Sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (Techconnect and Innovation Viet Nam 2023) là sự kiện thường niên với nhiều hoạt động chuyên đề về công nghệ, tập trung trong các lĩnh vực đang được xã hội quan tâm và đã thu hút được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước…
Đẩy mạnh kết nối cung - cầu công nghệ
Sự kiện được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì tổ chức từ năm 2011 với tên gọi ban đầu là hoạt động Kết nối cung - cầu công nghệ (Techdemo). Từ năm 2020 đến nay hoạt động được triển khai với tên gọi Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Techconnect and Innovation). Đây là dịp để các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế trình diễn, giới thiệu các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến được chuyển giao, làm chủ. Đồng thời là diễn đàn để trao đổi, thảo luận về việc hoàn thiện và thực thi hiệu quả các giải pháp chính sách mới về kết nối cung - cầu công nghệ, góp phần thúc đẩy hoạt động ứng dụng, đổi mới, chuyển giao và phát triển thị trường KH&CN.
Techconnect and Innovation Viet Nam hướng tới tăng cường kết nối, thúc đẩy hình thành và phát triển mạng lưới liên kết giữa các thành tố trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Trải qua các kỳ tổ chức, sự kiện được xây dựng và triển khai phù hợp với điều kiện của Việt Nam dựa trên mô hình tổ chức hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Sự kiện gồm 3 hoạt động chính: Trình diễn và kết nối cung cầu công nghệ tại các vùng nhằm tổng kết, đánh giá kết quả chuỗi các hoạt động trong 1 năm thực hiện, đánh giá và lựa chọn công nghệ, tìm kiếm công nghệ, tìm kiếm các đối tác, cung cấp thông tin và giới thiệu công nghệ, trình diễn các kết quả nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa để thúc đẩy hợp tác, chuyển giao giữa viện, trường, doanh nghiệp trong và ngoài nước;
Tư vấn về kỹ thuật, công nghệ, sở hữu trí tuệ, chính sách, các chương trình hỗ trợ, kênh hỗ trợ tài chính cho các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu; đồng thời hỗ trợ tổ chức các buổi kết nối cung cầu công nghệ cho doanh nghiệp tại các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước;
Tổ chức các hội thảo chuyên đề giới thiệu công nghệ mới, công nghệ theo nhu cầu của doanh nghiệp, địa phương.
Thông tin từ Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, qua 11 năm triển khai thực hiện, hoạt động đã tiếp nhận mỗi năm khoảng 400 nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp, tìm kiếm và cung cấp thông tin khoảng hơn 2.000 nguồn cung công nghệ trong và ngoài nước, gần 400 hồ sơ chuyên gia công nghệ theo nhu cầu doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân; lựa chọn trình diễn và giới thiệu khoảng 3.000 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm của trên 1.000 các viện, trường, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tổ chức KH&CN các tỉnh/thành phố, các nhà sáng chế không chuyên tại sự kiện. Thông qua sự kiện đã hỗ trợ kết nối ký kết biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp. Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm đã thực hiện tư vấn kỹ thuật cho khoảng 50 doanh nghiệp, tư vấn chuyên sâu cho 20 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để triển khai Luật Chuyển giao công nghệ, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và phát triển mạng lưới Điểm kết nối cung cầu công nghệ. Đến nay mạng lưới bao gồm 13 Điểm phân bố trên 5 vùng, tại 12 tỉnh/thành phố, đây là các tổ chức trung gian góp phần tích cực, hiệu quả phát triển thị trường KH&CN ở nước ta.
Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tác động đa chiều của toàn cầu hóa, tự do hoá thương mại, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thế giới sẽ mang lại cơ hội đồng thời là thách thức rất lớn cho mỗi quốc gia trong chặng đường phát triển. Việt Nam đang triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phát triển đất nước nhanh và bền vững, thực hiện các mục tiêu chiến lược về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tất yếu phải lựa chọn con đường phát triển dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu KH&CN hiện đại, lành mạnh hóa thị trường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, từ đó góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp.
Tiếp nối các kỳ tổ chức Techconnect and Innovation Viet Nam, năm 2023 Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức sự kiện với chủ đề “Đổi mới sáng tạo - Phát triển bền vững”.
Sự kiện dự kiến sẽ quy tụ khoảng 10.000 người đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong toàn quốc; đại diện các tổ chức, tập đoàn, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế; đại diện các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; các tổ chức, cá nhân quan tâm tham gia.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo như: Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030, Đề án thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới đại diện KH&CN tại một số quốc gia phát triển... Đồng thời thúc đẩy thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong nền kinh tế như: Đề án những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… Đây là những chính sách quan trọng trong tiến trình chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ dựa vào tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, doanh nghiệp được xác định là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, là nơi có khả năng ứng dụng nhanh nhất các kết quả của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào thực tiễn mang lại giá trị gia tăng và đóng góp vào thúc đẩy tăng trưởng.
Sự kiện là dịp để các nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế thảo luận, chia sẻ, chung tay thúc đẩy và kết nối đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Techconnect and Innovation Viet Nam 2023 sẽ mang đến cơ hội kết nối, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp. Tại đây, các doanh nghiệp sẽ giới thiệu công nghệ mới, sản phẩm mới và kết nối cung - cầu công nghệ theo nhu cầu của địa phương, vùng kinh tế với các đối tác trong nước và nước ngoài phục vụ ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ tại Việt Nam.
Bên cạnh các hoạt động trình diễn, kết nối, các doanh nghiệp, chuyên gia, viện trường cùng thảo luận các vấn đề nổi bật khác thông qua: Diễn đàn công nghệ và Năng lượng năm 2023; Tiêu điểm công nghệ - Xu hướng công nghệ mới (Công nghệ vật liệu mới và Công nghệ năng lượng xanh, Công nghệ phục vụ sức khỏe và công nghệ công nghiệp 4.0); Diễn đàn Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững.
Trong không gian diễn ra sự kiện có khoảng 150 gian hàng với các khu trình diễn, giới thiệu công nghệ được chia ra các khu gồm: doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp KH&CN; doanh nghiệp đổi mới công nghệ tiêu biểu của Việt Nam; viện, trường, tổ chức trung gian của thị trường KH&CN và các địa phương; doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh; công nghệ nước ngoài có nhu cầu chuyển giao và giới thiệu công nghệ mới tại Việt Nam; tư vấn, kết nối cung cầu công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tại sự kiện, các tổ chức và doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ, các chương trình KH&CN, kết nối tài chính - công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo giúp phát triển chuỗi giá trị sản phẩm…
Bải, ảnh: Hà Chi