Là một vùng kinh tế trọng điểm, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã không ngừng ứng dụng KH - CN vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng hàng hóa, tăng tính cạnh tranh thị trường… Tuy nhiên, tại Hội thảo “KH - CN với sự phát triển bền vững ĐBSCL” được tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, việc sáng tạo, ứng dụng tiến bộ KH - CN ở vùng kinh tế trọng điểm này còn chưa xứng với tiềm năng và thiếu tính liên kết.
Dành riêng một chương trình KH-CN
Với diện tích tự nhiên gần 4 triệu hécta, chiếm 12% diện tích cả nước, hằng năm, ĐBSCL tăng trưởng bình quân 13%/năm, đóng góp khoảng 27% GDP, trong đó nông nghiệp phát triển toàn diện, cung cấp trên 50% sản lượng lúa gạo (90% là lượng gạo xuất khẩu), 70% sản lượng trái cây và trên 50% sản lượng thủy sản của cả nước. ĐBSCL được coi là một vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia.
Mặc dù vậy, ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế phát triển chưa bền vững, nhiều vấn đề như sâu, bệnh đối với cây trồng, vật nuôi; cạn kiệt nguồn nước; ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; biến đổi khí hậu; xâm nhập mặn; khai thác thủy điện sông Mê kông…Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, KH-CN của ĐBSCL còn nhiều hạn chế như nguồn lực KH - CN chưa được chú trọng đúng mức, hoạt động R&D được đổi mới nhưng còn ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết giữa nhiệm vụ KH - CN, liên kết Trung ương - địa phương và liên kết giữa các tổ chức KH - CN trong vùng…
Theo Thứ trưởng Bộ KH - CN Trần Việt Thanh, vấn đề cần đặt ra với ĐBSCL là làm thế nào để đưa được các kết quả nghiên cứu KH - CN vào ứng dụng sản xuất và đời sống để tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước phục vụ cho phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng và cả vùng nói chung.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhấn mạnh, sáng tạo trong KH - CN phải sát với thực tiễn, phù hợp theo từng địa phương và cần có sự tham gia, đồng thuận tuyệt đối của người sản xuất, có như vậy việc tổ chức triển khai, ứng dụng mới mang lại hiệu quả tích cực, phù hợp với nhu cầu sản xuất và xu thế phát triển của xã hội. Thực tế đã qua, việc sáng tạo và ứng dụng KH - CN vào sản xuất tại các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL tuy có phát triển nhưng chưa theo kịp xu thế phát triển quốc gia và hội nhập kinh tế thế giới. Theo đó sản phẩm thì nhiều, song chất lượng thiếu tính cạnh tranh, kéo theo chất lượng cuộc sống người sản xuất kém phát triển, tính ổn định hàng hóa chưa thật sự đảm bảo…
Xuất phát từ yêu cầu thực tế, Bộ KH - CN đề xuất việc hình thành một Chương trình KH - CN riêng cho vùng ĐBSCL trên cơ sở xây dựng nội dung chương trình phù hợp với khu vực, không chồng chéo, có cơ chế triển khai, quản lý phù hợp. Chương trình sẽ huy động lực lượng các nhà khoa học, quản lý trong cả nước và thuộc mọi lĩnh vực khác nhau tập trung nghiên cứu đưa KH - CN vào giải quyết những vấn đề đặt ra cho vùng ĐBSCL.
Liên kết thông qua KH-CN
Với mục tiêu là xây dựng vùng ĐBSCL thành vùng năng động, chủ động đối phó với biến đổi bất lợi của thiên nhiên, biến đổi khí hậu và khai thác nguồn tài nguyên nước sông Mê Kông như Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Tươi đưa ra, các đại biểu đều nhất trí đẩy mạnh sự liên kết hành động vì sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL thông qua hoạt động KH - CN. Nhiều giải pháp được đề xuất, trong đó cần tập trung đẩy mạnh sự hợp tác chặt chẽ của các tỉnh, thành trong vùng, nâng cao hiệu quả của sự liên kết “4 nhà”…
Đại diện Sở KH - CN Cà Mau cho biết, thời gian qua ĐBSCL đã thực hiện liên kết tỉnh trên nhiều lĩnh vực như: lĩnh vực tự nhiên - xã hội (phối hợp trong công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, phối hợp trong phát triển du lịch); lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật và đặc biệt lĩnh vực nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ. Trong đó nhiều đề tài, dự án KH - CN quy mô vùng được triển khai thực hiện như: “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp vệ sinh môi trường khả thi trong và sau lũ tại ĐBSCL”; “Nghiên cứu giải pháp khai thác sử dụng hợp lý nguồn nước tương thích các kịch bản phát triển công trình ở thượng lưu để phòng chống hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL”; “Nghiên cứu cơ sở khoa học mạng thông tin KH - CN khu vực ĐBSCL”… Bên cạnh đó, các hội nghị, hội thảo KH - CN vùng; hội chợ, lễ hội KH - CN cũng được tổ chức.
Tuy nhiên, liên kết KH - CN vùng ĐBSCL mới chỉ dừng lại ở chia sẻ kinh nghiệm, bổ khuyết cho nhau những mặt còn hạn chế trong hoạt động quản lý điều hành, trao đổi học tập và chuyển giao ứng dụng những mô hình, kinh nghiệm sản xuất… mà chưa có những liên kết song phương hoặc liên kết các nhóm tỉnh có cùng tiềm năng và điều kiện tương đồng để phát triển một sản phẩm, nhóm sản phẩm hay tạo ra công nghệ đột phá chung cho vùng. Các đề tài, dự án KH - CN còn tập trung nhiều ở các viện, trường và các đơn vị nghiên cứu mà chưa có sự chủ động tranh thủ nguồn vốn để triển khai từ các tỉnh…
Theo TS Nguyễn Văn Sánh, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL - Đại học Cần Thơ: liên kết vùng và liên kết “4 nhà” phát triển KH - CN phục vụ cho phát triển “tam nông” là tối cần thiết tại ĐBSCL. Liên kết vùng là cơ hội giải quyết khó khăn, thách thức mà ĐBSCL gặp phải, đồng thời nâng cao chuỗi giá trị và hỗ trợ địa phương có lợi thế so sánh sản xuất những mặt hàng quan trọng, có sản lượng lớn như lúa gạo, tôm sú, cá tra…. Sự liên kết giữa các tỉnh, thành trong khu vực sẽ là điều kiện và là động lực thúc đẩy, tạo nên sức mạnh phát triển trên các lĩnh vực, trong đó có phát triển KH - CN.
Diệu Huyền
|