Cuối tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cùng đoàn công tác của Bộ đã tham dự cuộc tọa đàm về hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, và làm việc với một số cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ. Về kết quả chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết:
Quan hệ hợp tác 12 năm qua về mặt KHCN giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ, đang ngày càng phát triển và đã đạt được một số thành tựu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Vì vậy, trong chuyến công tác của Bộ KH&CN lần này tới Hoa Kỳ nhằm mục đích bàn thảo với các cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ về việc tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác KH&CN, GD&ĐT giữa hai nước trong bối cảnh chính phủ hai nước đang đàm phán nâng quan hệ lên đối tác chiến lược.
Đoàn chúng tôi đã có những buổi làm việc với:
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hai bên đã thống nhất một số giải pháp nhằm tăng cường hợp tác KHCN giữa hai nước, đặc biệt trên một số lĩnh vực công nghệ cao: công nghệ vũ trụ, hải dương học, điện hạt nhân và giáo dục đại học, thông qua đầu mối là Đại sứ quán của hai nước. Phía Việt Nam, căn cứ vào kết quả hoạt động hết sức hiệu quả của Quỹ giáo dục Việt Nam VEF (Hoa Kỳ) trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (trong số 424 học viên của VEF đã có 176 người tốt nghiệp, chủ yếu ở trình độ tiến sĩ ở các lĩnh vực CNTT, CNSH,…) đã đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kiến nghị với Chính phủ Hoa Kỳ kéo dài thời gian hoạt động của VEF.
Trong buổi làm việc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, một trong những vấn đề quan trọng liên quan đến triển khai nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam là đàm phán việc ký kết Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự (thường gọi là hiệp định 123) với Hoa Kỳ, đoàn công tác của Bộ KH&CN đã thống nhất được với đoàn đàm phán của Hoa Kỳ những nguyên tắc cơ bản của hiệp định này. Tháng 7, 8 năm nay, vòng đàm phán tiếp theo về hiệp định này sẽ được tiến hành ở Việt Nam nhằm giải quyết những vướng mắc còn tồn tại để đi tới ký kết hiệp định, tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.
NASA – cơ quan quản lý và thực hiện các dự án lớn của Hoa Kỳ về công nghệ vũ trụ và không gian. Tháng 9.2011, Cơ quan này đã ký tuyên bố ý định hợp tác với Viện KHCN Việt Nam. Cuộc gặp của tôi với ông Giám đốc NASA tuy là cuộc gặp xã giao nhưng cũng đã bàn đến tiến độ một số hợp tác khác của NASA ở Việt Nam, về dự án GLOBE và SERVIR phục vụ giáo dục và bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu.
Công ty Westinghouse – một công ty hiện đang sở hữu công nghệ nhà máy điện hạt nhân AP1000, là thế hệ 3+ công suất 1.000 Megawat, có độ an toàn nhất so với các nhà máy điện hạt nhân hiện tại (AP1000 có thể chịu đựng được những thảm họa kép xảy ra như ở Fukushima, Nhật Bản nhờ hệ thống bảo vệ thụ động passive). Hiện nay, ở Mỹ và Trung Quốc đang xây dựng 4 nhà máy với công nghệ AP1000. Họ rất muốn bán công nghệ AP1000 cho Việt Nam (tất nhiên điều này còn phụ thuộc vào kết quả thẩm định báo cáo FS của các nhà thầu Nhật Bản và Nga – các quốc gia đang giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên).
Văn phòng nghiên cứu hải quân (ONR), cuộc làm việc với ông Chuẩn Đô đốc Matthew Klunder mang tính xã giao, trong đó đoàn đã thông báo cho phía Hoa Kỳ về việc tàu nghiên cứu hải dương của Hoa Kỳ đã cập cảng Đà Nẵng, tiến hành chương trình đào tạo các nhà khoa học Việt Nam để họ làm quen với những thiết bị nghiên cứu trên tàu của Hoa Kỳ. Phía Hoa Kỳ rất phấn khích, coi đó là một sự kiện mở đầu cho sự hợp tác nhiều triển vọng giữa hai nước trong lĩnh vực nghiên cứu hải dương học.
Viện tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia Hoa Kỳ (NIST), Quỹ khoa học quốc gia (NSF), đoàn đã có cuộc trao đổi về những kinh nghiệm trong việc chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phương thức quản lý quỹ khoa học quốc gia, quy trình xét duyệt dự án nghiên cứu.
Sau khi làm việc với các cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ, tôi và đoàn công tác của Bộ KH&CN đã tham dự cuộc tọa đàm về KHCN giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (được tổ chức theo sáng kiến và những nỗ lực của ĐSQ Việt Nam tại Hoa Kỳ cùng VEF), với sự đồng chủ trì của Tiến sĩ William Colglazire – Cố vấn KHCN của Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường. Tham dự có 70 học giả (điều đáng chú ý là tất cả những người được mời tham dự đều có mặt) của Hoa Kỳ đến từ các viện, trường, các Bộ, ngành,… trong đó có một số học giả là người Hoa Kỳ gốc Việt.
Sau phát biểu đề dẫn đánh giá cao về những kết quả tốt đẹp và triển vọng trong quan hệ hợp tác KHCN giữa hai nước của Tiến sĩ William Colglazire, tôi đã trình bày một số mục tiêu trong chiến lược phát triển KH&CN của Việt Nam đến năm 2020 và gợi ý những vấn đề, những chương trình cần hợp tác giữa hai nước.
Lần đầu tiên tại cuộc tọa đàm, những định hướng hợp tác nghiên cứu khoa học giữa hai nước cùng nhiều ý tưởng, kinh nghiệm trong chính sách, quản lý khoa học đã được bàn thảo rất sôi nổi và hết sức xây dựng. Và cũng tại cuộc tọa đàm này, chúng tôi cũng nhận được ý kiến rất hữu ích của một số nhà khoa học Việt kiều về những cơ chế chính sách cần sửa đổi để có thể thu hút được chất xám của Việt kiều tham gia vào phát triển KHCN nói chung của đất nước, và cụ thể hơn là tham gia vào các dự án hợp tác KHCN giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Nhìn chung, những buổi làm việc của đoàn với các cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ đã diễn ra hết sức thiện chí, trên tinh thần mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác. Về cơ bản hai bên đã thống nhất xác định các nguyên tắc chung và định hướng hợp tác khoa học, công nghệ và giáo dục đại học trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, sẽ tiến hành tổ chức những cuộc hội thảo, gặp gỡ giữa các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học để bàn triển khai các dự án cụ thể trên những lĩnh vực ưu tiên như công nghệ thông tin, công nghệ vũ trụ, điện hạt nhân, cơ khí và tự động hóa, vật liệu mới, hải dương học…
Có thể nói kết quả của chuyến công tác của đoàn Bộ KH&CN tại Hoa Kỳ là bước khởi đầu thuận lợi cho sự hợp tác KHCN giữa hai nước bước sang một giai đoạn phát triển mới.