Thông tin được đưa ra tại Hội thảo Hướng dẫn cung cấp dữ liệu và hồ sơ minh chứng phục vụ tính toán chỉ số PII năm 2023 do Bộ KH&CN tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến ngày 22/6/2023. Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang tham dự và chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có ông Hoàng Minh, Giám đốc Học viện KH,CN&ĐMST, đại diện Sở KH&CN và nhiều sở, ban ngành liên quan của các địa phương trên cả nước.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho biết, thực hiện phân công của Chính phủ tại Nghị quyết 12/NQ-CP ngày 30/01/2022, Bộ KH&CN đã tích cực phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và các cơ quan liên quan xây dựng Bộ chỉ số PII và đã tổ chức triển khai thử nghiệm tại 20 tỉnh, thành phố ở 6 vùng kinh tế, có mức thu nhập, cơ cấu kinh tế khác nhau đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Trên cơ sở kết quả thử nghiệm năm 2022, tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2023, Chính phủ đã giao Bộ KH&CN “chính thức triển khai bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023”.
Việc Chính phủ giao nhiệm vụ triển khai Bộ chỉ số PII trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023 có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Bộ KH&CN, các Sở KH&CN mà còn với cả các cơ quan, tổ chức khác, qua đó tăng cường vai trò và đóng góp quan trọng của KHCN&ĐMST trong phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Các Sở KH&CN tham gia hội thảo tại các điểm cầu.
Cũng theo Thứ trưởng, Bộ chỉ số PII thử nghiệm thành công năm 2022 tại 20 tỉnh, thành phố cho thấy có một số khó khăn, vướng mắc ban đầu, nhưng sau đó hầu hết các Sở KH&CN tham gia đều thu thập, cung cấp được các thông tin theo yêu cầu để phục vụ đánh giá, xếp hạng. Đặc biệt, có Sở KH&CN đã kịp thời sử dụng kết quả đánh giá năm 2022 để tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo địa phương về các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH,CN&ĐMST được lãnh đạo địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ KH&CN, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đề nghị Học viện KH,CN&ĐMST, các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là các Sở KH&CN với vai trò là đơn vị đầu mối ở địa phương cần chủ động, tích cực phối hợp hiệu quả để hoàn thành tốt nhiệm vụ Chính phủ phân công.
Tại hội thảo, đại diện Học viện KH,CN&ĐMST đã trình bày, giới thiệu với các tỉnh, thành phố về Bộ chỉ số PII, các chỉ số do địa phương trực tiếp cung cấp dữ liệu kèm theo tài liệu minh chứng.
Nhấn mạnh việc xây dựng Bộ chỉ số PII là tất yếu với các địa phương, ông Hoàng Minh - Giám đốc Học viện KH,CN&ĐMST cho rằng, chúng ta đang chuyển đổi từ phát triển kinh tế - xã hội dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ sang phát triển dựa trên KH,CN&ĐMST, tuy nhiên mỗi địa phương có mục đích, điều kiện, định hướng phát triển khác nhau. Do đó, mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH,CN&ĐMST của mỗi địa phương sẽ khác nhau, đòi hỏi phải có bộ chỉ số mô tả được mô hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương dựa trên KH,CN&ĐMST với những chỉ tiêu, chỉ số cụ thể.
“Ý nghĩa lớn nhất của việc xây dựng bộ chỉ số PII là biết được hiện trạng phát triển, căn cứ và bằng chứng về điểm mạnh, điểm yếu, về các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KHCN&ĐMST của từng địa phương, giúp các nhà hoạch định chính sách, các cấp lãnh đạo của địa phương có cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định, lựa chọn các định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương dựa trên KHCN&ĐMST”, ông Hoàng Minh cho biết.
Ông Hoàng Minh - Giám đốc Học viện KHCN&ĐMST phát biểu tại Hội thảo.
Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương năm 2023 có 51 chỉ số, chia làm 7 trụ cột theo nguyên lý của bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Trong 51 chỉ số, có 13 chỉ số do địa phương cung cấp dữ liệu, dữ liệu cho các chỉ số còn lại sẽ được lấy từ cơ quan thống kê, cơ quan quản lí nhà nước ở Trung ương và một số bộ chỉ số đã có khác.
Ngày 02/6/2023, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã có công văn số 1652/BKHCN-HVKHCN gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc phối hợp triển khai bộ chỉ số PII từ năm 2023, trong đó đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, giao nhiệm vụ cho Sở KH&CN làm đơn vị đầu mối phối hợp với Bộ KH&CN và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thu thập các dữ liệu, tài liệu minh chứng của địa phương; đồng thời giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan trên địa bàn phối hợp, cung cấp thông tin, số liệu theo yêu cầu của Sở KH&CN để phục vụ tính toán chỉ số PII hằng năm.
Tại hội thảo, một số địa phương tham gia thử nghiệm bộ chỉ số PII năm 2022 đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai. Lãnh đạo và cán bộ đầu mối xây dựng chỉ số PII của Học viện KHCN&ĐMST đã giải đáp, cung cấp thông tin liên quan đến nhiều vấn đề do các địa phương đặt ra liên quan đến việc duy trì một đầu mối tổng hợp thông tin của địa phương; khó xác nhận số liệu của một số chỉ số; cơ chế tài chính cho đối tượng cung cấp thông tin; tập huấn cho các Sở KH&CN...
Box: Quy trình cung cấp dữ liệu và hồ sơ minh chứng phục vụ tính toán Chỉ số PII năm 2023
Bước 1: Các địa phương tham gia tập huấn.
Bước 2: Sở KH&CN phối hợp với các sở, ban ngành thu thập và cung cấp dữ liệu.
Bước 3: Các sở, ban, ngành rà soát các báo cáo, nguồn dữ liệu, tổng hợp dữ liệu theo yêu cầu và gửi Sở KH&CN kèm tài liệu minh chứng (bản cứng kèm theo công văn và bản mềm).
Bước 4: Sở KH&CN rà soát, kiểm tra, đối chiếu dữ liệu và tài liệu minh chứng do các sở, ban, ngành cung cấp và đề nghị các sở, ban, ngành xác nhận, làm rõ nếu phát hiện dữ liệu và tài liệu minh chứng có sai khác, chưa đầy đủ hoặc không hợp lý.
Bước 5: Sở KH&CN gửi dữ liệu và tài liệu minh chứng cho Bộ KH&CN thông qua Học viện KH,CN&ĐMST (bản cứng kèm theo công văn) và nhập dữ liệu, tải tài liệu minh chứng (bản mềm) lên phiếu thu thập dữ liệu trực tuyến trước ngày 31/7 hàng năm; gửi dữ liệu và tài liệu minh chứng về UBND tỉnh, thành phố để xem xét, cho ý kiến (nếu cần) và thông báo cho Bộ KH&CN các ý kiến của UBND tỉnh, thành phố (nếu có).
Bước 6: Bộ KH&CN tiếp nhận dữ liệu do Sở KH&CN cung cấp (bản cứng và trực tuyến) và thông báo tình hình tiếp nhận dữ liệu cho sở KH&CN.
Bước 7: Bộ KH&CN rà soát, kiểm tra, đối chiếu dữ liệu và tài liệu minh chứng.
Bước 8: Bộ KH&CN thông báo cho Cơ quan đầu mối của địa phương (Sở KH&CN) để tiếp tục làm rõ thông tin (nếu cần).
Bước 9: Sở KH&CN rà soát, kiểm tra, đối chiếu dữ liệu và tài liệu minh chứng do các sở, ban, ngành đã cung cấp; đề nghị các sở, ban, ngành xác nhận, làm rõ, sau đó gửi công văn xác nhận, làm rõ dữ liệu kèm tài liệu minh chứng; gửi dữ liệu và tài liệu minh chứng liên quan về UBND tỉnh, thành phố để xem xét, cho ý kiến (nếu cần) và thông báo cho Bộ KH&CN các ý kiến của UBND tỉnh, thành phố (nếu có).
Bước 10: Bộ KH&CN xác nhận dữ liệu do Sở KH&CN đã xác minh, kiểm tra; tập hợp dữ liệu phục vụ tính toán. Trường hợp dữ liệu và tài liệu minh chứng vẫn còn sai khác, chưa đầy đủ, bất hợp lý thì quay lại Bước 8.
Tin, ảnh: Linh Chi