Hoạt động công nhận – công cụ hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan quản lý nhà nước trong các hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cũng như trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực xây dựng.
Là một trong những nội dung được tập trung thảo luận tại Hội thảo “Công nhận mang đến sự tin cậy trong chất lượng công trình và môi trường xây dựng” do Văn phòng Công nhận Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào ngày 29/6 tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) Hà Minh Hiệp cho biết, chất lượng công trình và môi trường xây dựng là vấn đề được thế giới rất quan tâm và khẳng định vao trò quan trọng của hoạt động công nhận trong lĩnh vực này. Trong bối cảnh xây dựng đang ngày càng phát triển ở Việt Nam, vai trò hoạt động đánh giá các công trình xây dựng ngày càng được coi trọng, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập hiện nay.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp phát biểu tại Hội thảo.
Ngoài lợi nhuận, các doanh nghiệp trong ngành xây dựng cũng phải đảm bảo chất lượng công trình và môi trường xây dựng. “Do vậy, hoạt động công nhận sẽ có vai trò quan trọng trong việc tăng cường kiểm soát, khuyến khích ngành tốt hơn và hiệu quả hơn trong công tác xây dựng thiết kế cũng như thực hiện đúng các quy định về an toàn kỹ thuật, an toàn lao động trong xây dựng” Phó Tổng cục trưởng cho hay.
Theo Ban tổ chức, Ngày công nhận năm 2017 tập trung vào việc giới thiệu về vai trò của công nhận mang đến sự tin cậy trong chất lượng công trình và môi trường. Tiêu chuẩn đánh giá sự phù hợp và công nhận là những công cụ được xây dựng và thừa nhận để hỗ trợ ngành xây dựng, các chủ sở hữu xây dựng và những người vận hành từ các nhà thầu đến các nhà sản xuất.
Hoạt động công nhận giữ vai trò quan trọng đối các tổ chức chứng nhận sự phù hợp, tổ chức hiệu chuẩn, thử nghiệm, giám định trong lĩnh vực xây dựng và hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý và bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực xây dựng. Các tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp được công nhận là các công cụ của thị trường, có thể sử dụng trong ngành xây dựng bao gồm: các sản phẩm và vật liệu xây dựng, các kỹ thuật và thực hành xây dựng, an toàn sức khỏe tại nơi làm việc, tác động của môi trường,… thậm chí sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong các tòa nhà thông minh.
Hoạt động công nhận là một phần quan trọng nhất của một quốc gia để đảm bảo chất lượng của hệ thống đánh giá sự phù hợp - đảm bảo chất lượng của hoạt động thử nghiệm, hiệu chuẩn, chứng nhận và giám định. Các tổ chức giám định tiến hành các hoạt động liên quan đến xây dựng như: hàn, quy trình hàn, bình áp lực, đường ống khí và ga, an toàn điện, thiết bị nâng và vận chuyển hàng nguy hiểm. Công nhận cũng bao gồm các dịch vụ giám định trong khảo sát và đánh giá rủi ro của amiăng.
Ngoài ra, hoạt động công nhận giúp tạo sự tin cậy cho kết quả đánh giá sự phù hợp nên được sử dụng là công cụ hữu ích cho việc thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp giữa các quốc gia với nhau góp phần thực hiện mục tiêu mà thương mại toàn cầu hướng tới “Một tiêu chuẩn, một kết quả đánh giá sự phù hợp, chấp nhận ở mọi nơi”.
Việc có chứng chỉ công nhận sẽ đảm bảo các công ty xây dựng có các quy trình kiểm soát thích hợp nhằm tạo ra các dự án hiệu quả, kiểm soát tác động môi trường và hiệu suất năng lượng và tạo ra môi trường làm việc an toàn.
Đồng thời, tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp và công nhận là những công cụ được xây dựng và thừa nhận để hỗ trợ ngành xây dựng, các chủ sở hữu xây dựng và những người vận hành từ các nhà thầu đến các nhà sản xuất, nhà thiết kế và kiến trúc sư, kỹ sư kết cấu và dân dụng.
Các đại biểu cùng chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.
Đánh giá về vai trò của tổ chức công nhận hiện nay, ông Trần Bảo, đại diện Hội đồng Công nhận Việt Nam cho biết, hoạt động công nhận đóng vai trò hết sức quan trọng không chỉ đối với bản thân các tổ chức chứng nhận sự phù hợp, tổ chức hiệu chuẩn, tổ chức thử nghiệm, tổ chức giám định trong lĩnh vực xây dựng; các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh,… mà còn hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý các hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cũng như trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực xây dựng.
Tại hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu đến từ các đơn vị liên quan đề cập đến các vấn đề như: vai trò của hoạt động công nhận trong việc đảm bảo chất lượng xây dựng; báo cáo về hoạt động công nhận hiện nay; nâng cao độ tin cậy, chất lương dịch vụ đối với các tổ chức hoạt động kiểm định, giám định, chứng nhận sản phẩm khi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế; hoạt động công nhận trong lĩnh vực và bài học thực tế của Quatest 3; vai trò của công nhận trong lĩnh vực y tế dự phòng,…
Tin, ảnh: Ngũ Hiệp