Từ sau Nghị quyết TW6 Khóa XI, Khoa học và Công nghệ (KH&CN) một lần nữa được khẳng định là quốc sách, động lực để phát triển kinh tế xã hội đất nước. Tuy nhiên, hiện nay mức đầu tư cho lĩnh vực này còn khá khiêm tốn. Vì vậy, để huy động nguồn lực của toàn xã hội đã và đang là giải pháp hiệu quả cho phát triển KH&CN. Luật KH&CN sửa đổi được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này sẽ là khung pháp lý thuận lợi để việc huy động nguồn lực trực tiếp phát huy hiệu quả.
Đây cũng là nội dung chính được Thứ trưởng Bộ KH&CN Nghiêm Vũ Khải chia sẻ trong buổi Tọa đàm ngày 14/6 tại truyền hình Thông tấn xã Việt Nam.
Bài 1: Động lực phát triển KH&CN
PV: Xin Thứ trưởng cho biết để huy động nguồn lực cho các doanh nghiệp (DN) KH&CN, nhà nước đã có những cơ chế hỗ trợ như thế nào?
Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải: Có 3 văn bản quan trọng có ảnh hưởng lớn đối với nền KH&CN của Việt Nam. Thứ nhất là việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn từ nay đến năm 2020. Hai là việc ban hành Nghị quyết TW6 khóa XI về “Phát triển KH&CN phục vụ CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” và Luật KH&CN sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 18/6 tới. Những văn bản trên đều nhấn mạnh đến vai trò của nguồn nhân lực đối với KH&CN.
Đặc biệt trong Dự thảo luật KH&CN sửa đổi đã thể chế hóa những quan điểm to lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo ra những quy chế, quy định, chế tài để tạo điều kiện cho phát triển nguồn nhân lực KH&CN. Trong đó có 3 yếu tố quan trọng. Thứ nhất là tạo môi trường khoa học, sáng tạo để các nhà khoa học có cơ hội cống hiến và phục vụ cho ngành. Thứ hai là chế độ đãi ngộ, nếu như trước kia các nhà khoa học chỉ được hưởng lương, bây giờ các nhà khoa học được hưởng theo đúng thành quả lao động. Thứ ba là sự tôn vinh, đó là những danh hiệu, những cơ chế về nguồn nhân lực. Điều này đã được thể hiện rõ trong chương 4 của Dự thảo luật với quy định nhiều chế độ ưu đãi đối với các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực trọng điểm và các nhà khoa học trẻ tài năng.
PV: Thưa Thứ trưởng, một số ý kiến cho rằng 2% ngân sách hàng năm dành cho KH&CN là con số khiêm tốn nếu so với các nước trong khu vực, tuy nhiên hiện tượng đầu tư dàn trải, không đúng trọng tâm vẫn đang diễn ra, dẫn đến hiệu quả chưa được như mong đợi. Thứ trưởng có thể cho biết những giải pháp bổ sung trong Luật KH&CN sửa đổi?
Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải: 2% đầu tư cho KH&CN so với các nước trong khu vực không phải là thấp mà khá cao. Nhưng điểm khác biệt ở đây là sự đầu tư của xã hội cho KH&CN. Ở Việt Nam nguồn chi hiện nay chủ yếu là từ ngân sách nhà nước, DN gần như đứng ngoài cuộc, các thành phần kinh tế cũng vậy. Ngược lại, đối với các nước phát triển, khi nhà nước chi một phần thì xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp chi tới 3-4 phần.
Việc xã hội hóa trong đầu tư cho KH&CN hiện chưa cao, điều này thể hiện ở việc nhiều DN không mặn mà với KH&CN. Nguyên nhân là cơ cấu và mô hình tăng trưởng, hiện mô hình tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thô và nguồn lao động giá rẻ thay vì dựa vào KH&CN. Qua việc suy giảm kinh tế lần này cho thấy, nếu không dựa vào KH&CN thì không thể đảm bảo phát triển bền vững cũng như nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, DN và cả nền kinh tế đất nước. Luật KH&CN sửa đổi lần này cơ bản vẫn tiếp tục kế thừa Luật KH&CN năm 2000, tuy nhiên ngoài 2% ngân sách nhà nước dành cho KH&CN, Luật còn quy định một số nội dung như: giảm thuế, có chính sách ưu đãi về đất đai,…
Đặc biệt tại Điều 33 quy định những dự án, đề án lớn đều phải dựa trên cơ sở KH&CN trong đó phải có nhiệm vụ phát triển KHCN, phục vụ dự án đó. Tuy nhiên, rất tiếc, điều này chưa triển khai được trong 10 năm qua. Nguồn lực đó ta chưa quan tâm đến, nên các nhà khoa học rất ít việc làm. Nếu như đặt hàng đối với các nhà khoa học với khối lượng lớn và đa dạng thì các nhà khoa học ngoài việc thực hiện nhiệm vụ còn có cơ hội nâng cao được trình độ, tăng thu nhập và có môi trường hoạt động tốt.
