Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân việc triển khai các dự án khoa học do chính cơ sở sản xuất thực hiện chính là con đường ngắn nhất để đưa các đề tài vào thực tiễn sản xuất.
Trong chuyến khảo sát tình hình hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) tại Hà Nội mới đây, Phó Thủ Tướng đã đánh giá cao những kết quả trong công tác nghiên cứu và ứng dụng KH&CN của các doanh nghiệp.
Hiệu quả từ đầu tư đổi mới công nghệ và nghiên cứu khoa học
Ông Lại Văn Đàm, Giám đốc công ty TNHH một thành viên cơ khí Đông Anh cho biết, KH&CN là lĩnh vực trọng tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển công ty trong suốt thời kỳ đổi mới. Việc lựa chọn đầu tư đổi mới công nghệ, cụ thể là đầu tư vào công nghệ cao đã được xác định rất rõ ràng trong chiến lược phát triển. Công ty đã dành từ 8 - 9 tỉ đồng mỗi năm cho việc hỗ trợ sáng kiến, đổi mới công nghệ… Doanh nghiệp đã bắt đầu bằng việc thực hiện các đề tài, dự án khoa học và đầu tư mua thiết bị công nghệ cao để phục vụ sản xuất và nghiên cứu như máy phân tích quang phổ, máy siêu âm, máy soi tổ chức tế vi…
Theo ông Đàm, một trong những dấu mốc quan trọng nhất là năm 1998, với việc thực hiện dự án đầu tư dây chuyền đúc tự động DISAMATIC của Đan Mạch với công suất 10.000 tấn/năm đã mang lại hiệu quả quan trọng, đưa công ty trở thành nhà sản xuất và cung cấp bi nghiền hợp kim đúc chịu mài mòn chất lượng cao lớn nhất trong nước, góp phần thay thế 100% bi nhập ngoại cho một số ngành công nghiệp như xi măng, nhiệt điện… và xuất khẩu mỗi năm hơn 2.000 tấn cho các thị trường nước ngoài.
Không dừng lại ở đó, năm 2001 công ty đã đầu tư xưởng gia công cơ khí công nghệ cao của Đức, phục vụ sản xuất các nút cầu của kết cấu giàn không gian khẩu độ lớn. Dự án đã giúp công ty sản xuất, lắp dựng thành công hơn 100 công trình kiến trúc có kết cấu mái giàn không gian khẩu độ lớn, góp phần phát triển mạnh mẽ kiến trúc giàn không gian trong xây dựng ở Việt Nam. Sản phẩm này đã được xuất khẩu ra nước ngoài với tiềm năng thị trường rộng lớn.
Cũng nhờ chú trọng định hướng đầu tư vào KH&CN từ rất sớm, Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long đã có những bước phát triển đột phá trong ngành cơ kim khí (công ty chuyên sản xuất các sản phẩm kim khí gia dụng, phụ tùng ô tô, xe máy, khuôn mẫu và thiết bị chuyên dụng). Hiện công ty đã có 1 nhà máy chuyên áp dụng công nghệ điều khiển số (CNC) để tạo nên các bộ khuôn giá, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho quá trình tạo ra các nhóm sản phẩm: xe máy, xuất khẩu và nội địa. Lãnh đạo công ty cho biết, doanh thu của công ty đã tăng từ 436 tỉ đồng năm 2006 lên 1.000 tỉ đồng năm 2010. Hàng năm, công ty đầu tư cho KH&CN trung bình khoảng từ 5%-10% doanh thu. Hiện nay, công ty có khoảng 300 loại sản phẩm và mỗi năm có thể sản xuất trên 25 triệu đơn vị sản phẩm.
