Chương trình KC.09/06-10 “Khoa học và công nghệ biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội” đã có những tiến bộ lớn về lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) biển, nhiều đề tài đã có sản phẩm ứng dụng thực tiễn. Qua Chương trình đã hình thành được các tập thể nghiên cứu khoa học theo các vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Tiềm lực KH&CN biển được nâng cao
Nghị quyết 27/2007/NQ-CP (30/5/2007) về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 09 của Trung ương về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó đã nhấn mạnh “Phấn đấu để nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước..,” và “phát triển khoa học công nghệ biển thực sự trở thành động lực của phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển. Xây dựng tiềm lực và hệ thống khoa học công nghệ biển đáp ứng yêu cầu đổi mới, phục vụ hiệu quả quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển sự nghiệp KHCN chung của đất nước”. Có thể nói rằng đó là cơ hội cho chương trình KHCN Biển KC.09/06-10.
Chương trình KC.09/06-10 gồm 28 đề tài với mục tiêu xây dựng luận cứ khoa học cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội và quản lý tổng hợp vùng biển, đảo, vùng ven biển nước ta. Trên cơ sở đó đề xuất những cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với bảo đảm an ninh, quốc phòng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bền vững. Thông qua Chương trình làm rõ một số vấn đề cơ bản của Biển Đông; nghiên cứu, đề xuất kiến nghị việc áp dụng các phương pháp tiên tiến cho dự báo biển, nuôi trồng, khai thác, quản lý nguồn lợi hải sản, xây dựng công trình biển, phục vụ cho việc điều tra, tìm kiếm khoáng sản, phát triển các ngành kinh tế biển (công nghiệp khai thác, vận tải, du lịch, dịch vụ hàng hải), bảo vệ môi trường sinh thái và an ninh quốc phòng biển. Đồng thời nâng cao tiềm lực và khả năng hội nhập quốc tế về KH&CN biển của Việt Nam.
GS. TS. Lê Đức Tố - Chủ nhiệm Chương trình KC.09/06-10 cho biết: 100% các đề tài đã có kết quả được công bố trên các tạp chí KH&CN có uy tín trong nước và quốc tế. 212 bài báo, trong đó có 24 bài của 11 đề tài được đăng trên tạp chí quốc tế. 5 đề tài có 10 kết quả nghiên cứu đã đăng ký sở hữu công nghiệp và sở hữu trí tuệ trong đó có 4 kết quả đã được cấp bằng. Chương trình đã xuất bản 7 cuốn sách chuyên khảo dựa trên kết quả nghiên cứu của các đề tài và 4 tuyển tập các kết quả nghiên cứu của chương trình đã được phổ biến.
Chương trình đã thu hút các chuyên gia khoa học có trình độ cao làm chủ nhiệm đề tài và chủ trì các nội dung chính của đề tài đến từ 24 Viện nghiên cứu và các trường đại học trong nước. Các nhà khoa học phần lớn là những chuyên gia đầu ngành có trình độ và có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học biển. Trong quá trình thực hiện các đề tài đã hình thành các nhóm nghiên cứu khoa học mạnh theo các vấn đề khoa học biển liên quan như nhóm địa động lực hiện đại, nhóm nghiên cứu địa tầng phân tập trong đánh giá tiềm năng khoáng sản và dầu khí các bồn trầm tích; nhóm dự báo KTTV biển và dự báo môi trường; nhóm nghiên cứu sinh thái môi trường và quản lý biển. Các nhà khoa học biển Việt Nam đã được nâng cao một bước về công nghệ nghiên cứu, về khả năng hợp tác và hội nhập quốc tế.
Hầu hết các sản phẩm của đề tài thuộc Chương trình đều có thể được áp dụng hiệu quả trong nghiên cứu và sản xuất. Trong đó, 36% của tổng số các đề tài đã được ứng dụng trong sản xuất, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, phương án nghiên cứu sản xuất, xây dựng các khu bảo tồn biển và thiết kế xây dựng công trình biển vùng nước sâu phục vụ khai thác dầu khí và trên các đảo san hô. 100% các đề tài có tham gia đào tào tiến sỹ và thạc sỹ, trong đó 68 thạc sỹ khoa học đã bảo vệ, tham gia đào tạo 61 tiến sỹ, trong đó 16 đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ.