.jpg)
Các nhà khoa học trẻ rất cần một môi trường thuận lợi để khẳng định bản thân (Ảnh: HT)
PV: Thưa Thứ trưởng, để khuyến khích DN đầu tư hơn nữa, trong Luật KH&CN sửa đổi có việc bắt buộc DN phải dành một khoản kinh phí tối thiểu hằng năm cho đầu tư KH&CN liệu sẽ có hiệu quả?
Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải: Quan niệm về vai trò của DN trong phát triển KH&CN, ứng dụng KH&CN,… đã thay đổi nhiều so với trước đây. Hiện nay DN được coi là trung tâm của đổi mới và sáng tạo. Từ quan niệm đó, Cơ chế chính sách cũng hướng tới nâng cao vai trò của ứng dụng KH&CN trong DN nhằm tạo điều kiện liên kết giữa DN với các cơ sở nghiên cứu khoa học. Vấn đề này được thể hiện không chỉ trong Luật KHCN sửa đổi mà còn trong một số Luật thuế có liên quan.
Quy định 10% trước thuế để tạo quỹ phát triển KH&CN là trách nhiệm bắt buộc của DN nhà nước theo Nghị quyết 20 của Ban chấp hành TW. Tuy nhiên, đối với DN không thuộc nhà nước quản lý thì cần có các biện pháp để khuyến khích DN bỏ ra 10% lợi nhuận trước thuế. Thuế thu nhập của DN trước đây là 25%, Luật KH&CN sửa đổi sẽ giảm xuống còn 22%. Trong phần DN trích nguồn lập quỹ đã có 22%, phần này đáng lẽ DN phải nộp thuế thì DN sẽ được giữ lại. Đối với DN, quỹ này có thể là quỹ riêng hoặc có thể cùng với các đơn vị khác lập quỹ chung. Quy chế quỹ này để DN hoàn toàn có thể chủ động sử dụng nhằm phục vụ ứng dụng và phát triển KH&CN.
PV: Vậy theo Thứ trưởng, cần phải quy định rõ mức độ hỗ trợ cho các DN như thế nào?
Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải: Luật ngân sách cho KH&CN trong Luật KH&CN sửa đổi lần này có cả một điều mục chi cho ngân sách nhà nước gồm: chi về quản lý nhà nước về KH&CN; chi về công tác quy hoạch, kế hoạch, phục vụ cho các chương trình nhiệm vụ có tính chất quan trọng, đặc biệt đối với phát triển kinh tế xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh,…
Trong thời gian tới sẽ có 4 điểm quan trọng trên cơ sở sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước phối hợp với việc huy động các nguồn vốn của xã hội như: Xác định nhiệm vụ KH&CN cho các DN KH&CN đối với từng đề tài (tất nhiên các đề tài đó đều có thuyết minh về tầm quan trọng và ứng dụng của nó); Giao nhiệm vụ cho các tổ chức, đơn vị có đủ năng lực nhằm thực hiện nhiệm vụ tốt nhất có thể dưới hình thức là đặt hàng, tuyển chọn, hoặc là giao trực tiếp; Giám sát hỗ trợ việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN và cuối cùng là quản lý đầu ra (kết quả ứng dụng sản phẩm đó như thế nào). Trong Luật KH&CN (sửa đổi) quy định rất rõ tất cả các đề tài KH&CN phải xác định được đầu ra, đây là điều kiện tiên quyết nếu như không đạt yêu cầu thì sẽ không duyệt, không cấp kinh phí.
Về cơ chế chi theo luật ngân sách nhà nước cho các doanh nghiệp KH&CN, có một số điểm cơ bản như:
Thứ nhất là đặt hàng theo từng mặt hàng sản phẩm cụ thể và có địa chỉ cụ thể. Thứ hai là thực hiện nhiệm vụ cơ chế khoán trọn gọi nhằm tránh tình trạng thanh toán theo kinh phí hành chính. Thứ ba là cấp kinh phí nhà nước với hình thức quỹ. Cụ thể, ngân sách nhà nước sẽ đưa về các quỹ như: Quỹ phát triển KH&CN quốc gia; Quỹ đổi mới KH&CN quốc gia; Quỹ đầu tư mạo hiểm,… như vậy cơ chế quỹ sẽ được giao cho người đứng đầu các tổ chức KH&CN và được chi theo cơ chế quỹ thay vì chi theo năm hành chính.
Tôi hy vọng và tin tưởng rằng các cơ chế đã được tháo gỡ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc sử dụng ngân sách nhà nước trên cơ sở đó huy động tối đa sự đóng góp của các đơn vị ngoài nhà nước
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Hiệp Tuyết (lược ghi)