Ngoài công nghệ CNC, hiện nay công ty cũng phát triển nhiều công nghệ khác như: hàn robot, cắt tôn, dập sâu với máy ép thủy lực 1.000 tấn, tự động đột dập, trang trí bảo vệ bề mặt sản phẩm bằng công nghệ sơn tĩnh điện, đánh bóng, mạ tự động CARIER…
Một số kết quả nghiên cứu của Công ty Nhựa Hà Nội được ứng dụng vào sản xuất và cũng mang lại hiệu quả kinh tế lớn như nghiên cứu chế tạo các thiết bị nhựa dùng trong công nghiệp ô tô với công nghệ tạo vân hoa trên bề mặt cong phức tạp, công nghệ CAD/CAM, công nghệ chế tạo khuôn để sản xuất các chi tiết nhựa ô tô, xe máy và thiết bị lọc nước,…
Ông Nguyễn Hữu Vạn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội cho biết, công ty hiện đã đầu tư 78 thiết bị đúc phun nhựa đa dạng từ 50 tấn đến 2500 tấn. Các loại máy móc hiện đại như thiết bị CNC, máy rà khuôn, máy cắt dây phục vụ cho khâu chế tạo khuôn mẫu chính xác, tiến độ nhanh cũng được trang bị đầy đủ. Ngoài ra, còn có các Trung tâm gia công CNC, phòng đo lường… Các sản phẩm của công ty như phụ tùng ô tô, xe máy, linh kiện điện - điện tử, viễn thông và khuôn mẫu phục vụ ngành nhựa đang được cung cấp cho nhiều công ty lớn tại Việt Nam như Honda, Toyota, VMEP, LGE và xuất khẩu cho một số tập đoàn Nhật Bản. Hiện nay, riêng với sản phẩm khuôn nhựa, công ty đã có doanh thu trên 25 tỉ đồng. Dự kiến, doanh thu cho khuôn nhựa năm 2011 đạt khoảng 50 tỉ đồng. Tổng doanh thu dự kiến của công ty năm 2011 khoảng 500 tỉ đồng.
Một số sản phẩm thiết bị đường ống xuất khẩu sang Nhật Bản
của Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội.
Còn nhiều khó khăn
Hầu hết các doanh nghiệp khi được hỏi đều cho rằng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Ông Phạm Hữu Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Kim khí Thăng Long chia sẻ: “Để có thể đáp ứng được sự phát triển đảm bảo độ bền, chính xác của khuôn gá, tới đây chúng tôi dự kiến đổi mới công nghệ xử lý bề mặt khuôn gá bằng công nghệ nhiệt luyện chân không, công nghệ titan,… và để có thể thiết kế chế tạo các bộ khuôn gá có độ phức tạp cao cần phải có phần mềm chuyên dụng CAD/CAM như UNI GRAPHIC… Vì thế, rất cần sự hỗ trợ kinh phí đầu tư, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đầu tư trang thiết bị cho phòng thí nghiệm, nguồn vốn ưu đãi…”.
Với Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội, ông Vạn cho rằng mục tiêu và chiến lược phát triển của công ty là sản xuất các sản phẩm, linh kiện nhựa cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, công ty đầu tư nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực thiết kế và chế tạo khuôn, sản xuất các sản phẩm từ nhựa kỹ thuật có chất lượng cao. Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất phụ tùng nhựa cho ngành công nghiệp ô tô đòi hỏi phải chính xác, chất lượng. Doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm kiếm các trung tâm đo kiểm của Việt Nam để thử nghiệm, đánh giá theo tiêu chuẩn của khách hang bởi hiện nay có nhiều sản phẩm không thể đánh giá ở nước ta mà phải nhờ chính khách hàng nhưng thời gian đánh giá bị kéo dài và chi phí cao.
Trong chuyến khảo sát, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc mạnh dạn đầu tư áp dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất. Bên cạnh đó, đã xây dựng được một đội ngũ nhân lực trình độ cao đáp ứng được nhu cầu thực tế. Với mỗi doanh nghiệp, Phó Thủ tướng đều đưa ra các gợi ý cho chiến lược phát triển sản phẩm riêng. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp cần xác định rõ đối tác chiến lược về KH&CN và đưa ra chiến lược phát triển lâu dài hơn nữa. Đồng thời, chủ động kết nối với các sở, ban, ngành để nắm rõ hơn về các cơ chế, chính sách để có nhiều thuận lợi hơn trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh.
Hạnh Nguyên