Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 12:17 pm
Cập nhật : 04/01/2013 , 08:01(GMT +7)
Hướng đi mới cho thương mại hóa công nghệ tại Việt Nam
Hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ tại Hà Nam.
Thương mại hoá công nghệ là một khâu quan trọng trong việc đưa kết quả hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên hiện nay, hoạt động này ở Việt Nam còn hạn chế.

Để thúc đẩy thương mại hóa các nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao, Bộ KH&CN đang phối hợp với các đối tác xây dựng dự thảo đề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình mẫu Thung lũng Silicon”.

Theo mô hình này, nhà khoa học không chỉ là những người nghiên cứu mà còn là những doanh nhân kinh doanh trên chính sản phẩm nghiên cứu của mình và có thể tự quản lý, phát triển công trình nghiên cứu đó một cách độc lập.

Thị trường tiềm năng

Mỗi năm có hàng nghìn kết quả nghiên cứu, sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, tổ chức trong các doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu trong nước và từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài đăng ký tại Việt Nam. Ngoài ra, cũng phải kể đến nguồn kết quả nghiên cứu, giải pháp hữu ích đến từ các nhóm đơn lẻ, cá nhân, thường được biết đến với cái tên “sáng chế nông dân”. Nhiều kết quả nghiên cứu thuộc nhóm này có tiềm năng ứng dụng lớn vì nó xuất phát từ bài toán thực tiễn sản xuất. Đây là nguồn tài sản trí tuệ rất lớn đóng góp vào nguồn các kết quả nghiên cứu, sáng chế phục vụ khai thác thương mại, phát triển sản xuất ở nước ta.

Thực tế, đã có rất nhiều nghiên cứu trong các lĩnh vực đến với người dân, được ứng dụng rộng rãi, đã và đang trở thành đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Trong nông nghiệp, các sản phẩm như lúa gạo, thủy sản, hạt tiêu, cà phê, cao su,… luôn đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho đất nước. Đến nay, hơn 170 giống lúa được công nhận, trong đó có nhiều giống lúa lai tốt như VL20, TH3-3, HY83,… 90% diện tích đất được trồng bằng các giống lúa cải tiến.

Trong công nghiệp, từ kết quả nghiên cứu của một số chương trình KH&CN, Việt Nam đã thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp 220kV – 250MVA với giá thành thấp hơn giá nhập khẩu (khoảng 2 triệu USD so với giá nhập khẩu 2,4 triệu USD), chất lượng tương đương với sản phẩm cùng loại của Châu Âu. Kết quả nghiên cứu công nghệ sản xuất xăng sinh học và dầu diezen sinh học đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất các nhiên liệu này.

Các nhà nghiên cứu trẻ của Việt Nam đã làm chủ công nghệ và sản xuất được các chip bán dẫn, thẻ và đầu đọc có khả năng ứng dụng cao; sáng tạo ra các phần mềm an toàn, an ninh mạng; phần mềm tìm kiếm thông tin tiếng Việt được xếp hạng trình độ cao trên thế giới, công nghệ chế tạo các khớp thủy lực cho các robot công nghiệp.

Thành tựu và những đóng góp cho phát triển kinh tế của KH&CN cũng như tiềm năng, kho tài sản trí tuệ dồi dào của đất nước đã được khẳng định. Nếu khai thác tốt, nguồn tài sản trí tuệ này sẽ mang lại hiệu quả to lớn để đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất và kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, hiện ở nước ta hệ thống tổ chức thị trường KH&CN hoạt động theo đúng nghĩa chưa được hình thành, mới chỉ có các tổ chức hoạt động liên quan đến môi giới, chuyển giao công nghệ.

Thương mại hóa công nghệ hiện còn nhiều hạn chế so với nhu cầu. Sản phẩm được thương mại hóa chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong số các đề tài nghiên cứu. Phần lớn các hoạt động về giao dịch công nghệ diễn ra nhỏ lẻ thông qua chợ công nghệ và thiết bị hàng năm và các sàn giao dịch. Một phần nguyên nhân do các viện, trường chưa mạnh dạn đưa sản phẩm ra thị trường, luật pháp về thực thi quyền sở hữu trí tuệ,…

Nhà khoa học kiêm... doanh nhân

Trên cơ sở khảo sát tình hình thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon đã hoạt động thành công ở Mỹ và một số nước như Ấn Độ, Hàn Quốc,… Bộ KH&CN đã giao Văn phòng Phối hợp Phát triển Môi trường KH&CN, Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển SENA triển khai nghiên cứu đề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình mẫu Thung lũng Silicon” với mục tiêu tạo thêm một môi trường lý tưởng để hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN. Đề án đang được lấy ý kiến rộng rãi để làm cơ sở cho việc hoàn thiện, sớm trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt và có thể triển khai trong năm 2013.

