Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 26/11/2024 , 08:29 am
Cập nhật : 06/11/2013 , 21:11(GMT +7)
Hướng đi bằng năng lực nội sinh
Khu công nghệ cao đã có nhiều thay đổi tích cực sau 11 năm xây dựng.
Hiện tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP), các dự án chuyên về nghiên cứu phát triển công nghệ cao từ các đơn vị KH-CN chiếm tỷ trọng lớn với vốn đầu tư khá cao, như Microchip, Viện Công nghệ cao Hutech, Trung tâm đào tạo và nghiên cứu đại học FPT… Đây cũng là chuyển biến đầu tư tích cực với mục tiêu đi vào sáng tạo công nghệ bằng năng lực nội sinh, một bước đi hết sức quan trọng trong làm chủ công nghệ cũng như tăng giá trị gia tăng. PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với TS Dương Minh Tâm, Phó Trưởng ban Quản lý SHTP xoay quanh vấn đề này.

- PV: Trong năm 2013, các dự án chuyên về nghiên cứu phát triển công nghệ cao chiếm tỷ trọng lớn tại SHTP. Chuyển biến này nói lên điều gì và đây có phải là kết quả ban đầu của bước chuyển mình chuyển từ lượng sang chất?

>> TS DƯƠNG MINH TÂM: Từ năm 2012, Ban Quản lý SHTP ưu tiên thu hút các dự án nghiên cứu phát triển, đào tạo nhân lực trình độ cao nên đã tạo một bước ngoặt về chất lượng dự án đầu tư vào SHTP. Có thể kể đến dự án Sanofi với trung tâm nghiên cứu phát triển R&D, dự án Nghiên cứu công nghệ mới và đào tạo nhân lực trình độ cao của FPT và các dự án về R&C công nghệ cao đang chuẩn bị tiếp tục được xem xét cấp phép. Nếu lấy tiêu chí cơ cấu, tỷ lệ trình độ nhân lực của các dự án để đánh giá chất lượng các hoạt động sản xuất, nghiên cứu công nghệ mới thì chúng ta thấy rõ chuyển biến về chất: vào năm 2010, tỷ lệ lao động trình độ cao (đại học, sau đại học) trong tổng số lao động chỉ đạt trên 10%, thì đến năm 2013, tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tại SHTP đã đạt đến 30%. Như vậy có thể nói SHTP đang dẫn đầu về nhân lực công nghệ và còn có sự gia tăng nhanh về sản lượng sản phẩm công nghệ cao theo thống kê hàng năm. Như năm 2010 sản lượng xuất khẩu đạt nửa tỷ USD, qua năm 2011 là 1 tỷ USD, 2012 đạt trên 2 tỷ USD và dự kiến năm 2013 sẽ trên 3 tỷ USD.

- Dự án sản xuất bóng nong mạch vành và stent phủ thuốc công nghệ nano không phủ thuốc của Công ty CP United Healthcare; Dự án hoàn thiện và chế tạo chip UV - LED tại SHTP có gì khác biệt, nhất là về giá trị gia tăng so với các dự án khác?

Dự án sản xuất bóng nong mạch vành và stent phủ thuốc công nghệ nano của United Healthcare và dự án chế tạo linh kiện bán dẫn của Công ty UVP đều là dự án với quy mô nhỏ, khoảng trên dưới 10 triệu USD, nhưng về bản chất các dự án này đều là dự án mục tiêu của khu công nghệ cao, nghĩa là dự án tăng cường, nâng cao tiềm lực nội sinh về KH-CN của Việt Nam. Cũng như dự án của Công ty Nanogen về dược phẩm đang phát triển rất tốt, các dự án công nghệ mới, công nghệ cao của doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu từ đầu tư khiêm tốn nhưng tăng nhanh về doanh số do giá trị gia tăng rất cao và có ngay thị trường trong nước thay thế hàng ngoại nhập phục vụ công nghiệp và đời sống, đồng thời cơ hội xuất khẩu khá sáng sủa do giá thành rẻ, chất lượng không thua kém sản phẩm công nghệ cao của nước ngoài.

- Với việc chế tạo thành công sản phẩm chip FRED của Công ty TNHH Quang lượng tử Việt - Mỹ (UPV) và lô hàng đầu tiên đã xuất khẩu vào tháng 9-2013 có thể được xem là sản phẩm bán dẫn đầu tiên sản xuất trong nước xuất khẩu. Vậy triển vọng giá trị mang lại cho doanh nghiệp cũng như SHTP trong dự án này?

Lô sản phẩm chíp FRED của UPV được chế tạo thành công tại SHTP và lô hàng đầu tiên được xuất đi Trung Quốc là sự kiện khẳng định sản phẩm bán dẫn đầu tiên sản xuất trong nước xuất khẩu thành công. Chính kết quả này đã thêm động lực cho các doanh nghiệp tại đây tăng cường nghiên cứu triển khai sản phẩm công nghệ cao và có kế hoạch mở rộng đầu tư cho sản phẩm mới. Cũng cần nói thêm, các thuốc trị bệnh viêm gan, ung thư từ công nghệ mới sản xuất tại SHTP không chỉ có mặt ở các bệnh viện trong nước mà đã xuất qua Trung Đông, các nước châu Phi, châu Âu; hay các sản phẩm phần mềm “made in SHTP” của FPT đã có khách hàng tại Singapore, Nhật… Chính vì thế Ban Quản lý SHTP tin tưởng các chính sách ưu đãi sản xuất, nghiên cứu công nghệ cao của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đã bắt đầu có các kết quả cụ thể.

Trong lĩnh vực vi mạch, chế tạo thành công chip cảm biến áp suất bằng công nghệ MEMS hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC- Đại học Quốc Gia TPHCM) với ứng dụng đa dạng trong công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng an ninh cũng là một trong những kết quả của SHTP trong đi tìm giá trị gia tăng. Điều này thể hiện hướng đi vào các sản phẩm phục vụ đời sống cũng như thị trường chíp thiết kế đơn giản, chế tạo ít phức tạp, ít tốn kém hơn… là hướng đi riêng chứ việc chế tạo chip để cạnh tranh với các tập đoàn lớn như Intel, Samsung, TSMC là chuyện không tưởng đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Qua đây có thể khẳng định hợp tác Đại học - Công nghiệp công nghệ cao đã diễn ra đúng hướng và ngày càng có hiệu quả tại SHTP.

 

Nguồn tin: Sài Gòn giải phóng

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner