Thứ Trưởng Bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh khẳng định tại buổi Giao lưu trực tuyến về chủ đề “KH&CN - Động lực, nền tảng phát triển đất nước” với Báo Đại biểu nhân dân ngày 7/11, tại Hà Nội
Nhiều thành tựu trong lĩnh vực KH&CN
Thứ trưởng cho biết, từ khi có Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII (năm 1996), đặc biệt là trong khoảng 10 năm trở lại đây, công tác quản lý KHCN đã có những đổi mới sâu rộng và đã đạt các kết quả tích cực. Hệ thống pháp luật về KHCN đã cơ bản hoàn thiện với 8 đạo luật chuyên ngành điều chỉnh thống nhất, đồng bộ, toàn diện các hoạt động KHCN tạo thuận lợi cho các chủ thể (nhà khoa học, doanh nhân, người quản lý) tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo.
Công tác quản lý khoa học và công nghệ đã đổi mới từ cách nghĩ đến cách làm để hòa nhập với sự đổi mới chung về KT-XH, chú trọng hơn tính hiệu quả, đặc biệt là đã tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để hướng KHCN phục vụ doanh nghiệp; thúc đẩy các tổ chức KHCN hoạt động theo cơ chế tự chủ, phát triển doanh nghiệp khoa học và thị trường công nghệ.....
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đầu tư cho KHCN được đảm bảo, tiềm lực KHCN được tăng cường; nhiều cơ chế chính sách mới phù hợp tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học trong nước nghiên cứu, sáng tạo. Chính vì vậy các lĩnh vực KHCN, gồm cả khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ đều có được nhiều đóng góp đáng trân trọng.
Khoa học kỹ thuật và công nghệ đã có đóng góp tích cực thúc đẩy ứng dụng và đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực KT-XH, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện tốc độ tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; trong một số lĩnh vực đã tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực, như trồng lúa, nuôi trồng thuỷ sản, viễn thông, thiết kế và thi công nhà máy thuỷ điện...
Có thể kể tới một số kết quả điển hình như lĩnh vực công nghiệp đã làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống cơ khí thủy công cho nhà máy thủy điện công suất lớn, giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam; lĩnh vực nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản ứng dụng các kết quả nghiên cứu và tiến bộ KHCN đã đóng góp 30% giá trị gia tăng trong nông nghiệp gia tăng giá trị xuất khẩu trong lĩnh vực này lên mức gần 20 tỷ USD/năm, đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, cao su, điều...
Lĩnh vực y - dược đã thành công trong lĩnh vực ghép tạng, nghiên cứu và bước đầu ứng dụng tế bào gốc; lĩnh vực giao thông - xây dựng đã làm chủ các công nghệ tiên tiến trong thiết kế, chế tạo, giám sát, thi công, xây lắp các công trình giao thông, xây dựng có quy mô và trình độ công nghệ ngang tầm các nước trong khu vực như công nghệ thi công cầu treo, cầu dây văng nhịp lớn, công nghệ công nghệ đúc hẫng cân bằng thi công cầu bê tông dự ứng lực khẩu độ lớn, ...; lĩnh vực công nghệ cao đã có nhiều nhà khoa học trẻ thành công với việc làm chủ được công nghệ và tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt NamNguyễn Đăng Vang cũng khẳng định, trong 10 năm gần đây thông qua việc áp dụng công nghệ cao trong công tác chọn giống chúng ta có giống cà phê 4-6 tấn/ha với chất lượng cao; với lúa gạo việc đưa ra gần 70 giống, trong đó có giống 6-8 tấn/ha. Đưa nước ta trở thành nước xuất khẩu thứ nhất, thứ hai thế giới. Trên thế giới chưa từng có nuôi cá tra 500-600 tấn cá/ha, trung bình trong đại trà 6000 ha là 250 tấn/ha, doanh thu 6 tỷ đồng/ha. Trong chăn nuôi chúng ta lai tạo giống lợn có tỷ lệ nạc cao 58-62%, bò sữa trên 7 tấn sữa/chu kỳ, gà trên 280 trứng/năm đã trở nên đại trà trong sản xuất.
Việt Nam đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xếp hạng Đổi mới công nghệ toàn cầu thứ 51/125 nước (2011), 76/141 nước (2012), xếp thứ 4 trong các nước ASEAN. Nếu lấy doanh thu xuất khẩu để đánh giá khả năng cạnh tranh hàng hóa của quốc gia trên thế giới, xuất khẩu hàng hóa ra thế giới năm nay của Việt Nam ước 1.250 USD/người, tương đương bình quân/người Trung Quốc xuất khẩu trong năm 2011.
Khoa học kỹ thuật và công nghệ đã có đóng góp tích cực thúc đẩy ứng dụng và đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực KT-XH (Ảnh: M.Hà)
Tuy đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào nhưng theo Thứ trưởng Chu Ngọc Anh, chúng ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chỉ còn 8 năm để hoàn thành mục tiêu đưa đất nước cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 như Đại hội Đảng XI đã đề ra. Nếu trình độ KHCN của Việt Nam tiếp tục lạc hậu, nếu việc ứng dụng sáng tạo thành tựu KHCN chưa trở thành yếu tố tăng trưởng và tăng năng suất quan trọng nhất thì mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 sẽ khó thực hiện được. Vì vậy, trong giai đoạn nước rút này, cần tập trung mọi nguồn lực để phát huy và phát triển KHCN thành động lực quan trọng nhất trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ môi trường.
Tháo gỡ “nút thắt” về cơ chế chính sách
Cũng theo Thứ trưởng, mặc dù cơ chế chính sách hệ thống pháp luật về KHCN tương đối đầy đủ và đồng bộ, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng về phát triển KHCN đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo cơ sở và tiền đề cho những đổi mới và cải cách về quản lý, tổ chức và hoạt động KHCN theo định hướng thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, đáp ứng các đòi hỏi của nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi và yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận chúng ta còn thiếu một số cơ chế, chính sách quan trọng như chính sách sách sử dụng cán bộ KHCN và trọng dụng người tài; chính sách nhập khẩu công nghệ; cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KHCN.... Bên cạnh đó, một số chính sách đã có nhưng chưa thực hiện được đến nơi đến chốn nên chưa phát huy được hiệu quả như: công tác xây dựng và triển khai thực hiện nhiệm vụ KHCN; cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; huy động nguồn đầu tư từ xã hội cho hoạt động KHCN, hỗ trợ doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động KHCN,...
Phó chủ nhiệm Ủ ban Môi trường và Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cũng thừa nhận, hiện nay, khoa học công nghệ vẫn được coi là một hoạt động hành chính sự nghiệp, vì vậy cơ chế tài chính và ngân sách cho khoa học công nghệ chịu sự chi phối của cơ chế hành chính sự nghiệp nói chung. Ngân sách cho khoa học công nghệ được cấp theo niên độ tài chính và việc phân bổ mang tính bình quân, trải đều cho các cấp thụ hưởng ngân sách. Chính vì vậy, mặc dù tỷ trọng của chi ngân sách cho khoa học công nghệ luôn được bảo đảm theo quy định, nhưng lại không thể tập trung để giải quyết các nhiệm vụ khoa học công nghệ thiết yếu. Không ít trường hợp, kinh phí hoạt động khoa học được giành cho các hoạt động nghiệp vụ thuộc chức năng của các đơn vị hành chính sự nghiệp.
Bên cạnh đó, tư duy hành chính cũng ảnh hưởng đến hoạt động khoa học công nghệ ở cấp doanh nghiệp.Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được vai trò của nghiên cứu phát triển trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Các cơ quan quản lý còn muốn can thiệp sâu vào hoạt động khoa học của doanh nghiệp. Chính điều này đã hạn chế việc huy động các nguồn lực tài chính của xã hội, trước hết của doanh nghiệp cho phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.
Vì vậy, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nguyễn Đăng Vang cho rằng cần làm thế nào để tạo sự đồng thuận giữa các bộ, ngành liên quan thì kinh phí dành cho KHCN phải được hiểu là kinh phí sự nghiệp. Bởi cách chi tiêu này hiện nay như là kinh phí hành chính cho nên cần phải được đổi mới về quy định chi tiêu của KHCN. Cho nên đầu tiên phải thay đổi quy định chi tiêu cho khoa học theo hướng không phải như cách chi tiêu hành chính hiện nay. Thứ hai là, nên giao cho Bộ KH&CN được quyền cân đối, đề xuất, kế hoạch chi tiêu phù hợp với các nhiệm vụ khoa học và quy định hiện hành.
Nhưng để giải quyết được tất cả tổng thể các nội dung trên, Thứ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, Bộ KH&CN và Bộ Tài chính đang phối hợp cùng các bộ, ngành nghiên cứu thống nhất, đổi mới cơ chế tài chính cho phù hợp với đặc thù hoạt động KHCN. Đồng thời, tăng cường huy động đầu tư hiệu quả từ xã hội thông qua hai kênh: chủ động tìm kiếm đối tác quốc tế để giải quyết những vấn đề quan trọng của nền kinh tế, thông qua đó huy động được công nghệ tiên tiến tăng cường hạ tầng, tiềm lực năng lực nghiên cứu trong nước cũng như nguồn lực cho các hoạt động nghiên cứu sáng tạo. Và huy động đầu tư trực tiếp từ các doanh nghiệp với tư cách là trung tâm của hoạt động đổi mới, là nguồn cầu quan trọng nhất của việc phát triển thị trường công nghệ.
Để hoàn thành sứ mệnh trọng đại đó, với trách nhiệm là cơ quan được Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ chăm lo phát triển KHCN, Bộ KH&CN sẽ nỗ lực thực hiện các định hướng đổi mới, nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 6 đã đề ra. Hy vọng hoạt động sáng tạo, ứng dụng, đổi mới công nghệ sẽ được triển khai thực hiện trong từng gia đình, nhà trường; từng tổ chức, doanh nghiệp để tạo thành sức mạnh tổng thể; đưa KHCN phục vụ phát triển đất nước và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mỗi người dân Việt Nam, thứ trưởng chia sẻ.
Q.Hoa