Công nghệ hiện hữu trên mọi mặt của đời sống xã hội, và ngày càng khẳng định giá trị mang lại cho cuộc sống của con người. Từ sản xuất nông nghiệp đến công nghiệp, thương mại, dịch vụ, cải cách hành chính, bảo vệ môi trường, phòng chống lụt bão... đều rất cần những công nghệ tiến bộ được áp dụng, nhằm nâng cao năng suất, chất lương, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu sức lao động của con người và đóng góp vào sự phát triển đất nước.
Môi trường pháp lý đảm bảo phát triển thị trường công nghệ
Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm và tạo lập môi trường pháp lý đảm bảo cho thị trường KH&CN vận hành hiệu quả thông qua hệ thống pháp luật về thị trường công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng. Đồng thời thúc đẩy cung – cầu công nghệ và các định chế trung gian, đặc biệt là quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp trong đầu tư đổi mới và chuyển giao công nghệ. Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020, trong đó nêu rõ: “Phát triển thị trường khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ”.
Vấn đề phát triển thị trường KH&CN cũng đã được Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI thông qua tại Nghị quyết số 20-NQ/TW và Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 46/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW trong đó nêu rõ nhiệm vụ chủ yếu phát triển thị trường KH&CN là: “Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020; Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ, chuyên gia công nghệ, kết nối cung - cầu sản phẩm khoa học và công nghệ mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp, trao đổi, giao dịch thông tin về khoa học và công nghệ”.
Triển khai thực hiện những chủ trương, định hướng và nội dung nhiệm vụ nêu trên, Bộ KH&CN với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN, bên cạnh việc xây dựng cơ chế chính sách về phát triển thị trường KH&CN, đã tổ chức và chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ thông qua các Diễn đàn, Hội nghị, Hội thảo, Triển lãm, Chợ Công nghệ và Thiết bị (Techmart), Techmart ảo và các buổi trao đổi, gặp gỡ trực tiếp giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài,... nhằm thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ.
Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về ứng dụng và phát triển công nghệ, bên cạnh việc xây dựng cơ chế chính sách nhằm quản lý, hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ còn có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các biện pháp phát triển thị trường công nghệ; đẩy mạnh hoạt động công bố, trình diễn, quảng bá công nghệ; giới thiệu và phổ biến kết quả nghiên cứu, các tiến bộ khoa học kỹ thuật; tổ chức khảo sát, điều tra, đánh giá hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và nhu cầu công nghệ của tổ chức, cá nhân xây dựng hệ thống dữ liệu về công nghệ, danh mục công nghệ được tạo ra ở trong nước và công nghệ nhập khẩu.
Phát triển TTCN cần thúc đẩy liên kết giữa nhà nước – doanh nghiệp – nhà khoa học
Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu
Trong những năm vừa qua, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã đạt được những kết quả và hiệu quả, tác động tích cực trong việc hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ ở địa phương. Điển hình là hoạt động giới thiệu những công nghệ tiên tiến của nước ngoài, những hoạt động ứng dụng, đổi mới, kết nối cung – cầu công nghệ và chuyển giao công nghệ,... Qua các sự kiện do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ tổ chức như: Diễn đàn kết nối cung - cầu công nghệ; Hội thảo Giám đốc các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN địa phương; Hội thảo giải pháp KH&CN với thị trường; Hội thảo quốc tế về hỗ trợ kết nối tiếp nhận công nghệ, chuyển giao công nghệ... cho các doanh nghiệp trong nước đã gắn kết nối nguồn cung và cầu công nghệ, đổi mới và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.
Sự kiện kết nối cung – cầu công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra từ ngày 25-28/11 là lần thứ 4 hoạt động trình diễn và kết nối cung cầu công nghệ được tổ chức. Trước đó, vào năm 2011, tại TP. Hồ Chí Minh Hoạt động trình diễn và kết nối cung cầu công nghệ lần thứ nhất đã được tổ chức cho vùng Đông Nam Bộ; năm 2012 Hoạt động trình diễn và kết nối cung cầu công nghệ lần thứ 2 được tổ chức tại Hà Tĩnh cho vùng Bắc Trung Bộ và năm 2013 hoạt động được tổ chức tại Thái Bình cho vùng Đồng bằng sông Hồng.
Thông tin từ Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, qua 3 vùng khảo sát đã xác định được gần 200 nhu cầu công nghệ và trên 300 nguồn cung công nghệ của 36 địa phương 45 Viện nghiên cứu và Trường đại học trong nước, 28 Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN địa phương, 80 doanh nghiệp trong nước và trên 20 tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, thuộc các lĩnh vực: Công nghệ sinh học; cơ khí chế tạo; Công nghệ nuôi cấy mô; Công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; Công nghệ vi sinh vật bảo vệ cây trồng; Công nghệ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch; Công nghệ sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi; Công nghệ xử lý môi trường vùng nông thôn, phòng chống bão lụt; Công nghệ vật liệu mới; công nghệ tiết kiệm và tái tạo năng lượng...
Đã có hơn 250 loại công nghệ, quy trình, kết quả nghiên cứu và sản phẩm được lựa chọn trưng bày, giới thiệu, trình diễn tại 3 vùng. Qua các lần tổ chức hoạt động kết nối cung - cầu đã đạt được những kết quả hết sức ấn tượng, với 38 hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết, tổng giá trị trên 500 tỉ đồng, và đã được ứng dụng hiệu quả trong đời sống xã hội, mang lại những lợi ích vô cùng to lớn.
Với hoạt động trình diễn kết nối cung – cầu công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm mục đích kết nối cung – cầu công nghệ giữa các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ; đặt hàng nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ theo nhu cầu của các địa phương; xúc tiến, quảng bá kết quả nghiên cứu, ý tưởng có khả năng ứng dụng, thương mại hóa cao cho các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Để thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, cần phải có thêm những nỗ lực để thúc đẩy liên kết giữa nhà nước - doanh nghiệp - nhà khoa học. Cùng với đó là đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng ở các địa phương, gắn hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; có chính sách hỗ trợ trong việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực; tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển công nghệ…
Chia sẻ về vấn đề thúc đẩy chuyển giao, kết nối cung cầu công nghệ, ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho rằng, vấn đề đầu tư và đổi mới công nghệ là vai trò sống còn của doanh nghiệp. Trước tiên, doanh nghiệp phải thấy được đầu tư đổi mới công nghệ là vấn đề cấp thiết của mình và có sự đầu tư để đổi mới. Sự đầu tư của nhà nước cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ là cú huých và động lực thêm để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong công đoạn doanh nghiệp gặp khó khăn và vướng mắc. Về sau vấn đề đầu tư đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp có sự đầu tư của nhà nước sẽ phát huy được hiệu quả cao.
Bài, ảnh: Phương Nga