Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) đã hoàn thành và vượt kế hoạch công tác quản lý nhà nước về TĐC theo nhiệm vụ được giao, tiêu biểu qua các lĩnh vực như: tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đo lường; công tác mã số, mã vạch; pháp chế - thanh tra, kiểm tra; thông tin, tuyên truyền,…. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hoạt động hành chính công, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh đã nhấn mạnh như trên tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và Phương hướng nhiệm vụ năm 2018 của Tổng cục TĐC diễn ra chiều 15/01/2018 tại Hà Nội.
Tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ KH&CN; Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành trung ương, địa phương và các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.
Về phía Tổng cục có Tổng cục trưởng Tổng cục TĐC Trần Văn Vinh; các Phó Tổng cục trưởng; đại diện Đảng ủy Tổng cục, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh và đại diện lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của các đơn vị trực thuộc.
91% nhóm sản phẩm, hàng hóa chuyển sang cơ chế hậu kiểm
Tại Hội nghị, ông Trần Văn Vinh đã báo cáo tổng kết năm 2017 của TĐC. Theo đó, cùng với sự nỗ lực của Tổng cục, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Bộ KH&CN cũng như sự hỗ trợ và hợp tác tích cực từ các đơn vị trong Bộ và các cơ quan ban ngành. Năm 2017, Tổng cục đã chủ trì soạn thảo 05 Nghị định; 03 Quyết định của Thủ tướng; 11 Thông tư; 01 Quyết định của Bộ trưởng Bộ KH&CN (trong đó nhiệm vụ theo kế hoạch được Bộ KH&CN giao theo Quyết định 4295/QĐ-BKHCN ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ KH&CN là: 02 Nghị định; 01 Quyết định của Thủ tướng; 07 Thông tư). Ngoài việc chủ trì xây dựng VBQPPL theo kế hoạch đã được Bộ KH&CN phê duyệt, Tổng cục còn phối hợp với các cơ quan trong và ngoài Bộ KHCN góp ý, xây dựng nhiều VBQPPL có liên quan đến lĩnh vực TĐC.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Thứ trưởng Trần Văn Tùng tham dự Hội nghị
Tổng cục cũng tích cực triển khai quyết liệt thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước tập trung vào các nhiệm vụ chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; cắt giảm chi phí kiểm tra chuyên ngành; tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thúc đẩy mô hình sản xuất thông minh, đô thị thông minh, nông nghiệp hữu cơ, hiệu suất năng lượng; thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN tạo thuận lợi thương mại; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp,...
Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị đã được Tổng cục khẩn trương triển khai và cụ thể hóa thành chương trình hành động cụ thể để giao nhiệm vụ đến từng đơn vị thông qua các Quyết định, đồng thời tăng cường việc giám sát, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ hàng tuần, tháng và báo cáo Bộ KH&CN định kỳ theo đúng yêu cầu.
Thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ, Tổng cục đã chủ trì xây dựng trình Bộ KH&CN ban hành Thông tư 02/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN; Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN ngày 16/6/2017 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN, với tinh thần làm rõ cách thức công bố hợp quy dựa trên biện pháp tiền kiểm (kiểm tra trước thông quan). Đặc biệt là biện pháp hậu kiểm (kiểm tra sau thông quan) để tạo ra khung pháp lý chung cho các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực căn cứ vào đó để có những biện pháp quản lý cụ thể đối với từng nhóm sản phẩm, hàng hóa do bộ ngành phụ trách.
Ngoài ra, làm rõ phương thức hậu kiểm, thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiếm của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Trước đây, việc kiểm tra các sản phẩm, hàng hóa trước thông quan là 100%, khi Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành, sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan đã được cắt giảm từ 24 nhóm sản phẩm, hàng hóa xuống còn 02 nhóm sản phẩm, hàng hóa. Như vậy, 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ KHCN quản lý đã được chuyển sang cơ chế hậu kiểm. Chỉ còn lại mặt hàng xăng dầu, khí LPG phải kiểm tra trước khi thông quan.