Gắn kết quả nghiên cứu với đời sống
Chương trình KC.09/06-10 đã có những tiến bộ lớn về lĩnh vực KH&CN biển, một số đề tài có các sản phẩm đã được chuyển giao ứng dụng như: Quy trình cảnh báo hiện tượng phát sinh thủy triều đỏ do ô nhiễm môi trường (đề tài KC.09.03/06-10) đã được chuyển giao cho Sở KH&CN Bình Thuận; luận chứng kinh tế kỹ thuật các khu bảo tồn biển Phú Quốc, Côn Đảo, Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương sử dụng, đưa vào quy hoạch 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam. Những kết quả nghiên cứu của đề tài KC.09.07/06-10 gồm hệ thống chỉ tiêu kỹ thuật xây dựng công trình cho các đảo san hô trên quần đảo Trường Sa. Các chỉ tiêu kỹ thuật tương tác công trình dạng tấm, vòm, ống trên các đảo san hô của quần đảo Trường Sa đã được Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Quốc Phòng sử dụng trong việc xây dựng các công trình quốc phòng trên đảo…
Đề tài KC.09.09/06-10 “Nghiên cứu sàng lọc các chất có hoạt tính sinh học theo định hướng kháng sinh gây độc tố tế bào và chống oxy hóa từ sinh vật biển nhằm tạo các sản phẩm có giá trị dược dụng” đã thành công trong việc tách chiết các hợp chất từ sinh vật biển có giá trị. Lần đầu tiên đề tài đã phân lập được hợp chất axic 20–BROMO–(11E, 15E, 19E)-EICOSA–(11, 15, 19) – TRIENE – (7, 9, 17) TRIYNOIC và phương pháp tách chiết hợp chất này từ loài hải miên XESTOSPONGIA TESTUDINARIA ở vùng biển Việt Nam. Từ đó đã xây dựng được các quy trình công nghệ sản xuất một số thực phẩm chức năng phục vụ phòng bệnh và nâng cao sức khỏe cộng đồng (Hasamin, Bionamin và Hacamin). Các sản phẩm này đã được Bộ Y tế cho phép sản xuất và lưu hành trên toàn quốc. Đề tài đã xây dựng được 7 quy trình công nghệ tách chiết và phân lập các hoạt chất từ loài hải miên, san hô mềm, sao biển và xác định được các hoạt tính mới đáng quý của nhiều chất phân lập được từ sinh vật biển.
Với đề tài “Ứng dụng và hoàn thiện qui trình công nghệ dự báo ngư trường phục vụ khai thác hải sản xa bờ” (Mã số KC.09.14/06-10) đã phát triển và ứng dụng công nghệ dự báo ngư trường ở Việt Nam theo hướng hiện đại hóa. Kết quả nghiên cứu của đề tài là quy trình công nghệ dự báo khai thác cá ngừ đại dương ở vùng biển xa bờ, đã phát triển một bước tiến về công nghệ dự báo ngư trường. Qua đó đã nâng cao hiệu quả cho các hoạt động khai thác và quản lý nguồn lợi cá xa bờ, cải thiện đáng kể các chi phí chuyến biển của các doanh nghiệp và ngư dân góp phần nâng cao đời sống, ổn định nghề nghiệp, tăng lợi nhuận xuất khẩu nguồn lợi cá ngừ đại dương.
Kết quả nghiên cứu của đề tài KC.09.25/06-10 đã cung cấp cho tập đoàn dầu khí Việt Nam luận cứ khoa học cho việc lập phương án sản xuất tìm kiếm thăm dò dầu khí bồn Tư Chính Vũng Mây – Trường Sa.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến đánh giá cao những đóng góp của Ban Chủ nhiệm Chương trình, các chủ nhiệm đề tài, các nhà khoa học để có được những kết quả đáng ghi nhận trên. Thứ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới, hợp tác quốc tế là một trong những vấn đề cần phải đẩy mạnh, làm sao chương trình về biển phải gắn với hợp tác quốc tế trong định hướng chung để nghiên cứu nâng cao trình độ về KH&CN, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Mục tiêu của chương trình KH&CN biển trong giai đoạn 2011 - 2015 (thậm chí 2016 - 2020) vẫn là khoa học công nghệ biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo đúng tinh thần của Chiến lược Biển đến năm 2020 của Đảng và Chính phủ.
Phương Nga