Những năm gần đây, mặc dù còn khó khăn về ngân sách nhưng Chính phủ đã dành sự đầu tư đáng kể cho nghiên cứu khoa học cơ bản. Tuy nhiên, để đạt được kết quả tốt nhất, ngoài việc cải thiện môi trường nghiên cứu, các nhà khoa học Việt Nam rất cần sự hỗ trợ từ các định chế tài chính cũng như sự đầu tư không chỉ từ phía Nhà nước.
Mục tiêu cụ thể cho khoa học cơ bản
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Chu Ngọc Anh, khoa học cơ bản có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo ra kiến thức nền tảng cho sự phát triển và duy trì môi trường nghiên cứu, môi trường đào tạo chất lượng cao. Đây cũng là yếu tố sống còn để hình thành lực lượng nghiên cứu khoa học phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…
Cách đây 2 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 380/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật lý đến năm 2020. Gần đây nhất, tháng 4-2017, Thủ tướng ban hành Quyết định số 562/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017 - 2025. Mục tiêu cụ thể của chương trình là xây dựng được đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao, đồng thời phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ trong trường đại học, góp phần hình thành các trường đại học nghiên cứu. Chương trình đưa ra mục tiêu đến năm 2025 mỗi lĩnh vực hình thành 15 - 20 nhóm nghiên cứu mạnh, một số ngành đứng thứ 3 - 4 trong khối các nước ASEAN, tăng số lượng công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế, trung bình hằng năm từ 20 đến 25%, đối với ngành Khoa học biển từ 10 đến 15%.
Mặc dù các thống kê cho thấy số lượng các công bố quốc tế của Việt Nam hiện nay đã tăng lên đáng kể so với những năm trước, chỉ số mức độ ảnh hưởng của các bài báo cũng ở nhóm dẫn đầu trong khu vực ASEAN, song chất lượng nghiên cứu khoa học cơ bản trong nước còn có khoảng cách khá xa so với các nghiên cứu được thực hiện tại nước ngoài. Môi trường học thuật cũng còn nhiều rào cản.
GS.TS Phan Thanh Sơn Nam, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, đã phát biểu khi được nhận Giải thưởng KH-CN Tạ Quang Bửu năm 2017 cho công trình thuộc lĩnh vực hóa học: “Năm 2006, sau khi hoàn thành khóa thực tập sinh sau tiến sĩ tại Hoa Kỳ trở lại công tác tại trường, tôi thật sự chán nản khi triển khai nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam. Phải mất gần 4 năm, nhờ có sự ra đời của Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia (Nafosted) cùng sự đầu tư, ưu tiên kinh phí cho hoạt động nghiên cứu cơ bản mang tầm quốc tế của nhà trường và Sở KH-CN TP Hồ Chí Minh, tôi mới có cơ hội tiếp tục sống lại niềm đam mê của mình”.
Cần cơ chế tài chính gọn nhẹ
Các chương trình tài trợ của Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia mà GS.TS Phan Thanh Sơn Nam đề cập ở trên, từ khi thành lập (năm 2008) đã tập trung nguồn lực hỗ trợ nghiên cứu khoa học cơ bản. Cùng với Giải thưởng KH-CN Tạ Quang Bửu, quỹ đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách phát triển KH-CN. Nhờ vậy, số lượng các kết quả hình thành từ các tài trợ nghiên cứu của quỹ đã tăng lên đáng kể.
“Hơn 10 năm vất vả với các quy định tài chính, tôi rất mong muốn Việt Nam sớm có một cơ chế tài chính thật gọn nhẹ, hiệu quả, để các nhà khoa học có thể toàn tâm dành trọn thời gian cho các hoạt động chuyên môn”, GS. TS Phan Thanh Sơn Nam chia sẻ.
Cũng liên quan tới vấn đề tài chính, GS.TS Đặng Hùng Thắng (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng: Kết quả nghiên cứu cơ bản khó thương mại hóa, khó bán ra thị trường nên chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ kinh phí từ các đề tài. Do vậy, trường đại học cần tăng kinh phí cho các đề tài, đổi mới cơ chế xét duyệt và nghiệm thu, thanh quyết toán đề tài. Việc xét duyệt và cấp kinh phí đề tài cần nghiêm túc, minh bạch và được tiến hành bởi các hội đồng khoa học thực sự bảo đảm về chất lượng chuyên môn cũng như tính khách quan trong đánh giá. Việc nghiệm thu, thanh quyết toán nên theo cơ chế khoán sản phẩm, như vậy sẽ lược bớt khâu trung gian, thủ tục hành chính, giúp các giảng viên tiết kiệm thời gian để tập trung cho công tác nghiên cứu.
Cải thiện môi trường nghiên cứu khoa học cũng chính là yếu tố thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản. Theo GS.TS Đặng Hùng Thắng: "Việc nghiên cứu được tổ chức theo nhóm là xu thế chủ đạo hiện nay. Mà để hình thành nên nhóm nghiên cứu, điều kiện tiên quyết là phải có nhà khoa học có năng lực, uy tín, vạch ra hướng nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu rồi mới tập hợp đồng nghiệp".
Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học cho rằng, ngoài sự hỗ trợ của các định chế tài chính hay các động thái từ phía cơ quan quản lý nhà nước, hiện nay nghiên cứu khoa học cơ bản đang rất cần sự đầu tư từ nhiều phía. Như GS.TS Đào Tiến Khoa, Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân chia sẻ: "Hy vọng rằng cũng sẽ đến lúc khoa học cơ bản của Việt Nam có được sự hỗ trợ và đầu tư kinh phí thích đáng không chỉ từ ngân sách nhà nước mà còn từ các đối tượng xã hội khác nhau, đặc biệt từ phía các doanh nghiệp tư nhân lớn".