Đồng thời, Tổng cục đã làm việc với 12 Bộ quản lý chuyên ngành để triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, Nghị quyết số 75/NQ-CP. Kết quả nổi bật là các Bộ quản lý chuyên ngành đã nhất trí, thống nhất chung tay cùng phối hợp thực hiện để hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó xác định tiếp tục rà soát danh mục hàng hóa nhóm 2 đã ban hành, xem xét loại bỏ ra khỏi danh mục những hàng hóa không thực sự gây mất an toàn hoặc chưa xác định được cách thức quản lý hoặc chưa có QCVN; bổ sung mã HS (nếu chưa có mã HS; Sửa đổi, bổ sung các VBQPPL còn chồng chéo, bất cập, không phù hợp với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật An toàn Thực phẩm… theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh báo cáo tại Hội nghị
“Theo Nghị quyết số 75/NQ-CP, đối với hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN thì hiện nay đã chuyển đổi 91% số mặt hàng từ tiền kiểm sang hậu kiểm (nhiều hơn yêu cầu tại Nghị quyết số 75/NQ-CP) và đã hoàn thành việc này trước thời hạn 9 tháng”, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh cho biết.
Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh tiến độ, nâng cao hiệu quả thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Hiện nay, Tổng cục đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn 1 đối với thủ tục hành chính (TTHC) là Kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN và đang tiếp tục thực hiện “Dự án ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ KH&CN để kết nối với hệ thống công nghệ thông tin của Bộ Tài chính trên Cơ chế một cửa quốc gia”.
Thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử, đến nay Tổng cục đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước và xây dựng phần mềm giải quyết TTHC online đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và người dân đối với lĩnh vực TĐC.
Đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp
Năm 2017, Tổng cục đã tổ chức tốt công tác tiếp nhận, tổ chức hội đồng thẩm định, trình Bộ KH&CN công bố 918 TCVN, tổ chức góp ý trên 40 QCVN, thẩm định 99 QCVN do các Bộ quản lý chuyên ngành xây dựng, qua đó, thực hiện tốt vai trò cơ quan thẩm định, góp phần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo hướng đảm bảo tính hiệu quả, đồng bộ, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, Tổng cục đã chủ động xây dựng kế hoạch, định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ cho các Bộ, ngành rà soát, sửa đổi, xây dựng mới các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật do các Bộ, ngành quản lý nhằm tránh sự chồng chéo (Thành viên của các Hội đồng thẩm tra TCVN của Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ VHTTDL, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; Ban soạn thảo QCVN của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công an...); xây dựng các QCVN thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN (QCVN về dây và cáp điện; QCVN về xăng dầu, nhiên liệu sinh học) và những đối tượng chưa được phân Bộ, ngành quản lý để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với các mặt hàng như QCVN về khí thiên nhiên, về đèn Led, pin xe điện tự cân bằng, dầu nhờn động cơ, thép làm cốt bê tông,…
Công tác quản lý nhà nước, hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong năm 2017 cũng được chú trọng nâng cao, đổi mới, tăng cường sự chủ động để hỗ trợ tốt hơn cho các Bộ, ngành trong công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành. Công tác soạn thảo và ban hành TCVN, QCVN được đẩy mạnh tăng về số lượng, chất lượng với tỷ lệ hài hòa quốc tế của các TCVN ngày càng được cải thiện, Hợp tác quốc tế ngày càng chủ động và đi vào thực chất, góp phần nâng cao vị thế quốc tế, khu vực của Việt Nam trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa.
Công tác đo lường đã giải quyết các thủ tục hành chính và các công việc theo chức năng nhiệm vụ về đo lường được xử lý nhanh chóng, kịp thời góp phần nâng cao chất lượng phục vụ hành chính công, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và đáp ứng được nhu cầu kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo cho các tổ chức, cá nhân trên phạm vi cả nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Về công tác quản lý chất lượng, năm 2017, Tổng cục đã tuyên truyền, hướng dẫn và trực tiếp xử lý các vướng mắc của các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp về quản lý chất lượng SPHH, hoạt động ĐGSPH và sản phẩm hàng hóa nhóm 2 do Bộ KH&CN quản lý, theo đúng yêu cầu quy định và đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp; rà soát, loại bỏ khỏi danh mục hàng hóa nhóm 2 những hàng hóa không thực sự gây mất an toàn hoặc chưa xác định được cách thức quản lý hoặc chưa có QCVN,… Điều này đã giúp Bộ KH&CN trở thành đơn vị dẫn đầu việc thực hiện cải cách hành chính về hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua công tác mã số mã vạch, giải thưởng Chất lượng quốc gia; Chương trình quốc gia về năng suất chất lượng… vẫn được tiếp tục triển khai và đẩy mạnh hiệu quả hơn nữa.
Công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa được tăng cường với kết quả cụ thể và xử lý theo thẩm quyền, ra 46 thông báo tạm dừng lưu thông đối với mẫu hàng hóa vi phạm nhãn, xử phạt vi phạm hành chính về TCĐLCL với 42 cơ sở, 248 mẫu hàng hóa và chuyển hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 12 cơ sở với số tiền trên 318 triệu.
Nhiều dấu ấn tại APEC
Năm 2017, Tổng cục đã chủ trì tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn và đặc biệt đối với sự kiện APEC/SCSC, Tổng cục đã hoàn thành công tác tổ chức trong năm APEC 2017 để lại dấu ấn và được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Ngoài ra, Tổng cục đã làm tốt vai trò là đại diện của Việt Nam tham gia các Tổ chức Quốc tế và khu vực (APEC, ISO, IEC, ACCSQ, APO, OIML, APMP, GS1...), đồng thời tích cực tham gia các hội nghị, tiểu ban kỹ thuật và chủ động đề xuất, đóng góp ý kiến đối với tài liệu kỹ thuật, định hướng chính sách của các Tổ chức quốc tế này để phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật và kinh tế xã hội của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Tổng cục đã tham gia đoàn đàm phán và chủ trì đàm phán thành công các chương Tiêu chuẩn, Quy chuẩn Kỹ thuật, Đánh giá sự phù hợp đối với các Hiệp định được ký kết giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, thế giới; chủ động, tích cực tìm kiếm các dự án mới trong khuôn khổ hợp tác với Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, ASEAN/ACCSQ, APEC/SCSC, APO.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, năm 2017, ngành TĐC có nhiều dấu ấn lớn với kỷ niệm 55 ngày thành lập Tổng cục và được vinh danh tại Chương trình “Vinh Quang Việt Nam 2017 - Dấu ấn 30 năm đổi mới”.
Bộ trưởng biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của Tổng cục, trong đó có công tác xây dựng VBQPPL; phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát danh mục hàng hóa nhóm 2; chủ động xử lý các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh,…
Bộ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về TĐC của Tổng cục, đều hoàn thành và vượt kế hoạch theo nhiệm vụ được giao, tiêu biểu qua các lĩnh vực như: tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đo lường; công tác mã số, mã vạch; pháp chế - thanh tra, kiểm tra; thông tin, tuyên truyền,…. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hoạt động hành chính công, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, Tổng cục cần tiếp tục bám sát, xỷ lý những vấn đề phát sinh, triển khai mạnh mẽ và quyết liệt và thực hiện các nhiệm vụ đề ra. Tổ chức phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động triển khai tốt các vấn đề xây dựng VBQPPL và các nhiệm vụ khác đặt ra,...
Bộ trưởng đề nghị Tổng cục tiếp tục đẩy mạnh Chương trình quốc gia năng suất chất lượng, tập trung các chương trình trọng điểm để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và khả năng cạnh tranh. Bộ trưởng cũng bày tỏ tin tưởng, Tổng cục tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần sáng tạo, chủ động, quyết liệt; là lực lượng xung kích của ngành KH&CN trong việc tạo cơ hội, điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp nhằm đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ của Thủ tướng, Chính phủ và Bộ giao.
Thay mặt Tổng cục cũng như tiếp thu ý kiến, đánh giá của Bộ trưởng, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh cho biết, những chia sẻ khó khăn, thuận lợi với Tổng cục của Bộ trưởng cũng như sự chỉ đạo của Bộ trưởng là niềm cổ vũ, động viên kịp thời đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Tổng cục. Đồng thời bày tỏ quyết tâm tiếp tục phát huy kết quả đạt được, trên tinh thần chủ động sáng tạo, đổi mới để hoàn hành xuất sắc các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trao tặng danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước cho Vụ Đánh giá Hợp chuẩn Hợp quy và Vụ Kế hoạch Tài chính
Năm 201, Tổng cục TĐC tiếp tục đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm công tác như:
- Hoàn thiện hệ thống VBQPPL
- Thúc đẩy các giải pháp cải tiến hoạt động kiểm tra chuyên ngành, biện pháp quản lý sản phẩm hàng hoá nhóm 2, đổi mới hoạt động quản lý chất lượng phục vụ doanh nghiệp trên tinh thần triển khai các Nghị quyết của Chính phủ và các Chương trình hành động của Bộ KH&CN
- Nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về TĐC
- Triển khai giai đoạn II (2016 – 2020) Chương trình quốc gia năng suất chất lượng theo hướng phối hợp, lồng ghép với các chương trình, dự án, đề án KHCN có cùng mục tiêu nâng cao năng suất chất lượng của Bộ KH&CN, của các Bộ ngành và địa phương.
- Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TĐC, gắn kết các hoạt động sự nghiệp phục vụ công tác quản lý nhà nước về TĐC;...
|
Bài, ảnh: Ngũ Hiệp