Hành lang pháp lý và chính sách là bệ đỡ cốt lõi để hình thành những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có đủ sức mạnh về trí tuệ, nội lực và khả năng bứt phá trong tương lai.
Việt Nam sẽ trở thành miền đất màu mỡ cho hạt giống đổi mới sáng tạo
Trong những năm qua, TECHFEST cũng đã đồng hành cùng các địa phương trên cả nước để thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, phát triển các hệ sinh thái tại địa phương một cách bài bản, có định hướng theo lộ trình và đặc thù riêng, tìm kiếm và phát hiện các vấn đề lớn của địa phương để các giải pháp, sản phẩm đổi mới sáng tạo có thể tham gia giải quyết. Từ đó, trở thành cây cầu nối giữa hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương với hệ sinh thái quốc gia và quốc tế.
Trong Chương trình “Dấu ấn Techfest Việt Nam 2022”, nhiều câu chuyện về khởi nghiệp đã được chia sẻ. Tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Thu Hoa, người con dân tộc Mường bắt đầu khởi nghiệp từ năm 18 tuổi với sản phẩm thịt chua. Đây là sản phẩm truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc vùng núi Thanh Sơn (Phú Thọ).
Hành trình khởi nghiệp của cô gái trẻ là số vốn ít ỏi 4 triệu đồng vay mượn. Thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm, thiếu sự kết nối, chị phải tự tìm tòi học hỏi, và tất nhiên là cũng thất bại rất nhiều. Để món ăn đặc sản đến khắp vùng miền Tổ quốc, chị bắt đầu cải tiến công thức nhằm sản xuất hàng loạt mà không thay đổi hương vị đặc trưng của thịt chua.
Thịt chua có hạn sử dụng lên đến 2 tháng mà không sử dụng chất bảo quản, thay vì chỉ được 7-10 ngày như trước kia. Quy trình sản xuất bán thủ công làm tăng năng suất gấp 10 lần so với sản xuất thủ công trước kia.
Trong hành trình khởi nghiệp, chị luôn nỗ lực tìm kiếm những giải pháp sáng tạo để vượt qua những khó khăn. Nhất là trong đợt dịch Covid-19, doanh nghiệp Trường Food do chị Hoa sáng lập và điều hành phải thay đổi toàn bộ kênh bán hàng từ truyền thống sang bán hàng online. Đến nay doanh nghiệp Trường Food đã xây dựng hệ thống nhà phân phối, đại lý trên toàn quốc với hơn 7.000 điểm bán; đạt 40% thị phần thịt chua tại tỉnh Phú Thọ và các tỉnh lân cận.
Chị tâm sự, dù đang trong quá trình tăng trưởng nhưng công ty vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn để mở rộng quy mô.Chị Hoa rất mong Chính phủ tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ để những doanh nghiệp khởi nghiệp có thêm cơ hội kết nối với các nguồn lực. Cụ thể là được hỗ trợ về vốn, về thị trường, và chính sách thuế.
Lấy sản phẩm lợi thế quê hương để khởi nghiệp nông nghiệp là một trong những thế mạnh của các địa phương. "Việc này còn giúp tạo những tác động tích cực như tạo việc làm cho người địa phương, gìn giữ nét văn hóa, ẩm thực đặc sắc như doanh nghiệp chúng tôi đang làm", chị Hoa nói.
Hay như câu chuyện của TS. Nguyễn Hữu Phước Nguyên vốn hoàn thành chương trình tiến sĩ ngành Cơ khí ở trường Đại học Michigan của Mỹ. Thế nhưng, anh đã từ chối nhiều cơ hội tốt để trở về Việt Nam khởi nghiệp. Năm 2018, anh nhìn thấy một cơ hội tuyệt vời trong lĩnh vực xe điện. Anh Nguyên kể, Selex Motors đã trải qua rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn.
Năm 2019, Selex Motors phát triển được một mẫu xe máy điện tương đối hoàn chỉnh. Trong đó công ty làm chủ được công nghệ điều khiển động cơ, công nghệ pin, và đã đăng ký thành công bằng sáng chế đầu tiên. Khi công ty bắt đầu được các quỹ đầu tư và tập đoàn nước ngoài quan tâm thì dịch Covid-19 ập đến, đóng băng hết mọi thứ.
Với tinh thần vượt khó, công ty đã linh hoạt chuyển đổi hình thức sản xuất để có thêm nguồn tài chính để duy trì hoạt động. Đến nay, Selex Motors đã phát triển thành công hệ sinh thái xe máy điện tối ưu cho giao vận đầu tiên ở Đông Nam Á. Đây là những sản phẩm do công ty làm chủ toàn bộ thiết kế, công nghệ và sản xuất. Công ty bắt đầu bàn giao những lô hàng đầu tiên cho khách hàng và sẽ tập trung mở rộng thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Nhìn lại quá trình khởi nghiệp 5 năm qua, một trong những trăn trở lớn nhất của anh Nguyên là làm sao giữ được Selex Motors là một công ty Việt Nam. Bởi vì đã không ít nhà đầu tư nước ngoài đặt điều kiện, Selex phải đăng ký ở nước ngoài, nới có thủ tục tài chính thuận lợi hơn thì mới được rót vốn đầu tư.
