Từ ngày 2-4/8 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa sẽ diễn ra Hội nghị Khoa học và công nghệ hạt nhân lần thứ 12 với sự tham dự của 370 đại biểu là cán bộ nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử và hơn 40 Giáo sư, nhà khoa học quốc tế.
TS. Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết như trên vào sáng 27/7. Hội nghị KH&CN hạt nhân (Vietnam Conference on Nuclear Science and Technology - VINANST) được tổ chức 2 năm một lần, là sự kiện quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, triển khai và ứng dụng của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam.
Hội nghị là nơi gặp gỡ và trao đổi các kết quả nghiên cứu, ứng dụng mới trong lĩnh vực KH&CN hạt nhân của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, Hội nghị là cơ hội để các nghiên cứu viên trẻ trong nước có cơ hội giao lưu và trao đổi trau dồi thêm kiến thức chuyên môn cũng như các kỹ năng thực tế khác.
Hội nghị lần này được Viện Năng lượng nguyên tử tổ chức với quy mô lớn và tầm khu vực. Hội nghị đã thu hút được nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan, các trường đại học trong nước và nhiều đại biểu quốc tế, đến từ các quốc gia có nền KH&CN hạt nhân tiên tiến (như Nga, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Séc, Hà Lan, Bỉ, Romania, Hungary, Ấn Độ, Singapore...), từ các nước láng giềng (Lào và Campuchia) và từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN).
Tham gia hội nghị có hơn 70 tổ chức trong và ngoài nước với hơn 370 đại biểu là các cán bộ nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử thuộc các tổ chức khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, các cán bộ quản lý thuộc các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan, nghiên cứu sinh và sinh viên các trường đại học.
TS. Trần Chí Thành cho biết, trên cơ sở các báo cáo gửi đến, Hội đồng khoa học của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã phản biện nghiêm túc và lựa chọn được 235 bái cáo, trong đó có 135 báo cáo trình bày tại 6 Tiểu ban chuyên môn và 79 báo cáo dán bảng (posters). Hội nghị sẽ có các phiên toàn thể và các tiểu ban chuyên sâu về các ứng dụng của kỹ thuật hạt nhân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Chia sẻ về một số điểm nhấn của Hội nghị, TS. Trần Chí Thành cho biết, lần đầu tiên tham dự hội nghị thuộc ngành năng lượng nguyên tử tại Việt Nam, đại diện CERN tại Geneva sẽ trình bày kết quả nghiên cứu mới nhất của vật lý hạt nhân hiên đại về vật lý Plasma Quark-Gluon với thí nghiệm ALICE tại Large Hadron Collider (LHC - máy gia tốc hạt lớn).
LHC là chiếc máy gia tốc hạt hiện đại lớn nhất, cung cấp gia tốc mạnh nhất trên thế giới, được thiết kế để tạo va chạm trực diện giữa các tia proton (một trong các loại hạt cơ bản) với động năng cực lớn. Mục đích chính của nó là phá vỡ những giới hạn và mặc định của mô hình chuẩn - những lý thuyết cơ bản hiện thời của vật lý hạt. Tại điểm va chạm, người ta lắp đặt thiết bị đo khổng lồ (detector) để các tia sinh ra trong cú va chạm bay ra sẽ được ghi đo và nhận dạng, từ đó biết được bản chất và quá trình vật lý xảy ra. Trên chu vi của máy gia tốc đối chùm LHC được lắp bốn hệ đo ATLAS, CMS, LHCb và ALICE. Hệ ALICE nghiên cứu một số hiện tượng vi mô của vật lý hạt nhân xảy ra ở năng lượng cao.
Đến từ Đại học Bắc Carolina, Mỹ, GS. Ayman Hawari - Giám đốc Chương trình lò phản ứng hạt nhân của bang này - sẽ trình bày về kinh nghiệm nâng cấp, vận hành và ứng dụng lò phản ứng PULSTAR. Lò phản ứng R-1 nằm trong địa giới bang Bắc Carolina là lò phản ứng nghiên cứu đầu tiên được thiết kế, xây dựng và vận hành bởi một viện nghiên cứu ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Kể từ khi xây dựng lò R-1 vào năm 1950, hiện bang này đã có 4 lò phản ứng hạt nhân ở ba địa điểm.
Đại diện Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, GS. Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - sẽ trình bày về hiện trạng và triển vọng ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp. GS-TSKH Trần Duy Quý - Viện Hợp tác nghiên cứu KH&CN khu vực châu Á - Thái Bình Dương (IAP) trình bày về nghiên cứu các giống lúa đột biến cho năng suất, chất lượng và khả năng kháng chịu sâu bệnh cao bằng công nghệ hạt nhân.
PGS. Chung Keng Yeow - Viện Sáng kiến an toàn và Nghiên cứu hạt nhân (SNRSI) Singapore và TS. Chul Hwa Song - Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc (KAERI) sẽ trình bày về kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu an toàn hạt nhân ở Singapore và kinh nghiệm phát triển các công nghệ hạt nhân tại Hàn Quốc.
Trong lĩnh vực nghiên cứu thủy văn đồng vị, TS. Đặng Đức Nhận - Đại học Điện lực, Bộ Công thương - sẽ trình bày về sự hình thành và thành phần hóa học của nguồn tài nguyên nước ngầm vùng đồng bằng sông Mê Kông.
Trong lĩnh vực y tế, GS. Mai Trọng Khoa - Bệnh viện Bạch Mai - trình bày về ứng dụng bức xạ ion hóa trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư...
Trong khuôn khổ hội nghị còn có triển lãm giới thiệu ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ với mục đích thông báo những kết quả trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, thiết bị và dịch vụ kỹ thuật hạt nhân trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bảo Chi