Sử dụng phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt tràn lan, cùng với sự gia tăng chất thải trong chăn nuôi đang khiến cho môi trường ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Ứng dụng công nghệ để xử lý ô nhiễm môi trường là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam hiện nay.
Thực trạng đáng “báo động”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: Mặc dù đóng góp tới gần 9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nhưng ngành trồng trọt cũng là lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do thâm canh tăng vụ, tăng sản lượng, tình trạng sâu bệnh gia tăng đi kèm với sự suy giảm độ màu của đất khiến nông dân gia tăng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vượt mức cho phép nhiều lần. Việc mở rộng các vùng cây công nghiệp giá trị cao cũng làm cạn kiệt các nguồn nước, thải ra môi trường nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nồng độ cao.
Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản cũng đang gặp phải vấn đề tương tự. Việc đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, tăng năng suất tại các vùng nuôi tôm tập trung, trong đó chủ yếu là tôm sú đã làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước.
Cùng với đó, tình trạng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt một cách tràn lan, không có kiểm soát đã gây ô nhiễm môi trường đất, nước. Theo ước tính có khoảng 60 - 65% lượng phân đạm không được hấp thụ, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái nông nghiệp như làm chai cứng đất, ô nhiễm nguồn nước và có thể gây đột biến gen một số loại cây trồng.
Ông Triệu Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết: Tính đến nay, lượng thuốc BVTV ngoài danh mục được phép sử dụng, quá hạn sử dụng còn tồn đọng cần tiêu hủy là hơn 700kg (dạng rắn) và hơn 3.400 lít (dạng lỏng).
Hướng đến nền nông nghiệp sạch
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp cần khuyến khích người dân chăn nuôi theo tiêu chuẩn GAP hay các tiêu chuẩn quốc tế thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, cần đầu tư nghiên cứu làm rõ thành phần chất thải theo thời gian chăn nuôi, xác định rõ tải lượng các chất ô nhiễm môi trường. Đầu tư nghiên cứu và xây dựng thử nghiệm mô hình xử lý chất thải phát sinh từ chăn nuôi.
Chú trọng đến giải pháp hồ sinh học kết hợp với cánh đồng tưới trong nông nghiệp. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và sử dụng các chế phẩm sinh học trong thâm canh cây trồng, phòng trừ dịch hại nhằm hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp sạch và bền vững.
Hiện nay để xử lý môi trường trong chăn nuôi, hai biện pháp được đánh giá có nhiều ưu điểm là sử dụng công nghệ khí sinh học biogas và chế phẩm sinh học EM.
Theo GS.TS Nguyễn Quang Thạch, Đại học Nông nghiệp I Hà Nội: ngoài hầm biogas, sử dụng chế phẩm sinh học EM trong chăn nuôi sẽ làm cho chất thải phân huỷ nhanh, khử mùi tốt và giảm quần thể côn trùng, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Ông Triệu Văn Hùng đề xuất: trong thời gian tới cần xây dựng chương trình nghiên cứu về môi trường và biến đổi khí hậu; tăng cường các hoạt động chuyển giao công nghệ, sử dụng công nghệ mới xử lý ô nhiễm môi trường trong sản xuất công nghiệp và nông thôn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2015, Bộ sẽ tăng cường hệ thống quan trắc bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tổ chức điều tra, đánh giá tác động tại các vùng sản xuất nông nghiệp có ảnh hưởng xấu tới môi trường và đẩy mạnh triển khai các dự án khắc phục suy thoái môi trường.
Theo thống kê của Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cả nước hiện có khoảng 18.000 trang trại chăn nuôi, với tổng đàn gia súc ước tính gần 38 triệu con và 300 triệu con gia cầm. Theo đó, tổng khối lượng chất thải từ chăn nuôi ra môi trường lên tới 84,45 triệu tấn/năm.
Trong đó, nhiều nhất là chất thải từ lợn (24,96 triệu tấn), tiếp đến gia cầm (21,96 triệu tấn) và bò (21,61 triệu tấn). Theo chiến lược phát triển của ngành chăn nuôi, tỷ trọng chăn nuôi trang trại và công nghiệp sẽ tăng lên 58-60% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020, thì những con số này sẽ còn cao hơn nữa.
|
Hải Ngọc