Chính sách là nền tảng trọng yếu đối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Theo các chuyên gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần cần sớm xây dựng khung pháp lý cho cộng đồng khởi nghiệp để triển khai các dự án khởi nghiệp, nhất là gọi vốn. Bởi vì đây là các doanh nghiệp cần nguồn vốn đầu tư dài hạn.
Theo chuyên gia xây dựng chính sách hàng đầu thế giới, ông Martin Webber – Phó Chủ tịch điều hành tại J.E.Austin Associates cho rằng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, môi trường đầu tư cho các "startup" cần có nguồn hỗ trợ kinh phí cho đổi mới sáng tạo, và có những cơ chế để phát huy nguồn đầu tư của các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Trần Văn Tùng, từ khi triển khai Đề án 844 Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (năm 2016) đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam chuyển biến rõ nét.
Việt Nam vươn lên vị trí thứ 3 về thu hút đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chỉ sau Indonesia và Singapore. Chỉ số ĐMST quốc gia Đứng thứ 48/132 quốc gia, đứng đầu trong số các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tính đến hết năm 2021, hơn 1,5 tỷ USD đã được ghi nhận đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, cao nhất từ trước tới giờ.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, trong bối cảnh mới, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của quốc gia cần phải xác định được vai trò dẫn dắt, tiên phong và tạo nền tảng một cách vững chắc hơn.
Do đó, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đồng ý quan điểm coi hành lang pháp lý là thành phần nền tảng, trọng yếu đối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. "Để phát triển hệ sinh thái một cách bứt phá, cần có sự nỗ lực và phối hợp từ các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp khởi nghiệp đến các chủ thể trong hệ sinh thái".
Tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia Techfest 2022 tổ chức ở Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo luôn là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo ra những giá trị dựa trên cơ sở khai thác trí tuệ, công nghệ mô hình kinh doanh mới, mang tính bền vững còn khó khăn hơn rất nhiều. Vì thế việc phát triển một môi trường thuận lợi cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo là vô cùng cần thiết và quý giá.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần lắng nghe yêu cầu của cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo; học hỏi kinh nghiệm quốc tế để báo cáo Chính phủ bổ sung chính sách mới hoặc sửa đổi cho phù hợp .
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, các cơ quan quản lý trung ương, địa phương tiếp tục tăng cường hỗ trợ hệ sinh thái phát triển theo chiều sâu, đề xuất và triển khai các cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đầu tư mạo hiểm; cần có tư duy tiên phong, đổi mới sáng tạo, mạnh dạn thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái, ví dụ như: thí điểm sử dụng nguồn vốn khu vực công để đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là từ các nguồn ngân sách trung ương và địa phương dưới hình thức thành lập quỹ đầu tư nhà nước, hoặc đầu tư, cùng đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với quy định phù hợp thông lệ quốc tế về việc bảo toàn vốn theo danh mục đầu tư, với thời hạn phù hợp với đặc thù khởi nghiệp sáng tạo (từ 5-10 năm); thí điểm cơ chế đặt hàng, ra thách thức, mua sắm công ưu tiên đối với sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo; thí điểm các không gian đổi mới sáng tạo cho sản phẩm, dịch vụ mới tương tác trực tiếp với người dùng cuối, v.v...
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt bày tỏ mong muốn tiếp tục phát triển các cụm đổi mới sáng tạo, hành lang đổi mới sáng tạo liên kết các trung tâm khởi nghiệp, ĐMST tại các địa phương theo mô hình mở, khai thác nguồn lực có sẵn. Phối hợp chặt chẽ và nhân rộng hoạt động của các Làng công nghệ. Phát triển và khai thác các hợp tác quốc tế trong bối cảnh mới: đưa doanh nghiệp Việt Nam ra thế giới và đưa tri thức, trí tuệ, nguồn lực thế giới về với Việt Nam. Phát triển mạnh mẽ và hiệu quả các Mạng lưới kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở quốc gia, vùng, địa phương; Tăng cường triển khai các chương trình hợp tác đổi mới sáng tạo mở, thu hút lực lượng doanh nghiệp trưởng thành, dẫn dắt tham gia đặt hàng, đầu tư, hỗ trợ cho khởi nghiệp ĐMST; thúc đẩy các mối liên kết tạo giá trị tăng cường cho hệ sinh thái quốc gia.
Xây dựng và phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững, hiệu quả cao và tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế không phải là một con đường ngắn. Tin rằng rằng với trí tuệ Việt, khát khao và tinh thần Việt Nam, chúng ta sẽ làm được và sẽ thực sự trở thành một miền đất đổi mới sáng tạo thuận lợi cho các hạt giống tốt được phát triển với quy mô toàn cầu. Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, sẽ là cầu nối, là ngọn cờ tiên phong trong phát triển chính sách chung để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam.
Bài, ảnh: Nhóm phóng viên