Thành lập quý 1-2011, đến nay, Hội Nữ trí thức Việt Nam (Vietnam Association for Intellectual Women - VAFIW) đã và đang khẳng định tiếng nói của mình trong xã hội. Cộng tác viên báo Nhân Dân điện tử đã có cuộc phỏng vấn GS,TSKH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam (HNTTVN).
Sau Đại hội thành lập, Hội chỉ mới có 302 thành viên, đến nay, Hội đã có bao nhiêu hội viên và cơ cấu tổ chức Hội đã có những thay đổi gì, thưa Giáo sư?
Đến nay, Hội đã có 740 hội viên (bao gồm cả 302 hội viên sáng lập), và 200 hội viên thuộc HNTTVN Tỉnh Thừa Thiên - Huế, nâng tổng số hội viên chính thức lên hơn 900 người thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khoa học, văn hóa, nghệ thuật... Trong số 740 hội viên, có 43,6% số hội viên dưới 40 tuổi, trên 60 tuổi chỉ chiếm 10,2%; 42,6% là tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, 11,7% là phó giáo sư, 2,1% là giáo sư, 29% là thạc sĩ.
Nhiều hội viên là nữ tiến sĩ tài năng, tuổi đời còn trẻ. Không ít hội viên từng nhận các giải thưởng khoa học danh giá như Giải thưởng Kovalevskaya, Giải thưởng VIFOTEC về khoa học và công nghệ. Nhiều chị là Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú. Có chị là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, hay các doanh nhân thành đạt…
Về cơ cấu, đến nay, Hội đã có 4 chi hội: Chi hội Nữ trí thức (NTT) Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm có 51 thành viên; Chi hội NTT Khoa Sinh học Đại học Sư phạm HN có 36 thành viên; Chi hội NTT Đại học Bách Khoa TP HCM có 30 thành viên; Chi hội NTT Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia HN) có 79 thành viên; và một hội thành viên mới là Hội NTT tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa họp đại hội thành lập cuối tháng 3/2012, với số lượng hội viên ban đầu lên tới 200 người.
Ước tính đến thời điểm này, HNTTVN đã trở thành “mái nhà chung rộng thoáng” của hơn 900 nữ trí thức ở cả ba miền bắc, trung, nam.
Sau một năm, theo Giáo sư, những thành quả bước đầu của hoạt động Hội là gì?
Sau ngày thành lập, Hội đã từng bước ổn định cơ cấu tổ chức, dần chia thành các ban chuyên môn đảm trách từng lĩnh vực.
Hội đã nghiên cứu để đưa ra những căn cứ khoa học và thực tiễn, nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Lao động, tăng mức tuổi nghỉ hưu của nữ lao động trí óc bằng nam giới, trừ những trường hợp có nguyện vọng khác. Những bản báo cáo có cơ sở khoa học và tính thuyết phục cao của Hội đã được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền.
Tại cuộc tọa đàm về cây trồng biến đổi gen, do Quỹ hòa bình và phát triển phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, tổ chức hồi tháng 10/2011, HNTTVN cũng đưa ra bằng chứng khoa học mới về những rủi ro và tác hại đã xảy ra tại một số nước, khi sử dụng các giống cây trồng biến đổi gen. Báo cáo đưa đến kiến nghị phải thận trọng, nghiên cứu nghiêm túc, đánh giá khách quan, trung thực trước khi triển khai trồng thử nghiệm rộng các cây biến đổi gen.
Năm qua, HNTTVN đã phối hợp với các đơn vị khác tổ chức thành công 5 cuộc giao lưu về các chủ đề: Phụ nữ với an toàn thực phẩm trong gia đình và cộng đồng; Nữ trí thức trẻ giao lưu với Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội LHPNVN, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Giám đốc ĐHQGHN; Xây dựng kế hoạch chiến lược đào tạo nâng cao năng lực cho nữ trí thức Việt Nam giai đoạn 2011-2016; giao lưu trực tuyến truyền hình trực tiếp chương trình Giao lưu với nữ lãnh đạo, nữ trí thức tiêu biểu trên các lĩnh vực; và giao lưu với GS,TS Chu Hảo về chủ đề Trí thức - họ là ai?
CLB Nữ trí thức Kovalevskaya do HNTTVN thành lập, trực thuộc Hội đã sinh hoạt khoa học hai lần. Tham gia CLB này đều là những chị có trình độ học vấn cao, có địa vị xã hội. Các chị đưa ra những gợi ý có giá trị cho các hoạt động của Hội.
Đặc biệt, vị Chủ tịch danh dự của Hội, bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, đã nhiều lần đến văn phòng Hội hoặc mời Ban lãnh đạo Hội đến Phủ Chủ tịch, để nghe báo cáo hoạt động của Hội, đóng góp ý kiến cho các hoạt động của Hội, các ý kiến đóng góp đối với Nhà nước.
Hội LHPNVN cũng luôn sát cánh với mọi hoạt động của HNTTVN.
Tuy “tuổi đời” còn ít, nhiều hoạt động của Hội đã được giới báo chí - truyền thông chú ý.
Hội không thu hội phí trong năm đầu tiên, song vẫn tổ chức thành công một số hoạt động, vậy kinh phí lấy từ đâu?
Cho đến nay, mọi hoạt động của Hội đều dựa vào sự đóng góp tự nguyện của chị em, cả về tiền bạc và công sức, cũng như sự ủng hộ từ một số các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để các hoạt động của Hội có điều kiện mở rộng và có khả năng giúp đỡ nhiều hơn các nữ trí thức trẻ, từ năm 2012, Hội sẽ thu phí hội viên; bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ song hành.
Giáo sư nói gì về kế hoạch hoạt động Hội trong năm 2012 ?
Cuối tháng 3/2012, Hội nghị Ban Chấp hành Hội quyết định trong thời gian tới sẽ phải chú ý phát triển Hội mạnh mẽ, tăng thêm số chi hội và hội thành viên, nhằm tạo nên mạng lưới hội viên rộng khắp cả nước và trên nhiều lĩnh vực..
Đối với những nữ trí thức làm việc tại các cơ sở phân tán, không đủ điều kiện thành lập chi hội tại cơ sở, chúng tôi dự định lập chi hội nữ trí thức văn phòng Hội để tạo đầu mối liên hệ cho chị em tham gia sinh hoạt Hội.
Nhân kỷ niệm một năm thành lập, Hội đã lập Quỹ “Vì sự phát triển tài năng nữ trí thức” để khen thưởng những nữ nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở trong nước, và những chị có thành tích khoa học xuất sắc. Quỹ ra đời, ngay lập tức nhận được những đóng góp ban đầu của một số hội viên và doanh nghiệp.
Đây là món quà quý báu, khích lệ các bạn nữ trí thức trẻ vượt qua muôn vàn khó khăn và trắc trở, vững bước tiến về phía chân trời rộng mở của khoa học và nghệ thuật.
Chân thành cảm ơn Giáo sư!