát biểu tại Lễ ra mắt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, IoT là một trong các công nghệ nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. IoT có khả năng biến thế giới vật chất vô tri cất tiếng nói, giao tiếp với nhau và giao tiếp với con người; góp phần quan trọng xây dựng xã hội sáng tạo hơn. Việc phát triển, làm chủ được công nghệ IoT và khai thác hiệu quả các ứng dụng của IoT sẽ tạo ra cơ hội cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vượt lên trước trong một số ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.

“Với sự trợ giúp, hợp tác của Tập đoàn Ericsson và Chính phủ Thụy Điển, Trung tâm Đổi mới Sáng Tạo về Internet vạn vật khi đi vào hoạt động sẽ trở thành điểm kết nối và cung cấp các nền tảng sáng tạo hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo môi trường để hỗ trợ các bạn trẻ có tinh thần “học điều mới lạ”, “đam mê chiến thắng”, học tập, nắm bắt xu hướng mới nhất về IoT để “vượt qua thử thách” triển khai các ý tưởng nghiên cứu, góp phần phát huy tiềm năng của thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp này”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Ngài Pereric Hogberg, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ

Nhân dịp này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã trân trọng cảm ơn sự ủng hộ đặc biệt của Ngài Đại sứ Vương quốc Thụy điển, sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ của Công ty Ericsson trong việc thiết lập và đưa vào vận hành Trung tâm Đổi mới Sáng Tạo về Internet vạn vật. Đây là kết quả hợp tác quan trọng, góp phần thúc đẩy sự hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia trong việc xây dựng nền tảng ban đầu cho hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam, đồng thời là sự kiện có ý nghĩa quan trọng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Điển.

Mở rộng nền tảng kiến thức về IoT và công nghệ

Ông Denis Brunetti, Tổng Giám đốc Công ty Ericsson tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào đã đánh giá “Ericsson rất vinh dự được hợp tác với Bộ Khoa Học và Công Nghệ trong việc thiết lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo về Internet vạn vật tại Việt Nam, phù hợp với tầm nhìn của Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cánh mạng Công nghiệp 4.0, nhằm thúc đẩy làn sóng tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế xã hội mới của Việt Nam. Trung Tâm Đổi mới Sáng tạo về Internet vạn vật được thành lập sẽ khuyến khích sự tham gia của hệ sinh thái hợp tác giữa chính phủ, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu hướng đến “Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố vào ngày 19 tháng 8 năm 2018 tại Hà Nội.

“Tôi tin tưởng rằng Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật sẽ mở rộng nền tảng kiến thức về IoT và công nghệ trong Cách mạng Công nghiệp 4.0, đồng thời là trung tâm đào tạo và giáo dục cho các học viên, các hệ sinh thái khởi nghiệp, các lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam”, ông Denis Brunetti bày tỏ.

Phát biểu tại buổi Lễ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg cho hay, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển bền chặt và xuất phát từ 50 năm qua. Có thể nói rằng Thụy Điển là một quốc gia nhỏ nhưng nổi tiếng về sáng tạo. Thụy Điển đầu tư nhiều vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đối với Thụy Điển, Việt Nam có một vị trí chiến lược rất quan trọng, giữa hai Bên có mối quan hệ hợp tác lâu dài, bền chặt.

“Ericsson là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Thụy Điển. Ericsson có mặt ngay từ thời kỳ đầu đổi mới tại Việt Nam. Sự kiện ra mắt Trung tâm Đổi mới Sáng tạo về Internet vạn vật là một minh chứng về mối quan hệ hợp tác đó”, Đại sứ Pereric Hogberg cho hay.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Ngài Pereric Hogberg, Ngài Denis Brunetti và Phó trưởng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc Nguyễn Trung Quỳnh cắt băng lễ khai trương Trung tâm

Nhân dịp này Đại sứ Pereric Hogberg chúc Công ty Ericsson, Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan Chính phủ Việt Nam tiếp tục đổi mới sáng tạo, tiếp tục thành công hơn nữa trong phát triển kinh tế xã hội.

Tại Lễ ra mắt, thay mặt Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, ông Nguyễn Trung Quỳnh – Phó Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã báo cáo dự kiến về hoạt động của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Internet vạn vật. Ông  Nguyễn Trung Quỳnh cho biết, với sự hợp tác hỗ trợ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Công ty Ericsson, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo về Internet vạn vật sẽ cố gắng phấn đấu đây trở thành địa chỉ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có uy tín, nơi cung cấp các nền tảng công nghệ mới nhất, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo học tập, đào tạo, nghiên cứu để phát triển IoT tại Việt Nam…

Về hạ tầng đây là một Trung tâm mở nên các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp có thể đến Trung tâm để sử dụng, thử nghiệm trên các nền tảng công nghệ mới nhất, từ đó nảy sinh ra những ý tưởng và những công nghệ, sản phẩm mới phục vụ cho phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam, đóng góp thiết thực cho công cuộc phát triển KH&CN và góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Ông Nguyễn Trung Quỳnh cũng đã đề cập đến các hoạt động của Trung tâm trong thời gian tới như đào tạo, hội thảo chuyên đề và đặc biệt là cuộc thi “IoT Innovation Challenge”. Cuộc thi sẽ là một trong những hoạt động quan trọng của Trung tâm trong năm 2019. Cuộc thi khuyến khích các ý tưởng sáng tạo trong sinh viên, các nhà nghiên cứu và khởi nghiệp để phát triển các ứng dụng IoT thực tế và ứng dụng chúng để đẩy nhanh quá trình số hoá và chuyển đổi các ngành nghề tại Việt Nam. Các ý tưởng đổi mới được chọn sẽ được ươm tại Trung tâm nhằm hỗ trợ phát triển các sản phẩm sẵn sàng cho thương mại hoá, các sản phẩm này cũng sẽ được giới thiệu tại Techfest Vietnam vào tháng 11 năm 2019.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Ngài Pereric Hogberg, Ngài Denis Brunetti tham quan một số gian hàng Demo

Trong khuôn khổ Lễ ra mắt, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc - Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký chương trình hợp tác hỗ trợ hoạt động phát triển Trung tâm Đổi ới Sáng tạo về Internet vạn vật với Công ty VNPT Technology, Viettel, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện công nghệ thông tin - Đại học Bách khoa Hà Nội nhằm tăng cường và thúc đẩy các hoạt động của Trung tâm.

Bài, ảnh: Nhóm PV


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner