Hoàn thiện thành công kỹ thuật dồn cá ngừ giống từ lưới vây sang lồng lưu giữ và vận chuyển cá giống; thả giống được 485 con cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to vào 2 lồng,…đây là một trong những kết quả ấn tượng của đề tài “Nghiên cứu nuôi thương phẩm cá ngừ vây vàng (Thunnus albacores) và cá ngừ mắt to (Thunnus obesus) tại Việt Nam (Mã số: KC.06.07/11-15)
ThS. Bùi Quang Mạnh, Viện Nghiên cứu Hải sản, Chủ nhiệm đề tài cho biết, nuôi cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to lần đầu tiên nghiên cứu tại Việt Nam nên việc lựa chọn vùng nuôi là điều vô cùng quan trọng. Địa điểm đặt lồng nuôi cần phù hợp với đặc tính sinh học của cá ngừ. Trước hết là điều kiện khí hậu phải phù hợp với cá ngừ, sau đó là các chỉ tiêu chất lượng nước và đặc điểm địa hình vùng nuôi.
Nhóm nghiên cứu đã áp dụng quy trình kỹ thuật khai thác cá ngừ giống của đề tài KC.06/06-10 để khai thác cá ngừ đưa vào nuôi thương phẩm. Phương pháp loại bỏ cá tạp bằng cách dùng sung bắn cá tiêu diệt cá tạp trước khi dồn cá ngừ giống vào lồng nuôi. Thức ăn của cá ngừ là cá nục và cá trích tươi, mỗi ngày cho cá ăn hai lần sáng và chiều. Khung lồng nuôi cá là hình trụ tròn, chu vi 50m và sâu 10m.
Sau hơn 2 năm triển khai (từ năm 2012 đến nay), đề tài đã hoàn thiện được kỹ thuật dồn cá ngừ giống từ lưới vây sang lồng lưu giữ và vận chuyển cá giống. Thả giống được 485 con cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to vào 2 lồng. Đã xây dựng được quy trình nuôi thương phẩm cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to phù hợp với điều kiện tại Việt Nam. Quy mô 2 lồng đạt sản lượng 7.092kg; tỷ lệ sống cá nuôi đạt 53,2%; cá ngừ có chất lượng cao và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật Bản.
Tin, ảnh: Bảo Anh