Chiều 23/12, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động KH&CN ngành công thương giai đoạn 2011 – 2015.
Trong giai đoạn 2011 – 2015 các viện nghiên cứu của Bộ đã được Nhà nước đầu tư thực hiện 12 dự án đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực nghiên cứu với tổng kinh phí đầu tư khoảng 624 tỷ đồng. Các dự án sau khi kết thúc đầu tư, đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu KH&CN của Viện. Ngoài đầu tư từ nguồn NSNN, một số viện nghiên cứu trực thuộc các Tập đoàn/Tổng công ty cũng đã được quan tâm đầu tư nâng cao tiềm lực KH&CN nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động nghiên cứu KH&CN phục vụ sự phát triển của ngành; một số viện nghiên cứu đã tích cực thu hút, tìm kiếm và nhận được tài trợ của nước ngoài cho đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu KH&CN.
Ngoài việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ và cấp nhà nước, Bộ Công thương được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì một số chương trình, đề án cấp Quốc gia như: Chương trình KH&CN phát triển công nghiệp hóa dược, Đề án phát triển nhiên liệu sinh học, Đề án ứng dụng CNSH trong công nghiệp chế biến, Đề án đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng, Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường…
Bên cạnh đó, hoạt động KH&CN của Ngành đã chú trọng phối hợp giữa các cơ quan nghiên cứu KH&CN với các lực lượng KH&CN của các doanh nghiệp để giải quyết đòi hỏi thực tế, đáp ứng yêu cầu của sản xuất trong cơ chế thị trường, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập ngoại, đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, chế tạo các thiết bị, sản phẩm phục vụ nhu cầu của xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển ngành Công thương.
Nhiều công trình nghiên cứu KH&CN đã được áp dụng thành công vào các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh của ngành, góp phần đáp ứng nhu cầu trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong chế tạo thiết bị, giảm nhập siêu, nâng cao năng suất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế của ngành. Nhiều công trình nghiên cứu KH&CN của các đơn vị trong Bộ Công Thương đã được trao Giải thưởng sáng tạo KH&CN Việt Nam Vifotec.
Đặc biệt, Bộ Công thương đã chủ động tìm kiếm thị trường, thực hiện nhiều hợp đồng nghiên cứu, dịch vụ tư vấn KH&CN, chuyển giao công nghệ để hiện thực hóa quan điểm KH&CN là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Song song với hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ đã được quan tâm giai đoạn 2011 – 2015. Hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, áp dụng hệ thống quản lý được triển khai lồng ghép với việc thực hiện các chương trình, đề án đang được triển khai như: Chương trình nâng cao nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp; Đề án thực thi Hiệp đình rào cản trong thương mại.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, TS. Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết: Trong thời gian tới, hoạt động KH&CN sẽ tập trung vào các nhiệm vụ như: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức, cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển thị trường KH&CN; Đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo sản phẩm mới, phân tích, kiểm tra, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn sản phẩm; Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững các lĩnh vực ngành Công thương từ nghiên cứu phục vụ xây dựng chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại, khai thác có hiệu quả các Hiệp định TPP, FTA đã ký kết đến các nghiên cứu phục vụ phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm công nghiệp; Đẩy mạnh hoạt động thông tin, thống kê KH&CN, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật và sở hữu trí tuệ.
Tin, ảnh: Ánh Tuyết