Hoạt động KH&CN ngày càng được quan tâm không chỉ trong phạm vi tỉnh mà hướng đến phục vụ cho phát triển của cả vùng; các Vùng đều đã xây dựng các chương trình liên kết các nội dung hoạt động nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương và của Vùng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nâng cao vị thế Vùng
Năm 2019, là năm các tỉnh trong Vùng tiến hành Hội nghị Tổng kết, đánh giá 15 năm hoạt động KH&CN thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.
Hoạt động KH&CN đã có nhiều tác động tích cực tới phát triển KT-XH, góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh của Vùng. KH&CN thực sự đã trở thành động lực quan trọng góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản đặc trưng của vùng. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhất là trong nông nghiệp được triển khai, ứng dụng, mang lại hiệu quả và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống của người dân trong Vùng.
Các đề án, chương trình KH&CN cấp quốc gia; các chương trình KH&CN cấp địa phương; các hoạt động xúc tiến thúc đẩy ứng dụng và chuyển giao KH&CN vào sản xuất phục vụ phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng được thực hiện trong nhiều lĩnh vực từ công nghiệp khai khoáng, chế biến, nông lâm thủy sản cho tới các ngành dịch vụ khác; từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội và ứng dụng chuyển giao công nghệ. Một số kết quả nổi bật có thể kể đến như:
Đề án “Ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển các cây con đặc sản, các sản phẩm chủ yếu của vùng”, đã thực hiện 43 nhiệm vụ. Các nhiệm vụ đã phục tráng được trên 10 giống lúa đặc sản tại địa phương, các giống bản địa có chất lượng cao và phát triển thành sản xuất hàng đặc sản và đang mở rộng để xây dựng thương hiệu và phục vụ xuất khẩu.
Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ Biofloc của Israel trong nuôi thâm canh cá Rô phi đơn tính, cá Diêu hồng đạt năng suất chất lượng, hiệu quả kinh tế cao tại Thái Nguyên”; Dự án “Ứng dụng công nghệ mới trong sấy gỗ rừng trồng tại tỉnh Phú Thọ”; Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất đũa gỗ xuất khẩu tại tỉnh Tuyên Quang”; Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tổng hợp các tiến bộ kỹ thuật nhằm sản xuất cà phê chè bền vững tại tỉnh Sơn La”…
Các sản phẩm của Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” tiếp tục được đẩy mạnh chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học cho các doanh nghiệp để tiến hành thương mại hóa sản phẩm đưa ra thị trường. Đặc biệt về hợp chất mới nhóm terpenoid từ cây đan sâm có tác dụng chống huyết khối, tăng cường tuần hoàn não, đây là lần đầu tiên hợp chất này được phân lập và xác định cấu trúc trên thế giới, là cơ sở quan trọng cho việc phát triển các thuốc...
Đồng hành với doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh
Với lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao nhất là địa bàn Hà Nội, các nghiên cứu ứng dụng của Vùng Đồng Bằng Sông Hồng đã thể hiện rõ nội dung cả về sản phẩm cũng như hàm lượng nghiên cứu, đã thể hiện vai trò đồng hành đối với doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Trong nông nghiệp: Đã có khá nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ trong lĩnh vực nông nghiệp thành công. Điển hình trong lĩnh vực trồng trọt như: Mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa ở phía Bắc (Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định..); mô hình sản xuất cà chua quả nhỏ ứng dụng CNC, sản xuất dưa thơm ứng dụng CNC (Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Bắc Ninh...); các mô hình sản xuất rau, củ, quả không sử dụng phân bón, thuốc hóa học; mô hình trồng rau giá trị kinh tế cao trong nhà màng, nhà lưới; mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp với khai thác bền vững nguồn lợi rươi; mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn xuất khẩu gắn với bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, hoạt động ứng dụng và chuyển giao KH&CN đã đóng góp tích cực và đẩy nhanh tiến trình xây dựng tại Nam Định, Hải Dương…
Trong công nghiệp, dịch vụ: Ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, tạo ra được các sản phẩm có giá trị cao. Việc ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động, nhiều doanh nghiệp tạo ra được các sản phẩm có giá trị kinh tế cao cũng nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất điển hình như: Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội) đã chế tạo thành công hệ thống chiếu sáng chuyên dụng tiết kiệm năng lượng, phù hợp với chu kỳ phát triển sinh học của một số loại cây hoa và cây ăn trái nhằm điều khiển thời gian ra hoa, kết trái, ngay cả những cây ra hoa, ra trái trái mùa. Chế tạo 150 modul đèn LED làm mát bằng chất lỏng nano phục vụ chiếu sáng đường phố Hà Nội.
Kết nối, mở rộng giao lưu, phát triển kinh tế
Là một trong 7 vùng kinh tế được Chính phủ giao lập Quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội, vùng Bắc Trung Bộ là địa bàn đặc biệt, có ý nghĩa chiến lược và lợi thế quan trọng trong việc kết nối, mở rộng giao lưu, phát triển kinh tế…Mặc dù số doanh nghiệp trong vùng còn khiêm tốn so với cả nước nhưng nguồn tài nguyên thiên nhiên của khu vực này khá đa dạng, phong phú và nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, đồi núi, hồ thác, di sản văn hóa - lịch sử, cửa khẩu biên giới… cho phép phát triển kinh tế tổng hợp với nhiều ngành chủ lực như dịch vụ du lịch, y tế, giáo dục, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp hữu cơ...
Vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, hoạt động nghiên cứu ứng dụng tiếp tục được quan tâm chú trọng hơn cả về nội dung, quy mô triển khai cũng như tính ứng dụng từ yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn; đã có sự chia sẻ thông tin, trao đổi những kinh nghiệm trong công tác quản lý nhiệm vụ KH&CN, thông tin về kết quả nghiên cứu khoa học, các mô hình ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến đã được triển khai thành công để các tỉnh trong vùng xem xét vận dụng tránh triển khai trùng lắp.
Năm 2019, trong khuôn khổ các hoạt động tại Hội nghị giao ban Vùng, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các Ban, Bộ ngành Trung ương tổ chức các Hội nghị khoa học nhằm đánh giá tiềm năng và định hướng phát triển 02 ngành có lợi thế của Vùng đó là: Kinh tế biển và dược liệu.
Đối với ngành dược liệu: hiện nay, các tỉnh trong vùng đã và đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ để phát triển sản phẩm dược liệu, trong đó tiêu biểu như: Hoàn thiện quy trình sản xuất piperin và tích hợp công nghệ thu tinh dầu trong quá trình chế biến tiêu trắng tại tỉnh Đắk Nông; nghiên cứu công nghệ tách chiết sản xuất viên nang và trà hòa tan hỗ trợ bệnh cao huyết áp và mỡ máu từ đài hoa bụp giấm; nghiên cứu chiết tách phân đoạn kháng oxy hóa từ quả me rừng; sản xuất cao khô từ lá dâu tằm… .
Đối với ngành kinh tế ven biển: Các địa phương đã cùng nhau trao đổi bàn bạc các giải pháp để phát triển KH&CN mạnh mẽ hơn, phục vụ có hiệu quả hơn cho phát triển bền vững kinh tế biển trong Vùng nói riêng cũng như cho Chiến lược phát triển kinh tế biển của cả nước nói chung, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TƯ ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Có thể kể đến một số kết quả như: ứng dụng KH&CN trong nuôi trồng, chế biến thủy sản; sản xuất giống thủy sản (giống tôm thẻ chân trắng và nuôi tôm hùm); bảo vệ môi trường, chống sói lở bờ biển; ứng dụng công nghệ làm đá tuyết từ nước biển phục vụ bảo quản hải sản; ứng dụng công nghệ viễn thám, quan trắc giám sát chất lượng nước; chế tạo thiết bị đánh bắt cá ngừ đại dương; ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất các loại xe ô tô tại Công ty Ô tô Trường Hải (THACO)…
Đặt hàng nhiệm vụ từ nhu cầu ứng dụng trong thực tế
Là vùng hội tụ phát triển đầy đủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nhất là phát triển công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ cao cấp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm dịch vụ, nhất là dịch vụ logistics, vận tải với hạ tầng được tập trung xây dựng tương đối đồng bộ hơn các vùng khác. Ngoài việc quan tâm tới việc đặt hàng nhiệm vụ xuất phát từ nhu cầu và tính ứng dụng trong thực tế, các địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ đã chú trọng nghiên cứu để nâng cao giá trị sản phẩm, năng suất, chất lượng hàng hóa là thế mạnh, sản phẩm chủ lực của từng địa phương ở quy mô lớn (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận - đều xây dựng chuỗi phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương).
Vùng Tây Nam Bộ, một trong những đóng góp nổi bật nhất của hoạt động KH&CN trong vùng là việc đưa nhanh các tiến bộ KH&CN vào sản xuất những sản phẩm chủ lực của vùng theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu (nuôi trồng thủy sản, sản xuất cây ăn trái, sản xuất lúa gạo chất lượng cao); nhiều mô hình mới trong phát triển kinh tế đã bước đầu được hình thành như mô hình “Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong sản xuất giống tôm sạch bệnh, chất lượng cao và nuôi tôm siêu thâm canh”, “Cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo chất lượng cao”, “sản xuất cây ăn quả đặc sản, chất lượng cao” “cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp”;
Hình thành các chuỗi giá trị của những sản phẩm chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, giá trị cao, gắn với thị trường tiêu thụ; cải tiến, đổi mới công nghệ trong chuỗi sản phẩm từ dừa, cá tra…. Đã có sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với Bộ KH&CN trong quá trình triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia tại địa phương, nên bước đầu làm chủ được nhiều công nghệ mới, công nghệ cao có tính đột phá tạo cho nhiều doanh nghiệp trong vùng phát triển sản xuất mạnh mẽ, có khả năng cạnh tranh cao, thu hút hàng nghìn lao động tại các địa phương và có đóng góp đáng kể cho kinh tế của các địa phương.
Bài, ảnh: PV