Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Chủ nhật, 24/11/2024 , 08:37 am
Cập nhật : 16/12/2019 , 18:12(GMT +7)
KH&CN đóng góp hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp
Ưu tiên đầu tư cho KH&CN trong phát triển nông nghiệp
Xuyên suốt chiều dài lịch sử của phát triển kinh tế nước nhà, nông nghiệp luôn được đặt ở vị trí trung tâm và là ngành mũi nhọn quan trọng trong phát triển kinh tế. Thế nhưng, ngành nông nghiệp Việt Nam luôn đứng trước nhiều khó khăn thách thức như sản xuất manh mún, biến đổi khí hậu cực đoan, dịch bệnh và hội nhập kinh tế quốc tế,… Điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa vì thế đã trở thành điệp khúc quen thuộc đối với người nông dân, nông nghiệp, nông thôn.

Đổi mới KH&CN làm thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp

Từ thực tế này, Đảng và Nhà nước đã xác định, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải dựa vào KH&CN và ưu tiên đầu tư cho KH&CN. Trong nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết Trung ương 7 đã chỉ rõ: “Phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn; tăng đầu tư ngân sách cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ để nông nghiệp sớm đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực; ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học để chọn, tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình nuôi trồng, bảo quản, chế biến, tạo đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Xây dựng các chính sách đãi ngộ thỏa đáng để khai thác, phát huy tốt các nguồn lực khoa học - công nghệ, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ; thu hút thanh niên, trí thức trẻ về nông thôn, nhất là các ngành nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hoá...”.

Với chức năng nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ KH&CN đã chủ động xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành hệ thống văn bản khá đầy đủ, đồng bộ, toàn diện về cơ chế, chính sách cho việc thực hiện các hoạt động KH&CN, nhất là cho các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, như:  Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (gọi tắt là Chương trình nông thôn miền núi); Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2020; Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020; Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020; Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020; Chương trình quốc gia về Phát triển công nghệ cao đến năm 2020; Chương trình Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen. Ngoài ra, Bộ KH&CN đã phối hợp cùng Bộ NN&PTNT triển khai Chương trình Công nghệ sinh học trong nông nghiệp, thủy sản, Chương trình KH&CN phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Trong 60 năm qua, đặc biệt là hơn 30 năm kể từ khi Đại hội VI của Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, KH&CN nước ta đã đổi mới cách nghĩ, cách làm để hoà nhập với đổi mới chung về kinh tế - xã hội. Những nỗ lực của Bộ KH&CN đã góp phần tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của toàn xã hội về vai trò động lực của KH&CN đối với phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đưa KH&CN trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, phục vụ đắc lực cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng thành tựu KH&CN tại các địa phương

Tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 34 khu nông nghiệp công nghệ cao, được quy hoạch tại 19 tỉnh, thành phố, trong đó, sáu khu có quy mô diện tích hơn 400 ha tại Hà Nội, Thanh Hóa, Phú Yên, Hậu Giang và Bình Dương.

Nhiều địa phương cũng đang chuẩn bị thu hút doanh nghiệp vào đầu tư hạ tầng cho nông nghiệp công nghệ cao. Thời gian qua, chính sách và các quy định pháp luật đã được ban hành khá đầy đủ tạo thuận lợi cho DN đầu tư vào lĩnh vực này, như: Luật Chuyển giao công nghệ; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 2441/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020...

Đáng chú ý, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đã hỗ trợ 13 DN thực hiện các nhiệm vụ liên quan lĩnh vực nông nghiệp, với tổng kinh phí là 275,643 tỷ đồng. Các nhiệm vụ được lựa chọn theo hướng ưu tiên nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, kỹ thuật thâm canh tiên tiến để giảm chi phí đầu vào và tăng giá trị gia tăng của sản phẩm. Cơ chế, chính sách đã góp phần thay đổi diện mạo nền nông nghiệp.

Từ năm 2008 đến năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 261,2 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm. Nông sản Việt Nam hiện có mặt ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ hai khu vực Đông - Nam Á và thứ 15 trên thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, khoa học công nghệ là một trong những giải pháp then chốt trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong bối cảnh mới, các đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ cần đổi mới hơn, bởi các cơ chế, chính sách thay đổi đều gắn với việc ứng dụng khoa học công nghệ.

Nhờ áp dụng các công nghệ mới trong chọn tạo giống cây trồng, thời gian chọn tạo giống cây trồng mới đã giảm xuống còn từ 3-5 năm, thay vì 7-10 năm như trước đây, nên trung bình hàng năm Bộ NN&PTNT đã công nhận hàng chục giống mới/năm. Từ đó nhanh chóng gia tăng diện tích trồng các giống mới có năng suất, chất lượng cao, tính chống chịu tốt. Hiện nay cả nước đã có hơn 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, bông, cây ăn quả... được dùng giống mới và KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của nông sản. Năm 2017, Việt Nam đã trở thành một trong 15 quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nông sản trên thế giới, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt con số 36,37 tỷ USD.

Việc nghiên cứu, xây dựng các tiến bộ kỹ thuật mới, đã có 203 tiến bộ kỹ thuật mới (TBKT) được công nhận, bao gồm lĩnh vực Trồng trọt công nhận 94 TBKT; lĩnh vực chăn nuôi - thú ý 56 TBKT; lĩnh vực thủy lợi 30 TBKT; lĩnh vực Thủy sản 9 TBKT và Lâm nghiệp 51 TBKT.

Đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã tăng hiệu quả kinh tế từ 10-30% thông qua sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao và quy trình sản xuất tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai mạnh mẽ. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính và khẳng định được tính đúng đắn, hiệu quả của hướng sản xuất này.

KH&CN thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ theo chuỗi giá trị, thu hút các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều công nghệ mới được áp dụng đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tếnông nghiệp và nông thôn, tăng giá trị xuất khẩu, đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, cà phê, điều nhân, hạt tiêu và gạo… Xuất hiện các doanh nghiệp công nghệ cao ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, nhiều doanh nghiệp không chỉ đầu tư nhà máy với dây chuyền hiện đại mà còn đầu tư các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025, đủ điều kiện để thực hiện các nghiên cứu tại doanh nghiệp, giúp các nhà khoa học đến với thực tiễn sản xuất và tạo cơ hội để công ty doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ.

Bài, ảnh: Diệu Huyền

 

 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner