Chia sẻ ý kiến về dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi), ĐBQH, Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Nam Định Hoàng Thị Tố Nga cho rằng chính sách của Nhà nước để huy động đầu tư khu vực ngoài nhà nước cho khoa học và công nghệ, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học công nghệ…là yếu tố hết sức quan trọng phát triển khoa học công nghệ.
- Từ góc độ của người làm quản lý khoa học ở cơ sở, đại biểu có suy nghĩ gì về thực trạng hoạt động khoa học và công nghệ hiện nay ?
|
ĐBQH Hoàng Thị Tố Nga: Phải khẳng định rằng hiện nay hoạt động khoa học và công nghệ ở nước ta còn chịu nhiều quy định mang nặng tính hành chính, tư duy của thời bao cấp kế hoạch hóa. Việc xây dựng kế hoạch cho các đề tài, dự án khoa học và công nghệ hàng năm hay việc áp đặt cơ chế kế hoạch hóa cứng nhắc trong xây dựng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ giống như đối với đầu tư xây dựng cơ bản là không hợp lý. Để phê duyệt được danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo cách làm này và xây dựng dự toán kinh phí phải trải qua quy trình phức tạp, mất nhiều thời gian như đề xuất nhiệm vụ; thông qua hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ; xây dựng thuyết minh, dự toán; thông qua hội đồng xét chọn, tuyển chọn, các hội đồng thẩm định nội dung, kinh phí sau đó mới phê duyệt. Với quy trình này thường kéo dài từ khoảng 3- 9 tháng. Tuy nhiên sau khi các nhiệm vụ được phê duyệt, thường phải chờ 6-7 tháng mới được giao kinh phí, vì vậy từ khi hướng dẫn lập kế hoạch đến khi có kinh phí để thực hiện, thường mất 9-15 tháng (cá biệt như năm 2011 và năm 2012 phải mất hơn 2 năm). Qua đó nhiều nhiệm vụ khi được cấp kinh phí đã không còn tính thời sự hoặc không đủ kinh phí để triển khai do lạm phát cao. Điều này không phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ, chưa tạo điều kiện cho các nhà khoa học triển khai nghiên cứu kịp thời, hiệu quả.
- Thủ tục thanh toán, quyết toán đề tài, dự án là một tồn tại thưa đại biểu?
ĐBQH Hoàng Thị Tố Nga: Tôi cho rằng hiện nay thủ tục thanh toán, quyết toán đề tài, dự án vẫn rườm rà và phức tạp. Quy định quyết toán theo năm tài chính (kể cả để chuyển nguồn) làm các nhà khoa học phải mất một phần lớn thời gian vào công việc thanh quyết toán, do vậy dẫn đến hiệu quả nghiên cứu không cao.
Ngoài ra, dự toán kinh phí của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ là trong dự toán không có nội dung chi lương và hoạt động bộ máy. Điều này chỉ phù hợp khi tất cả các tổ chức khoa học và công nghệ đều là tổ chức công lập. Các tổ chức này đã được Nhà nước chi lương và hoạt động bộ máy nên các nội dung chi này không được đưa vào dự toán kinh phí của nhiệm vụ. Khác với các tổ chức công lập, các tổ chức ngoài công lập không được NSNN đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên.Vì vậy, họ phải tính chi phí tiền lương và hoạt động bộ máy trong dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Điều này gây ra sự mất bình đẳng về dự toán kinh phí giữa các tổ chức khoa học và công nghệ công lập và ngoài công lập khi tham gia tuyển chọn, xét chọn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng NSNN.
- Theo đại biểu, việc đổi mới khoán chi cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sẽ đem lại những thuận lợi ?
ĐBQH Hoàng Thị Tố Nga: Khoán chi cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đến sản phẩm cuối cùng là một trong những giải pháp đổi mới đồng bộ cơ chế tài chính, góp phần tiết kiệm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng của các sản phẩm nghiên cứu. Bởi vì nghiên cứu khoa học khác với quá trình sản xuất khi các thông số kỹ thuật chưa được xác lập chính xác mà cần được nghiên cứu để xây dựng nó. Nhiều khi trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu, để đạt được mục đích cuối cùng một cách hiệu quả nhất người ta phải thay đổi cách giải quyết và nội dung nghiên cứu. Do đó, việc thay đổi vật tư nguyên vật liệu trong quá trình thực hiện đề tài là điều khó tránh khỏi. Tôi dẫn chứng như kinh phí mua hóa chất vật tư đã được mua một lần trong quá trình đầu thầu cho cả năm, nên không còn kinh phí mua hóa chất, vật tư thật sự cần thiết khi đề tài có sự thay đổi nội dung nghiên cứu. Để phù hợp với tính chất nghiên cứu thì các hóa chất nên được mua dần dần theo nhu cầu của đề tài.
- Đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học công nghệ có phải là điều đại biểu quan tâm đóng góp cho dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) ?
ĐBQH Hoàng Thị Tố Nga: Tôi quan tâm nhất là những vấn đề về chính sách của Nhà nước để huy động đầu tư của khu vực ngoài nhà nước cho khoa học và công nghệ, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học công nghệ. Tại Kỳ họp thứ Tư tôi đã có bài phát biểu về những vấn đề này. Dự án Luật Khoa học và công nghệ trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm đã được UBTVQH và Ban soạn thảo tiếp thu một cách rất đầy đủ và cẩn trọng các ý kiến của các ĐBQH tại Kỳ họp thứ Tư, trong đó có những ý kiến của tôi.
Trong dự án Luật quy định Nhà nước bảo đảm chi cho khoa học và công nghệ từ 2% trở nên trong tổng chi ngân sách hàng năm, tương đương 0,5-0,6% GDP. Tuy nhiên tổng đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ là rất thấp, chủ yếu là nguồn từ ngân sách nhà nước, nguồn tài chính ngoài ngân sách đầu tư cho khoa học và công nghệ nhất là từ doanh nghiệp còn rất thấp. Hiện nay tỷ lệ đầu tư công, đầu tư xã hội cho hoạt động này ở nước ta là 1:4, 1:5 trong khi ở các nước trên thế giới thì tỷ lệ này ngược lại. Vì vậy trong điều kiện kinh tế hiện nay của các doanh nghiệp thì việc quy định doanh nghiệp trích ít nhất 10% lợi nhuận trước thuế vào việc nghiên cứu đổi mới công nghệ là phù hợp.
|
Dự thảo Luật đã bổ sung và nhấn mạnh hơn về chính sách của Nhà nước để huy động các nguồn lực xã hội, vai trò của doanh nghiệp trong đầu tư cho khoa học và công nghệ, bổ sung riêng 3 điều quy định tương đối cụ thể về chính sách của Nhà nước trong việc trọng dụng thu hút nhân tài. Đặc biệt dự thảo đã giữ nguyên quy định về trường đại học là tổ chức nghiên cứu khoa học như Luật Khoa học và công nghệ năm 2000. Tôi cho rằng giữ lại điều này là rất phù hợp, vì cần phải coi nghiên cứu khoa học là xương sống của trường đại học để tiến tới xây dựng các trường đại học đạt chuẩn quốc tế và gắn kết giữa học lý thuyết và thực hành.
Tuy nhiên, tôi đề nghị dự thảo luật nên bổ sung thêm những quy định về sự liên kết giữa các trường đại học và các viện nghiên cứu ngoài nhà trường với lý do sau: Thứ nhất, hiện tại ở nước ta đang thực hiện theo mô hình các viện nghiên cứu khoa học trực thuộc các bộ, ngành chuyên môn, các trường đại học thì trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học và các viện nghiên cứu này hoạt động gần như độc lập. Như vậy dẫn đến việc rất lãng phí nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất của nhà trường và viện nghiên cứu. Vì trường đại học là nơi tập trung những nhà khoa học đầu ngành và những sinh viên giỏi được đào tạo cơ bản lại ít có cơ hội để được nghiên cứu khoa học và thực hành, ứng dụng lý thuyết vào thực tế, sẽ có trường hợp giảng dạy không đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Còn ở các viện nghiên cứu cũng có nhiều những nhà khoa học giỏi chỉ nghiên cứu không có cơ hội để giảng dạy, do đó không truyền đạt được những kinh nghiệm thực tế cho sinh viên.
Tiếp đến thực tế hiện nay nhiều sinh viên khi đã tốt nghiệp ra trường thì việc ứng dụng nghiên cứu khoa học và công nghệ còn rất hạn chế và phải qua đào tạo lại tại cơ sở. Vì vậy tôi đề nghị nên có những quy định tại dự thảo luật để thể hiện có sự gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục đào tạo và nghiên cứu triển khai, hoặc thực hiện theo mô hình Viện-Trường như nhiều nước trên thế giới, sinh viên được đào tạo trong môi trường giảng dạy, kết hợp nghiên cứu khoa học, không bị tách rời thực tiễn xã hội để đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước.
- Xin cám ơn đại biểu!