Trong những năm qua, Bắc Giang đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) giai đoạn 2011 – 2013 tăng bình quân hằng năm 9,2%. Những kết quả mà Bắc Giang đạt được không thể không nhắc đến vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN). Đặc biệt, trong thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều đề án, cơ chế, chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào hoạt động Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trong nông nghiệp, nông thôn.
Nhiều dự án được triển khai
Tỉnh Bắc Giang đã đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện dự án "Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Lục Ngạn cho sản phẩm vải thiều của tỉnh Bắc Giang”. Với diện tích cây vải thiều áp dụng quy trình VietGAP chiếm tỷ lệ tương đối cao (hơn 7,5 nghìn ha/37 nghìn ha), sản lượng những năm được mùa đạt trên 200 nghìn tấn, mang lại thu nhập cho nông dân gần 1.000 tỷ đồng. Giá trị sản phẩm tăng từ 2-2,5 lần so với vải canh tác thông thường.
Bên cạnh đó, dự án "Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể gạo thơm Yên Dũng” với quy mô 40 ha góp phần khẳng định thương hiệu gạo thơm Yên Dũng trên thị trường. Dự án "Xây dựng bản đồ nông hoá, thổ nhưỡng phục vụ thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp tỉnh Bắc Giang” đã góp phần cung cấp cơ sở khoa học trong việc quy hoạch sử dụng đất hiệu quả cho địa phương.
Ngoài ra, chăn nuôi đang trở thành ngành sản xuất chính, tỷ trọng đạt gần 50% trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Tỉnh Bắc Giang đã triển khai được dự án "Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận gà đồi Yên Thế cho sản phẩm gà đồi của huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang” đã góp phần đưa tổng đàn gà của huyện Yên Thế lớn nhất cả nước đối với quy mô huyện, trung bình từ 12-15 triệu con gà/năm với hơn 17 nghìn hộ chăn nuôi. Hằng năm người dân Yên Thế có doanh thu từ nghề nuôi gà khoảng 1.000- 1.300 tỷ đồng, bình quân đạt 59-76,5 triệu đồng/hộ/năm. Nhờ dự án này mà hiện nay gà Yên Thế giữ được thương hiệu và được tiêu thụ tại một số siêu thị ở Hà Nội, đem lại lợi ích kinh tế lớn.
Ông Bùi Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang cho biết: hiện nay, Bắc Giang có 18 sản phẩm nông sản đã xây dựng được thương hiệu hàng hóa như: Chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn; nhãn hiệu chứng nhận gà đồi Yên Thế; nhãn hiệu tập thể vải sớm Phúc Hòa, lạc giống Tân Yên, gạo thơm Yên Dũng, gạo nếp Phì Điền, rau an toàn Song Mai... Đáng chú ý "Gà đồi Yên Thế” là vật nuôi đầu tiên trong cả nước được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận.
Tăng đầu tư cho nông nghiệp
Trong những năm qua, tỉnh luôn luôn chú trọng đầu tư cho KH&CN, trong đó tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, coi đây là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp nhằm tạo hành lang pháp lý, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào hoạt động KH&CN trong nông nghiệp.
Đặc biệt, tỉnh luôn chú trọng đầu tư kinh phí cho nông nghiệp, nông thôn trên toàn địa bàn. Ông Bùi Văn Hạnh – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang cho biết: giai đoạn 2009-2013 đầu tư cho nông nghiệp đạt tổng vốn là 39.691 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với giai đoạn 2004-2008. Thông qua triển khai các đề án, chương trình, đề tài, dự án, sản xuất trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ đưa Bắc Giang trở thành một trong những tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn của cả nước. Nghề trồng rau quả chế biến, trồng nấm mở rộng làm tăng hiệu quả sản xuất. Sản lượng nấm tươi hàng năm đạt khoảng 2.000 tấn, doanh thu 25-30 tỷ đồng, giải quyết việc làm, mang lại thu nhập cho người nông dân.
Trong nuôi trồng thủy sản, tỉnh đã hỗ trợ 4,1 tỷ đồng nhằm tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho người dân, hỗ trợ mô hình nuôi cá thâm canh, hỗ trợ thay thế đàn cá bố mẹ cho các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn..; qua đó đã thúc đẩy phong trào nuôi cá thâm canh, bán thâm canh với tổng diện tích toàn tỉnh hàng năm đạt khoảng trên 3000 ha, góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng thủy sản.
Việc áp dụng các tiến bộ KH&CN vào nông nghiệp của tỉnh trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, tạo được các giá trị cao, chứa đựng hàm lượng khoa học. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp đã tăng lên không ngừng về sản lượng góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao. Có thể nói, trong thời gian qua KH&CN Bắc Giang đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần đắc lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng.
Bài, ảnh: Đăng Minh