Thành lập hơn 4 năm, CLB Ươm mầm khoa học kỹ thuật phổ thông của học sinh Đồng Nai gặt hái hơn 20 giải thưởng cấp huyện, tỉnh và quốc gia.
Căn phòng nhỏ chừng 16 m2 của thầy Nguyễn Thanh Phương (giáo viên môn Công nghệ, trường THPT Thống Nhất A) nhộn nhịp hơn mỗi sáng chủ nhật. Hơn 10 học sinh nam nữ cùng cắt, hàn, chạy thử robot... để "hô biến" những ý tưởng sáng tạo của mình thành sản phẩm hữu ích.
Bốn năm trước, xuất phát từ Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, thấy một số học trò có đam mê nghiên cứu thầy Phương liền động viên các em tham gia. Thầy cũng chính là người hướng dẫn cho các đề tài, giúp những ý tưởng sơ khai thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Năm đó, CLB lần đầu tiên đạt giải khuyến khích đã thôi thúc thầy trò phát huy hơn các giải pháp của mình. Những năm sau, các sản phẩm được đưa ra có tính thực tiễn cao hơn như: máy nghiền đất, thu hoạch nghêu; robot vận chuyển, mô hình giao thông thông minh; robot quản gia; máy rũ phân cút... liên tiếp được giải ở cấp huyện, tỉnh và quốc gia.
Để duy trì CLB, thầy Phương phải tự bỏ tiền túi để mua sắm dụng cụ nghiên cứu, làm sản phẩm. Sau khi bắt đầu có tiền từ các giải thưởng, CLB mới đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị phục vụ hoạt động. "Các em đến với CLB chủ yếu là đam mê, kinh phí eo hẹp, thầy và trò phải tận dụng tối đa những gì rẻ nhất để sáng chế", nam giáo viên nói.
Với phương châm "học sinh tự sáng tạo, tìm tòi và tự làm ra sản phẩm", thầy Phương chỉ là người hướng dẫn. "Từ những ý tưởng của các em học sinh, tôi sẽ đặt ra các câu hỏi và định hướng để các em tự giải quyết vấn đề. Có những lúc thầy trò chưa hiểu nhau, cũng tranh luận dữ lắm mới tìm ra được giải pháp tốt nhất", thầy Phương cho biết.
Em Sầm Đức Anh, trưởng nhóm sản phẩm Máy rũ phân cút, đạt giải nhất cấp tỉnh cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng năm 2019 cho rằng, việc tham gia CLB đã giúp cho học sinh phổ thông tiếp cận được những bài học trên lớp về cơ điện, điện tử, công nghệ. "Tham gia ba năm nay giúp em nhiều bài học và sáng tạo hơn, là tiền đề cho chúng em theo đuổi đam mê, vững chắc để bước chân vào giảng đường đại học", Anh nói.
Các thành viên hoạt động mô hình Máy rũ phân cút, sản phẩm được giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2019. Ảnh: Phước Tuấn
Trong khi đó, nữ sinh Thanh Trúc (lớp 12, trường THPT Thống Nhất A) cho biết rất bổ ích khi tham gia cùng các bạn. Từ những ý tưởng mơ hồ, cùng trao đổi, tìm hiểu và làm ra sản phẩm đã cho những thành viên nhiều bài học quý báu về tinh thần làm việc nhóm. Trúc chia sẻ: "Tham gia CLB nhưng em vẫn tập trung vào việc học ở lớp, biết phân bố thời gian cho hợp lý nên bố mẹ rất ủng hộ".
UBND tỉnh Đồng Nai vừa trao 6 giải nhất, 12 giải nhì, 18 giải ba và 30 giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai 2019. Trong đó sản phẩm Máy rũ phân cút của 4 thành viên trong CLB được trao giải nhất và giải Sáng tạo. Ngoài ra CLB đạt nhiều giải nhì, ba và khuyến khích với những sáng kiến của các thành viên.
Máy rũ phân cút hoạt động theo nguyên lý trục xoay chiều cuốn lưới được người dân dùng lót phân dưới chuồng trại. Khi lưới đi qua máy sẽ được gạt phân lại, rũ sạch lưới. Phân được gạt xuống bao chứa. Ngoài ra hệ thống thanh chắn linh hoạt đưa lên cao hoặc xuống thấp phù hợp chuồng cút nhiều tầng. Sản phẩm được Ban giám khảo đánh giá cao, mang tính thực tiễn, có thể sản xuất áp dụng vào cuộc sống.