Theo nhóm thực hiện đề án, Thung lũng Silicon là trung tâm công nghệ cao của Mỹ, là cái nôi của ngành công nghiệp sản xuất con chip silicon với các công ty máy tính nổi tiếng hàng đầu thế giới như Intel, HP,… Thung lũng Silicon được toàn thế giới biết đến như một biểu tượng cho ngành công nghiệp công nghệ cao của nước Mỹ.

Đây là một thị trường, nơi các công nghệ mới gặp gỡ được với nhà đầu tư mạo hiểm và kết hợp lại trở thành những doanh nghiệp khởi nghiệp với mức tăng trưởng nhanh chóng. Nơi đây cũng phản ánh toàn bộ tình hình về đầu tư mạo hiểm cho công nghệ tại Mỹ, là biểu tượng cho một văn hóa của những sự đổi mới và đầu tư mạo hiểm.

TS. Nguyễn Sơn Lộ, Chủ nhiệm Văn phòng Phối hợp Phát triển Môi trường KH&CN cho biết, nếu đưa vào thực hiện mô hình Thung lũng Silicon sẽ đồng nghĩa với việc toàn xã hội chung tay góp phần xây dựng môi trường phát triển KH&CN, tận dụng được tối đa các công trình nghiên cứu của nhà khoa học trong nước. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ được đưa ra đánh giá, xem xét tính khả thi, mức độ phù hợp đáp ứng nhu cầu của thị trường, của xã hội và tính thương mại hóa. Điều đó sẽ khuyến khích, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu bức thiết của xã hội, tạo ra cơ hội đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận cho các nhà đầu tư.

Trong mô hình nghiên cứu của Thung lũng Silicon, các nhà khoa học không chỉ được tư vấn về đề tài chuyên môn, mà còn được đào tạo về kỹ năng quản lý căn bản, kỹ năng thuyết trình, lập kế hoạch kinh doanh,… theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhà khoa học không còn đơn thuần là những người nghiên cứu mà còn là những doanh nhân, kinh doanh trên chính sản phẩm nghiên cứu của mình, có thể tự quản lý hoặc phát triển công trình nghiên cứu của mình một cách độc lập.

Trong Thung lũng Silicon của Việt Nam, các nhà khoa học có thể có các nguồn tài trợ đến từ nhiều đối tượng khác nhau. Hơn thế nữa, những tài trợ này được cung cấp cho các nhà khoa học ngay từ khi họ có ý tưởng, đề xuất nghiên cứu sơ bộ cho công nghệ đến khi hoàn thành nghiên cứu và lập được kế hoạch kinh doanh cụ thể mang tính chiến lược.

Đây sẽ là bàn đạp vững chắc để nước ta có thêm ngày càng nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp chất lượng cao, thu hút ngày một nhiều vốn đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước, đưa nền kinh tế Việt Nam tiến xa hơn nữa trong tương lai.

Ông Vũ Duy Dũng, Trung tâm Ươm tạo và Hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), mục đích của Chương trình là tạo ra các doanh nghiệp công nghệ mới thành công với phương thức thực hiện theo một chu trình khép kín gồm các khâu: Tuyển chọn đầu vào theo tiêu chí, đào tạo doanh nhân và thương mại hóa công nghệ; quy hoạch doanh nghiệp, đánh giá thẩm định; hỗ trợ đầu tư từ chính phủ và tiếp cận đầu tư từ nguồn xã hội hóa; doanh nghiệp thành công. Đây là hướng đi rất mới và táo tạo hứa hẹn đem lại nhiều thành công cũng như một chương trình khép kín tối ưu huy động được mọi nguồn lực xã hội trợ giúp doanh nghiệp KH&CN khởi nghiệp.

Rất nhiều quốc gia đã từng áp dụng mô hình này thành công như Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc,… Tuy nhiên, để áp dụng thành công mô hình này tại Việt Nam, ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN (Bộ KH&CN) cho rằng, ngoài việc phải phân tích kỹ những mô hình thương mại hóa theo Thung lũng Silicon cần phân tích kỹ mô hình ở các nước đã áp dụng thành công. Từ đó, rút ra những bài học ứng dụng cho mô hình thương mại hóa công nghệ ở Việt Nam.

Nguyễn Hạnh

Nguồn tin: Lao động cuối tuần

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner