Từ ngày 24-27/8/2015, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân với sự hỗ trợ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã tổ chức khóa đào tạo “Các hệ thống và biện pháp an ninh hạt nhân áp dụng trong kiểm soát phóng xạ các sự kiện lớn”.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Kế hoạch hỗ trợ an ninh hạt nhân tích hợp đã được Việt Nam và IAEA phê duyệt năm 2012 và cập nhật tháng 12/2014.
Tham dự khai mạc Khóa đào tạo có Thiếu tướng Nguyễn Quang Hùng, Phó Tư lệnh – K10 và PGS. TS. Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục ATBXHN. Khóa đào tạo có 24 học viên từ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Công an tỉnh Phú Thọ, Sở KH&CN Phú Thọ và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN).
Thiếu tướng Nguyễn Quang Hùng nhấn mạnh an ninh hạt nhân hiện đang là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, trách nhiệm bảo đảm an ninh hạt nhân của quốc gia trước hết là thuộc về quốc gia đó và hi vọng hợp tác với IAEA cũng như đối tác Hoa Kỳ sẽ giúp lực lượng an ninh Việt Nam nâng cao năng lực ứng phó các sự cố an ninh hạt nhân.
Cục trưởng Cục ATBXHN Vương Hữu Tấn đã khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, kiểm soát phóng xạ tại các sự kiện lớn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay của thế giới và khu vực đang có nhiều biến động phức tạp. Trong tình hình này, an ninh hạt nhân đã trở thành một bộ phận cấu thành góp phần hỗ trợ cho việc đảm bảo an ninh chung đối với cộng đồng.
Tại khóa đào tạo, các chuyên gia đã cung cấp một cách tiếp cận có hệ thống, toàn diện đối với đảm bảo an toàn, an ninh hạt nhân áp dụng trong kiểm soát phóng xạ các sự kiện lớn: Khái quát về sự kiện xã hội lớn và các bài học đã thu được; cách tiếp cận đa cơ quan để ứng phó với các mối đe dọa về an ninh hạt nhân; các khái niệm cơ bản về bức xạ; các mối hiểm họa hạt nhân và phóng xạ; khái quát về đo phóng xạ; lập kế hoạch bảo đảm an ninh cho sự kiện lớn; các hoạt động an ninh cho sự kiện lớn; đánh giá tín hiệu báo động; quản lý hiện trường tội phạm liên quan đến phóng xạ; tổng hợp các vấn đề an ninh hạt nhân cho sự kiện lớn; thu hồi vật liệu phóng xạ và kinh nghiệm của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DOE) trong việc hỗ trợ các sự liện lớn liên quan đến an ninh hạt nhân.
Để giúp học viên dễ dàng tiếp nhận kiến thức và chuẩn bị cho các buổi thực hành tiếp sau đó, các chuyên gia đã giới thiệu và hướng dẫn các học viên thực hành cụ thể trên các thiết bị phục vụ cho các công việc khảo sát, xác định và ứng phó trong trường hợp có sự cố an ninh liên quan đến phóng xạ.
Khóa học cũng tổ chức các buổi diễn tập tại hiện trường với nguồn và thiết bị đo cùng bài tập mô phỏng sự cố giúp học viên hình dung các công việc đối với nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho các sự kiện lớn.
Tin, ảnh: Văn Thành (Cục ATBXHN)